Hướng dẫn học sinh lái xe an toàn: Cần thường xuyên và liên tục

Hướng dẫn học sinh lái xe an toàn: Cần thường xuyên và liên tục
13 giờ trướcBài gốc
Học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) được hướng dẫn các kỹ năng lái xe an toàn. Ảnh: Phương Thảo
Ưu tiên hàng đầu
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn giao thông khi tới trường, thầy Lê Thanh Giang - Hiệu trưởng Trường THPT Giao Thủy (Nam Định) cho rằng, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn tham gia giao thông an toàn cho học sinh là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhà trường mỗi năm học. Mục tiêu nhằm giúp các em tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để bảo vệ an toàn chính mình và xã hội.
Nhà trường phối hợp với cán bộ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an huyện Giao Thủy để tuyên truyền tới học sinh về tình hình an toàn giao thông trên địa bàn cũng như một số quy định cơ bản về quyền, nghĩa vụ của học sinh khi tham gia giao thông. Đặc biệt, trường trực tiếp kiểm tra từng ô gửi xe để phát hiện em nào đi xe không đúng chủng loại đến trường hay không mang theo mũ bảo hiểm.
“Ngoài nhắc nhở tuyên truyền, chúng tôi yêu cầu học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông. Quá trình kiểm tra ở bãi gửi xe mỗi ngày phát hiện có xe gắn máy trên 50cm3 sẽ lập tức báo cho giáo viên chủ nhiệm lớp, sau đó mời phụ huynh đến trường làm việc. Pháp luật hiện hành quy định người đủ 16 tuổi trở lên được phép lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3”, thầy Giang nói.
Cùng đó, hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý nghiêm nếu có học sinh mắc lỗi như không đội mũ bảo hiểm, vi phạm giao thông ngoài đường quốc lộ… kèm theo hình ảnh để các em “tâm phục khẩu phục”. Khi có đầy đủ bằng chứng kèm bản kiểm điểm của học sinh, nhà trường sẽ thông báo cho phụ huynh đến trụ sở Công an huyện để “phạt nguội” vì con em vi phạm luật giao thông.
Tại Hà Nội, cô Trần Thị Bích Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa) khẳng định, nhiều năm nay, nhà trường siết chặt quản lý học sinh đi xe đến trường. Chỉ những em đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe gắn máy dưới 50cm3, còn lại đi xe đạp hoặc xe đạp điện. Ngay từ cổng trường, đội giám sát cùng lực lượng bảo vệ sẽ kiểm soát để xử lý em nào cố tình vi phạm.
Theo cô Hợp, đầu mỗi năm học, nhà trường mời cán bộ CSGT thuộc Công an quận Đống Đa đến trường để tuyên truyền kiến thức pháp luật về giao thông; các hướng dẫn về độ tuổi lái từng loại xe; kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông, cách đội mũ bảo hiểm đúng quy cách và đảm bảo chất lượng.
“Thực hiện văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, tháng 11 vừa qua, chúng tôi tiếp tục phối hợp với cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp Hà Nội nói chuyện với học sinh về trách nhiệm của cha mẹ khi giao xe gắn máy cho con dù chưa đủ tuổi theo quy định. Cả thầy cô, phụ huynh cũng như học sinh đều nhận thức rõ được trách nhiệm của mình về tuân thủ luật giao thông và tự giác chấp hành tốt”, cô Hợp trao đổi.
Tương tự, thầy Nguyễn Kỳ Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) đánh giá, đây là chủ trương đúng đắn nên cha mẹ học sinh đồng tình ủng hộ, học sinh tiếp thu tốt các kiến thức được tuyên truyền. Tuy nhiên trên thực tế, để tìm người có kiến thức chuẩn và kinh nghiệm hướng dẫn thì không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được. Đó là chưa kể, thời gian để tổ chức ngoại khóa cũng cần tính toán phù hợp với lịch học.
Do đó, theo thầy Nam, ngoài phối hợp với cán bộ Công an huyện Hoài Đức, nhà trường cũng mời chuyên gia về giao thông đến từ các trung tâm đào tạo lái xe hoặc một số hãng xe lớn, uy tín hướng dẫn học sinh những kỹ năng lái xe an toàn. Các tổ chức Đoàn Thanh niên, doanh nghiệp bán xe có thể cùng tham gia hỗ trợ chuyên môn và tổ chức. Đây là công việc quan trọng cần làm thường xuyên và trở thành thói quen của học sinh.
Lực lượng CSGT dán decal phản quang vào các phương tiện tham gia giao thông của học sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Hồ Phương
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 688 cơ sở giáo dục với 347.742 học sinh, trong đó cấp THPT có 38.787 em và hệ GDTX có 12.860 học viên. Theo số liệu thống kê, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 240 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, khiến 19 người chết, 227 người bị thương.
Hiện nay, số lượng học sinh các trường THCS, THPT sử dụng xe máy điện, xe gắn máy, xe mô tô tham gia giao thông ngày càng gia tăng. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã phối hợp với Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn học sinh các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Thiếu tá Nguyễn Đắc Thái Anh - Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đơn vị đã phối hợp với các trường học tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông. Trong đó, tập trung vào quy định pháp luật khi tham gia giao thông, kỹ năng lái xe an toàn và cảnh báo các hành vi vi phạm phổ biến.
Thông qua tuyên truyền đã giúp các em hình dung rõ hơn về hậu quả tai nạn giao thông qua những câu chuyện, hình ảnh minh họa thực tế. Cùng đó, hỗ trợ đảm bảo trật tự giao thông tại cổng trường, triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
Tại Trường THPT Lương Ngọc Quyến (TP Thái Nguyên), ngay từ đầu năm học, nhà trường yêu cầu giáo viên và học sinh tuân thủ nghiêm các quy định giao thông. Trường phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông - Công an TP Thái Nguyên, Công ty SYM Việt Nam tổ chức các buổi tuyên truyền về kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho thầy, trò.
Cô Trần Thị Quỳnh Trang - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Lương Ngọc Quyến chia sẻ, nhà trường mong muốn mỗi học sinh sẽ nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện; không vượt đèn đỏ…
“Khi có các kỹ năng điều khiển xe mô tô an toàn, mỗi học sinh sẽ trở thành tuyên truyền viên tích cực cho bạn bè, gia đình và mọi người về tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông”, cô Trang nói.
Cũng theo cô Trần Thị Quỳnh Trang, khi triển khai công tác tuyên truyền, nhà trường tổ chức đa dạng các hoạt động thông qua nhiều hình thức, đặc biệt các kỹ năng thực hành. Học sinh sẽ được cán bộ công an trực tiếp hướng dẫn để trang bị đầy đủ các thông tin và có kỹ năng lái xe an toàn.
Lực lượng Công an huyện Giao Thủy (Nam Định) nhắc nhở học sinh về các quy định khi tham gia giao thông. Ảnh: Đình Tuệ.
Phối hợp nhiều bên
Năm học 2024 - 2025, các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với lực lượng CSGT tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông phù hợp với từng nhóm lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Thầy Trần Ngọc Quân - Bí thư Đoàn Trường THPT Hương Khê cho biết, nhà trường thường xuyên yêu cầu học sinh chấp hành nghiêm các quy định an toàn giao thông, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo nội quy. Để tăng cường công tác tuyên truyền, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an huyện Hương Khê và nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông đến gần 1.900 học sinh.
Các cán bộ công an đã nêu rõ nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông; hậu quả, di chứng, hệ lụy do tai nạn giao thông gây ra đối với người bị nạn, gia đình và xã hội. Từ những số liệu cụ thể, các vụ tai nạn thực tế, quy định được công an phổ biến đã giúp học sinh huyện Hương Khê hiểu biết hơn về Luật Giao thông đường bộ, nhận thức tầm quan trọng của an toàn giao thông...
Tại Trường THPT Nguyễn Đổng Chi (huyện Lộc Hà), Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an huyện Lộc Hà và nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông đến hơn 700 học sinh. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Duy Diễn, hàng tháng, nhà trường phối hợp với Công an xã tổ chức kiểm tra đột xuất các nhà xe, hàng quán quanh trường nhằm hạn chế tối đa việc học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe gắn máy.
“Không chỉ chờ Nghị định 151/2024 hướng dẫn Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, việc chấp hành luật giao thông được nhà trường đưa vào đánh giá tiêu chí hạnh kiểm học sinh. Chúng tôi đang giao các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch để tổ chức ngoại khóa hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh”, thầy Diễn cho hay.
Theo thầy Phạm Duy Diễn, việc tổ chức bài bản quy mô các hoạt động hướng dẫn các kỹ năng lái xe mô tô an toàn cho học sinh không dễ. Trước đây, khi tham gia hoạt động ngoại khóa, học sinh sẽ nộp chi phí nhưng theo chương trình mới, các hoạt động này nhà trường tự trích kinh phí. Vì vậy, việc dự trù kinh phí để tổ chức còn gặp khó khăn nhất định.
Đình Tuệ - Phương Thảo - Hồ Phương
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/huong-dan-hoc-sinh-lai-xe-an-toan-can-thuong-xuyen-va-lien-tuc-post713411.html