Hướng đi cho cam sành

Hướng đi cho cam sành
8 giờ trướcBài gốc
Nhà vườn Nguyễn Văn Lập bên vườn cam sành của gia đình hơn 2,2ha, với giá cam 4.000 đồng/kg, mỗi vụ cam lỗ hơn 250 triệu đồng/ha.
Cung vượt cầu…
Những năm 2002 - 2004, huyện Cầu Kè là địa phương đầu tiên phát triển cây cam sành (khoảng 500 - 600ha); đến nay, cây cam sành đã được mở rộng trồng sang các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành và các huyện của tỉnh Vĩnh Long, tiếp giáp Trà Vinh như Trà Ôn, Vũng Liêm… đều có nhà vườn Trà Vinh sang thuê đất trồng cam sành.
Nhà vườn Nguyễn Văn Giàu, ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi cho biết: trước đây, sản lượng cam sành chỉ đạt khoảng 50 - 60 tấn/ha và mật độ trồng dao động 300 - 400 cây/1.000m2; hiện nay, năng suất tăng lên 100 - 120 tấn/ha và mật độ trồng cam sành tăng lên 650 - 700 cây/1.000m2.
Ngoài ra, các hộ trồng cam trước đây, diện tích khoảng 0,3 - 0,5ha/hộ những năm gần đây, người trồng cam sành đã tăng mạnh quy mô về diện tích, thường dao động 1,5 - 02ha/hộ… từ đó, đã góp phần tăng nhanh sản lượng cam sành.
Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh), đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có diện tích cam sành gần 4.500ha; trồng tập trung nhiều ở huyện Cầu Kè, với trên 3.500ha, tập trung ở các xã Thông Hòa, Thạnh Phú, Hòa Ân, Phong Phú, Phong Thạnh…
Chỉ tính riêng trên địa bàn 02 xã là Thạnh Phú, từ 750ha sản xuất lúa, hiện nay, đã chuyển sang phần lớn cây cam sành và diện tích lúa giảm còn khoảng 50ha. Xã Thông Hòa, có khoảng 1.700ha sản xuất lúa, đến tháng 10/2024 diện tích lúa giảm còn khoảng 400ha và diện tích cam sành đạt gần 1.000ha… Bên cạnh diện tích cam sành tăng nhanh, thì năng suất cũng tăng gấp 1,5 - 02 lần đã góp phần làm tăng sản lượng cam sành quá lớn.
Ông Trần Hữu Phương, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết: gần 02 năm nay, giá cam sành không vượt qua 8.000 đồng/kg, nhiều thời điểm, giá cam sành chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã thu mua và cung ứng ra thị trường trên 200 tấn (năm 2022) và từ đầu năm 2023 đến nay, sản lượng cam sành của hợp tác xã xuất bán giảm hơn 30%, dao động 120 - 150 tấn/tháng.
Cam sành chưa hướng đến các sản phẩm chế biến sâu
Cũng theo ông Trần Hữu Phương, hiện nay, trái cam sành chưa được chế biến sâu; do phần lớn cam sành chỉ dùng để làm nước uống và ăn trái trực tiếp cùng với thời tiết lạnh… nên nguồn xuất cũng hạn chế. Bên cạnh đó, trái cam sành bảo quản không được lâu, chỉ từ 05 - 07 ngày sau khi thu hoạch nên hạn chế trong việc vận chuyển và đưa đến người tiêu dùng.
Nhà vườn Nguyễn Văn Lập, ấp Ô Chích, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình đã trồng cam được gần 10 năm và hiện có 2,2ha cam sành. Những năm trước đây, các nhà vườn rất mê cây cam sành vì hiệu quả mang lại rất cao, sau gần 02 năm, trừ các chi phí, người trồng cam thu vào 500 - 700 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả của cây cam sành mang lại, nên có nhiều nhà vườn chuyển sang trồng cam, thậm chí vay vốn ngân hàng và vốn nóng bên ngoài để đầu tư vào cây cam sành.
Do trái cam sành chưa được chế biến sâu và giá trị gia tăng từ trái cam sành chưa có; phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ trái cam tươi… dẫn đến “cung vượt cầu” đã tác động đến giá cam sành.
Cũng theo nhà vườn Nguyễn Văn Giàu, trước đây gia đình canh tác hơn 17ha cam sành ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh), Trà Ôn (Vĩnh Long); đến cuối năm 2022, diện tích giảm còn 12ha. Với giá cam giảm mạnh hiện nay, nhà vườn sẽ khó trụ vững; cần có chính sách đầu tư trong chế biến từ cam trái sang nước uống đóng chai; bột cam… có như vậy mới tăng khả năng tiêu thụ nhiều cho cam trái qua chế biến.
Nhiều nhà vườn ở Cầu Kè vẫn “níu giữ” và phát triển diện tích mới dù giá cam sành giảm.
Nhà vườn cần mạnh dạn cắt vụ, xen canh
Nhà vườn Hồ Văn Tư, ấp Ô Chích, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có 0,8ha cam sành; với giá cam mới cắt bán (đầu tháng 11/2024) là 4.000 đồng/kg, nhà vườn lỗ khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Liên tiếp 02 năm nay, gia đình đều thua lỗ từ cây cam sành, nhờ nguồn thu từ các cây trồng khác như dừa sáp và lúa mới duy trì được cây cam. Đối với các hộ chỉ có nguồn thu bám vào cây cam sành, nếu giá giảm tiếp tục kéo dài hết năm 2024, nhà vườn khó trụ lại và buộc phải bỏ vườn…
Theo phân tích của các hộ trồng cam sành, tiền thuê đất trồng cam trước năm 2022 khoảng 70 triệu đồng/ha/năm (hiện nay giảm còn 40 - 50 triệu đồng/ha/năm); giá cây giống từ 17.000 - 20.000 đồng/cây (nay giảm còn 8.000 - 10.000 đồng/cây)… chi phí đầu tư 01ha cam, khoảng 450 - 500 triệu đồng/ha/02 năm đầu. Với vườn cam sành dưới 03 năm tuổi, giá cam trái phải từ 10.000 đồng/kg (sản lượng 100 tấn cam trái/ha) và duy trì giá ổn định 02 vụ, nhà vườn mới khấu trừ các chi phí ban đầu và bắt đầu có thu nhập từ năm thứ 03.
Cũng theo nhà vườn Nguyễn Văn Lập, người trồng cam sành phải mạnh dạn cắt vụ, “treo vườn” và xây dựng mô hình trồng xen canh để giảm tải sản lượng cam sành… Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cam “cung vượt cầu” và các ngành ngân hàng cũng cần đồng hành với nhà vườn, đặc biệt là hộ trồng cam sành hiện đã chịu nhiều thua lỗ, cần tác động các nguồn vốn vay để dịch chuyển cây trồng mới, có hiệu quả. Đồng thời cần định hướng kêu gọi các doanh nghiệp, công ty xây dựng giải pháp trong chế biến sâu từ trái cam sành…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Nguồn Trà Vinh : https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/huong-di-cho-cam-sanh-41433.html