Hướng dẫn địa phương phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn

Hướng dẫn địa phương phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn
2 phút trướcBài gốc
Hội nghị được tổ chức với sự hỗ trợ của dự án Thích ứng với Biến đổi Khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dự án do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ.
Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đã tập trung giới thiệu đến các đại biểu về một số nội dung quan trọng của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Thông tư 16 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Thông tư 17 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành định mức, phương pháp lập và quản lý chi phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn…
Những điểm nổi bật
Theo Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn về loại và cấp độ; giản lược tối đa các trường hợp lập quy hoạch, không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị loại vừa và nhỏ góp phần giảm thời gian và chi phí.
Nhằm đơn giản hóa các trình tự, thủ tục, trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, Luật không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ đô thị mới, thị trấn và xã), chỉ lấy ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ thời gian tối thiểu tối đa về việc lấy ý kiến đồ án quy hoạch đối với cộng đồng dân cư; không yêu cầu phải thông qua HĐND các cấp đối với quy hoạch chung thành phố, thị xã, khu kinh tế, khu du lịch quốc gia trước khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể, phân cấp UBND cấp tỉnh được tổ chức lập quy hoạch chung TP trực thuộc Trung ương, khu kinh tế, khu du lịch quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên; quy hoạch chung xã; quy hoạch không gian ngầm, chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Đối với cấp xã được lập và phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc phạm vi địa bàn quản lý. Trừ các trường hợp do cơ quan/tổ chức quản lý khu chức năng, nhà đầu tư tổ chức lập.
Mặc khác, Luật bổ sung và quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch nhưng không làm thay đổi tính chất, chức năng, phạm vi ranh giới, các giải pháp quy hoạch chính và không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tuân thủ quy chuẩn.
Quy định mới cũng quy định rất chi tiết về hồ sơ điện tử quy hoạch đô thị và nông thôn. Đây là một trong những điểm nổi bật và thay đổi lớn trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quy hoạch.
Bởi trong các thông tư cũ chỉ nhắc đến cơ sở dữ liệu hiện trạng một cách chung chung mà không có quy định chi tiết, cấu trúc hóa và tiêu chuẩn hóa dữ liệu GIS (hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị) một cách toàn diện như hiện tại.
Các văn bản hướng dẫn, quy định của Bộ Xây dựng tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để chính quyền địa phương hai cấp thực hiện đúng trách nhiệm, tổ chức lập và quản lý quy hoạch. (Trong ảnh: TP Cần Thơ nhìn từ trên cao). Ảnh: Quốc Dũng.
Phân định rõ trách nhiệm hai cấp
Trong khuôn khổ của chương trình, các cơ quan, địa phương cùng trao đổi, chia sẻ, làm rõ các điểm mới trong các văn bản pháp luật. Trong đó tập trung vào nội dung phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong việc lập và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; việc tiếp tục thực hiện các quy hoạch phân khu đã có quy hoạch chung được phê duyệt trước hiệu lực của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Theo bà Tăng Thị Đẹp, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp đã dẫn đến thay đổi rất nhiều về quy hoạch nông thôn và đô thị. Bởi thực tế cho thấy, việc lập quy hoạch ở cấp xã có nhiều khó khăn, vướng mắc.
"Quy hoạch là tiền đề, là cơ sở pháp lý để thực hiện phát triển kinh tế xã hội để chúng ta thực hiện phát triển kinh tế xã hội, thực hiện các dự án đầu tư. Nhưng hiện nay, sáp nhập quy hoạch hiện tại các phường, xã đã có nhưng để thực hiện rất khó.
Trong quy định mới ràng buộc đó là không được lập quy hoạch chung xã. Như vậy thì chúng tôi phải lập như thế nào?", bà Đẹp đặt vấn đề.
Còn đại diện Sở Xây dựng tỉnh An Giang nêu ý kiến, địa phương có cần phải lập lại các quy hoạch trước đó và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt hay không?
"Địa phương có quy hoạch TP Phú Quốc tương đối đặc thù. Trước đây thẩm quyền điều chỉnh là của UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên quy định mới thì chính quyền cấp xã, phường đặc khu. Nhưng ở đây Ban quản lý kinh tế Phú Quốc cũng tham gia tổ chức lập quy hoạch vậy thì theo luật mới thì cấp chính quyền hay là Ban quản lý khu kinh tế phê duyệt quy hoạch này", đại diện Sở Xây dựng An Giang nói.
Liên quan đến các vấn đề của đại biểu, ông Vũ Anh Tú, Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc cho biết: "Luật mới quy định rất rõ, các quy hoạch đã được phê duyệt thì vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện. Trong trường hợp cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, UBND cấp tỉnh có thể thực hiện việc này".
"Riêng quy hoạch đặc khu Phú Quốc được thực hiện bởi UBND và Ban Quản lý kinh tế. Theo chúng tôi, quyền hạn này là do thẩm quyền UBND tỉnh phân công, luật cũng cho phép", Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc nhấn mạnh.
Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội nghị.
Tạo hành lang pháp lý rõ ràng
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, cụ thể hóa các quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định và giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức nghề nghiệp và các chuyên gia trên cả nước để xây dựng, lấy ý kiến và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn.
Các quy định nói trên được Bộ Xây dựng nghiên cứu kỹ lưỡng bảo đảm các quy định mang tính khả thi cao, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan như đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản…
Từ đó, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để chính quyền địa phương các cấp thực hiện đúng trách nhiệm được giao, phát huy tính chủ động trong điều hành, tổ chức lập và quản lý quy hoạch.
Theo bà Hằng, trong các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết về pháp luật quy hoạch đô thị và nông thôn lần này, điểm nhấn quan trọng là việc phân định rõ thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương theo hai cấp và việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn.
Việc phân định thẩm quyền giữa hai cấp chính quyền địa phương được thiết kế cụ thể, đồng bộ với các quy định phân quyền, phân cấp trong toàn bộ hệ thống pháp luật có liên quan, đồng thời xác định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.
Việc này không chỉ góp phần giảm tải cho các cơ quan Trung ương, mà còn tạo điều kiện cho địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong công tác quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn.
"Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm phát huy vai trò tự quản, tự chủ của địa phương, phù hợp với tinh thần đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quy hoạch từ cấp địa phương, thống nhất với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn vươn mình của đất nước".
Lê An
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/huong-dan-dia-phuong-phan-cap-phan-quyen-trong-linh-vuc-quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-192250718153115695.htm