PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế. Ảnh: PHAN THẮNG
PGS.TS. Trần Kiêm Hảo cho biết: Hệ thống thông tin y tế là một trong 6 trụ cột cơ bản của hệ thống y tế, gồm: Cung ứng dịch vụ; Nhân lực y tế; Hệ thống thông tin y tế; Thuốc,
vắc-xin, công nghệ; Tài chính y tế; Lãnh đạo và quản trị. Với chức năng thu thập, tổng hợp, trao đổi, công bố và sử dụng thông tin, hệ thống thông tin y tế có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công tác quản lý, xây dựng và thực hiện các chính sách y tế. Bên cạnh đó, cung cấp cảnh báo sớm, dự báo xu hướng đối với các vấn đề liên quan đến sức khỏe và hệ thống y tế nói chung.
Sở Y tế đang xây dựng, triển khai, phát triển các ứng dụng YTTM chuyển đổi số trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo: Kế thừa, phát triển các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin của xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số theo chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Đề án 06 phù hợp với bối cảnh hiện nay; trên cơ sở ‘‘Hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung”.
Trao đổi việc cập nhật số liệu trên phần mềm chung của Trung tâm Điều hành y tế thông minh. Ảnh: LINH GIANG
Mục tiêu xây dựng hệ thống Trung tâm Điều hành YTTM (IOC) gồm: Kết nối và trình diễn các hệ thống báo cáo về giám sát, dự báo dịch bệnh để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành trên cơ sở kết nối dữ liệu hiện có về công tác khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, tiêm chủng, hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống báo cáo thống kê của ngành, dịch vụ công trực tuyến và ý kiến chỉ đạo. Đồng thời, xây dựng các hệ thống cầu truyền hình phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth), đào tạo và giải pháp hội nghị trực tuyến kết nối với Bộ Y tế, UBND các cấp, các đơn vị khám, chữa bệnh bộ, ngành, các đơn vị trong toàn ngành.
Trung tâm Điều hành YTTM được triển khai tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Vậy, ông có thể cho biết IOC của ngành y tế của từng địa phương có những tính năng gì khác biệt hoặc đặc thù?
Thực trạng hiện nay là ngành có dữ liệu nhưng phân tán, thiếu thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoạch định chính sách, phân tích tình hình dịch bệnh để chủ động, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đồng thời, thiếu các công cụ công nghệ thông tin mang tính tổng thể, toàn diện, trực quan, trực tuyến để hỗ trợ lãnh đạo trong việc điều hành, quản lý công tác phòng, chống dịch dẫn đến tình trạng khi cần thông tin phải truy cập, lấy dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau… Từ những tồn tại trên, các địa phương đều có những giải pháp nhằm từng bước cải thiện trong thời gian tới, trong đó, tập trung vào nâng cao chất lượng và tiến độ thu thập dữ liệu; tổ chức hiệu quả việc kết nối, liên thông, quản lý và khai thác dữ liệu; nâng cao năng lực phân tích, xử lý dữ liệu; tăng cường đầu tư nguồn lực; xây dựng khung giám sát và đánh giá hệ thống y tế.
Sở Y tế Thừa Thiên Huế cũng đi theo định hướng đó. Tuy nhiên, căn cứ từ vị trí địa lý, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Trung tâm Điều hành YTTM của ngành vẫn có một số chức năng định riêng để phù hợp định hướng: Chủ động triển khai những dữ liệu hiện có và đơn vị đang chủ động; tích hợp vào dịch vụ Đô thị thông minh của tỉnh Hue-S; quản lý chủ thể là cá nhân và đơn vị trên một nền tảng.
Trung tâm Điều hành YTTM ra đời mang lại lợi ích như thế nào trong công tác điều hành, khám, chữa bệnh, thưa ông?
Việc xây dựng Trung tâm Điều hành YTTM là phù hợp với định hướng chiến lược của ngành y tế, với yêu cầu thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành của Sở Y tế. Đồng thời, phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh trong quản lý, điều hành và phát triển thông tin y tế, góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời và chính xác, hỗ trợ việc ra quyết định và hành động đúng, hiệu quả. Một hệ thống thông tin y tế tốt không những phục vụ cho việc hoạch định chính sách, quản lý điều hành, nghiên cứu khoa học, chủ động triển khai các hoạt động theo phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch bệnh và các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp mà còn giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Việc đầu tư, triển khai Trung tâm Điều hành YTTM mang tính bền vững, lâu dài; phục vụ quản lý, điều hành và tạo điều kiện cho việc thực hiện chủ trương thống nhất một đầu mối quản lý dữ liệu y tế; hướng đến nền y tế địa phương hiện đại, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, hướng đến sự hài lòng của người dân.
Vận hành IOC, ngành y tế cần có sự phối hợp đồng bộ về hạ tầng và nhân lực ở các tuyến. Sở Y tế đã có sự chuẩn bị như thế nào để quá trình vận hành thông suốt?
Chúng tôi rất quan tâm công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nói chung cũng như nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) nói riêng. Hàng năm, Sở luôn cử cán bộ phụ trách CNTT của các đơn vị tham dự lớp tập huấn, đào tạo nâng cao chuyên môn. Trong đợt tuyển dụng năm 2024, chúng tôi đã đưa vào kế hoạch tuyển dụng bổ sung thêm nguồn nhân lực CNTT cho 4 đơn vị. Trên cơ sở nguồn nhân lực đảm bảo, việc vận hành sẽ thuận lợi cho các đơn vị.
Việc quản lý, tối ưu sử dụng tài nguyên dữ liệu qua hệ thống Trung tâm Điều hành YTTM sẽ được khai thác như thế nào?
Việc hình thành kho dữ liệu của ngành y tế đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu với Bộ Y tế, UBND tỉnh thông qua Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh và việc áp dụng “big data” trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hiện tại Sở Y tế đang đối diện với những thách thức như: Sự phức tạp của dữ liệu; đảm bảo sự riêng tư và bảo mật; khả năng tính toán và lưu trữ; độ tin cậy của dữ liệu; sự phù hợp với các quy định; nhân lực thực hiện; các giải pháp, phương án kỹ thuật phát triển hạ tầng số y tế; tính khả dụng của công nghệ.
Do đó, Sở Y tế xác định điều quan trọng ở đây không chỉ là khối lượng dữ liệu lớn như thế nào, mà còn là nó được quản lý, khai thác thông minh ra sao. Với sự trợ giúp của công nghệ phù hợp, dữ liệu ngành sức khỏe có thể được trích xuất từ một số nguồn sau một cách nhanh chóng, giúp khai thác, sử dụng thông tin này hiệu quả, hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, điều trị y tế.
Chúng tôi sẽ thực hiện một số giải pháp: Nâng cao nhận thức; đề xuất hoàn thiện môi trường pháp lý trong thực hiện chuyển đối số y tế; phát triển hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số y tế; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong ngành y tế; phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số y tế.
Thời gian tới, Sở đặt ra mục tiêu gì nhằm phát triển Trung tâm Điều hành YTTM, cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số của đơn vị?
Hiện, ngành y tế ưu tiên chuyển đổi số trong 3 lĩnh vực: Khám, chữa bệnh thông minh; chăm sóc sức khỏe thông minh; quản trị thông minh) và hướng đến 2 nhóm hoạt động theo thứ tự ưu tiên: Nhóm hoạt động chuyển đổi số (để giảm phiền hà và than phiền của người dân) và nhóm hoạt động xây dựng YTTM (để tạo thêm tiện ích và tăng sự hài lòng của người dân).
Việc phát triển Trung tâm Điều hành YTTM góp phần thực hiện mục tiêu trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về y tế của địa phương và góp phần làm nền tảng cho ngành y tế chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và đào tạo, góp phần xây dựng hệ thống y tế địa phương hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.
Xin cảm ơn ông!
LINH GIANG (Thực hiện)