Hướng dẫn cách rút bớt chân hương và vệ sinh bàn thờ chuẩn

Hướng dẫn cách rút bớt chân hương và vệ sinh bàn thờ chuẩn
một ngày trướcBài gốc
Nên rút bớt chân hương vào thời điểm nào?
Nghi thức rút bớt chân hương có thể thực hiện vào các ngày 23 tháng Chạp, ngày vía Thần tài hoặc ngày Rằm hàng tháng. Người Việt Nam thường làm nghi thức này vào thời điểm cuối năm, nhất là ngày 23 tháng chạp.
Vì người ta quan niệm rằng dọn dẹp vào thời gian này là dọn hết những điều không hay của năm cũ để chào đón một năm mới với những điều mới tốt đẹp hơn.
Gia chủ tiến hành thắp nhang kính báo gia tiên trước khi rút chân nhang.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để các gia đình lau dọn, sắp xếp lại bàn thờ sạch sẽ nên việc rút bớt chân hương vào lúc này sẽ thuận tiện hơn.
Chọn người để rút chân hương
Một điều cần chú ý trong các cách rút bớt chân hương và vệ sinh bàn thờ đúng chính là người được giao nhiệm vụ rút bớt chân hương.
Để thể hiện sự tôn kính đến bề trên và chỉn chu trong việc dọn dẹp bàn thờ. Gia chủ nên chọn người tín tâm, chăm thắp hương thờ cúng. Dù là nam hay nữ đều có thể thực hiện nghi thức này.
Người được chọn nên tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc lịch sự, nghiêm túc trước khi thực hiện rút chân hương. Đặc biệt, người đang đến kỳ kinh nguyệt tuyệt đối không được phép rút chân nhang. Hành động này được coi là không tôn trọng với bề trên.
Các bước thực hiện rút bớt chân bát hương
Trước khi rút chân hương
Trước khi rút chân hương, gia chủ cần: Quét dọn nhà cửa sạch sẽ, mở hết cửa để không khí thông thoáng, nhà cửa sáng sủa. Bật đèn điện trong phòng thờ nếu không đủ ánh sáng để thực hiện nghi lễ dễ dàng.
Lau bàn thờ trước khi tiến hành rút chân hương.
Lau bàn thờ trước khi tiến hành rút chân hương. Vì vậy, gia chủ hãy chuẩn bị đồ, dụng cụ để lau bàn thờ (khăn sạch, rượu gừng, nước hoa hồng, vàng tiếp lộc). Trước khi lau bàn thờ để rút chân hương, gia chủ cần thắp hương và đọc văn khấn lau dọn bàn thờ.
Lưu ý khi thực hiện lau bàn thờ
Gia đình cần lau bát hương trước tiên. Chú ý khi lau phải giữ bát hương để tránh bát hương bị dịch chuyển, xô lệch. Điều này được xem là sẽ ảnh hưởng đến bề trên.
Lau bát hương xong, bạn có thể tiến hành lau các đồ vật khác bằng rượu gừng. Cuối cùng, bạn hãy dùng khăn khô để lau lại những nơi ướt.
Gia chủ hãy thắp 3 hoặc 5 nén hương trước khi rút chân hương. Hành động này nhằm xin phép thần linh, ông bà, tổ tiên được tân trang lại bàn thờ. Đồng thời, mong bề trên tạm lánh để nghi lễ này được thực hiện trong thanh tịnh.
Sau đó, gia chủ chuẩn bị một bàn cao, trải vải đỏ hoặc vàng lên mặt bàn, kính cẩn dùng 2 tay hạ bát hương xuống từ từ rồi đặt lên bàn. Tiếp đó, gia chủ rút từng chân nhang một, chỉ giữ lại 3,5 hoặc 9 chân nhang.
Để lại số lẻ chân nhang.
Nếu bát hương có nhiều tro, bạn có thể dùng thìa múc bớt tro ra ngoài và dùng khăn sạch thấm rượu gừng, nước hoa hồng lau sạch lại bát hương. Sau cùng, bạn lại dùng 2 tay nhẹ nhàng đặt bát hương vào đúng vị trí cũ.
Sau khi thực hiện xong nghi thức rút chân hương, bạn cần chắp tay và khấn bài khấn để mời gọi thần linh, ông bà tổ tiên quá cố về giáng ngự trên bát hương.
Phần chân nhang sau khi rút ra cần bọc lại để đem hóa. Phần tro thì đem ra hồ nước sạch trải.
Lưu ý gì khi rút chân hương
Nếu gia đình sử dụng bát hương có chất liệu bằng sứ cần cẩn thận khi xê dịch để tránh va chạm, rơi vỡ. Nếu bát hương của gia đình làm bằng đồng thì không nên rửa nước để tránh bị mốc bát hương.
Chân nhang đã tỉa thì mang đi hóa.
Cần lau bát hương cẩn thận, tránh xê dịch bát hương. Trường hợp vô tình bạn xoay hoặc đặt sai vị trí bát hương, cần thành tâm sám hối và dịch chuyển bát hương về lại vị trí đúng. Trước khi thực hiện đặt bát hương trở lại cần đảm bảo bàn thờ đã được dọn dẹp sạch sẽ.
* Thông tin trong bài mang tính tham khảo.
Đinh Huế (t/h)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/huong-dan-cach-rut-bot-chan-huong-va-ve-sinh-ban-tho-chuan-172241213151227007.htm