Hướng dẫn mới nhất về bàn giao, xử lý tài sản công sau sáp nhập, sắp xếp

Hướng dẫn mới nhất về bàn giao, xử lý tài sản công sau sáp nhập, sắp xếp
5 giờ trướcBài gốc
Tài sản nằm trên đơn vị hành chính mới, tiếp nhận ra sao?
Theo đó, đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã (mới) được hình thành sau khi thực hiện việc sắp xếp có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng các loại tài sản kết cấu hạ tầng do đơn vị hành chính cấp xã (cũ) đang quản lý, sử dụng.
Trường hợp ĐVHC cấp xã (cũ) được tách thành nhiều phần để hình thành nên các ĐVHC cấp xã (mới) thì ĐVHC cấp xã (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng đối với các tài sản kết cấu hạ tầng của đơn vị hành chính cấp xã (cũ) nằm trên địa bàn theo đơn vị hành chính cấp xã (mới).
Phương án bàn giao, xử lý tài sản công khi sắp xếp lại đơn vị hành chính (Ảnh minh họa: KT)
Trường hợp tài sản nằm trên nhiều địa bàn ĐVHC cấp xã mới thì chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc giao trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng cho cơ quan cấp tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp xã (mới).
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng hiện đang do cấp huyện quản lý, cụ thể là tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, chợ: ĐVHC cấp xã (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng đối với các tài sản nằm trên địa giới hành chính của ĐVHC cấp xã (mới).
Trường hợp tài sản nằm trên nhiều địa bàn ĐVHC cấp xã mới thì chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc giao trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng cho cơ quan cấp tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp xã (mới).
Đối với các loại tài sản kết cấu hạ tầng khác, trên cơ sở danh mục tài sản do UBND cấp huyện, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình đang quản lý/tạm quản lý, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực thuộc UBND cấp tỉnh để tổng hợp, báo cáo chủ tịch UBND cấp tỉnh để quyết định việc giao trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng cho cơ quan cấp tỉnh hoặc ĐVHC cấp xã (mới).
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng hiện đang do cấp tỉnh quản lý: ĐVHC cấp tỉnh (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng các loại tài sản do ĐVHC cấp tỉnh (cũ) đang quản lý, sử dụng.
Phương án bàn giao, quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
Tại quy định này, Bộ Tài chính cũng nêu rõ, đối với các tài sản do đơn vị chủ trì quản lý tài sản là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp xã đang quản lý, đến thời điểm sắp xếp ĐVHC cấp xã chưa hoàn thành việc xử lý: ĐVHC cấp xã (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, thực hiện việc quản lý, xử lý các tài sản do ĐVHC cấp xã (cũ) đang quản lý.
Trường hợp ĐVHC cấp xã (cũ) được tách thành nhiều phần để hình thành nên các ĐVHC cấp xã (mới), UBND cấp tỉnh xác định cụ thể ĐVHC cấp xã (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, xử lý tài sản.
Đối với các tài sản do đơn vị chủ trì quản lý tài sản là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện đang quản lý mà đến thời điểm bỏ ĐVHC cấp huyện chưa hoàn thành việc xử lý: Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh hoặc ĐVHC cấp xã (mới) tiếp nhận, thực hiện việc quản lý, xử lý tài sản theo quy định.
Đối với các tài sản do đơn vị chủ trì quản lý tài sản là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh đang quản lý, đến thời điểm sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh chưa hoàn thành việc xử lý: ĐVHC cấp tỉnh (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, xử lý đối với các tài sản do ĐVHC cấp tỉnh (cũ) đang quản lý.
Đối với các tài sản do cơ quan trung ương đang quản lý mà cơ quan đó không còn do thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy để phù hợp với việc sắp xếp ĐVHC: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định giao cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.
Sẽ truy rõ trách nhiệm khi để lãng phí trụ sở, tài sản công sau tinh gọn bộ máy
Bàn giao, quản lý, xử lý các dự án sử dụng vốn nhà nước thế nào?
Công văn của Bộ Tài chính quy định rõ, đối với tài sản phục vụ hoạt động của dự án được thực hiện theo hướng dẫn tại các công văn trước đây của Bộ Tài chính.
Đối với tài sản là kết quả của dự án đã hoàn thành: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo ban quản lý dự án, chủ đầu tư dự án (trong trường hợp không có ban quản lý dự án hoặc ban quản lý dự án đã giải thể) thực hiện rà soát để: Hoàn thành việc bàn giao tài sản cho đối tượng thụ hưởng theo quy định của pháp luật (đối với các dự án đã xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng).
Trong đó, lưu ý bàn giao đầy đủ thông tin về giá trị của tài sản để phục vụ việc quản lý, hạch toán của đối tượng thụ hưởng sau khi bàn giao.
Báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xử lý tài sản theo quy định của pháp luật (đối với các dự án chưa xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng); trường hợp đến thời điểm sắp xếp ĐVHC mà chưa hoàn thành việc xử lý thì thực hiện theo nguyên tắc đã được đưa ra tại Công văn này.
Đối với các dự án dở dang, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 4738/BTC-TH ngày 14/4/2025 về chuyển tiếp quản lý đầu tư công khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ
Để việc bàn giao, quản lý, xử lý tài sản được thuận lợi, Bộ Tài chính đã đưa ra nguyên tắc chung đó là: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp ĐVHC thực hiện kiểm kê, lập danh sách tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước do cơ quan, tổ chức, đơn vị mình đang quản lý/tạm quản lý.
Bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ khi sắp xếp đơn vị hành chính (Ảnh minh họa: KT)
Trên cơ sở đó, căn cứ Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện bàn giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý tài sản theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Công văn này.
Việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện lập thành biên bản gồm các nội dung chính: Thành phần tham gia bàn giao, tiếp nhận; Danh mục tài sản bàn giao, tiếp nhận; Các hồ sơ liên quan đến tài sản; Trách nhiệm của các bên liên quan.
Đặc biệt, Bộ Tài chính lưu ý cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao trách nhiệm tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận tài sản, thực hiện việc quản lý, xử lý tài sản theo quy định của pháp luật; bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, không làm thất thoát, lãng phí tài sản.
Cẩm Tú/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/huong-dan-moi-nhat-ve-ban-giao-xu-ly-tai-san-cong-sau-sap-nhap-sap-xep-post1199833.vov