Học Nhật Bản, Indonesia, Uzbekistan hay...?
10 năm qua, bóng đá Việt Nam 4 lần dự World Cup (U.20 Việt Nam dự năm 2017, đội tuyển nữ Việt Nam dự năm 2023, tuyển futsal Việt Nam dự năm 2016 và 2021). Nhưng bóng đá trẻ chỉ chứng kiến duy nhất U.20 Việt Nam lứa Quang Hải, Văn Hậu góp mặt ở sân chơi toàn cầu. Khoảnh khắc U.17 Việt Nam lỡ hẹn với U.17 World Cup chỉ bởi bàn thua ở thời điểm cuối trận gợi lên nhiều suy nghĩ. Cùng thời điểm U.17 Việt Nam "bước hụt ở cánh cửa thiên đường", Nhật Bản trở lại với ngôi đầu bảng để giành vé dự World Cup. Uzbekistan và Indonesia cũng đại diện châu lục, tiến tới giải trẻ hành tinh. Thậm chí, với Uzbekistan, đội tuyển này còn lên ngôi vô địch với 6 chiến thắng tuyệt đối.
Thành công của những đội tuyển này là tấm gương cho bóng đá trẻ Việt Nam. Indonesia có thể gây tranh cãi về làn sóng nhập tịch từ châu Âu của U.23 và đội tuyển quốc gia. Song bóng đá đất nước vạn đảo cũng sở hữu hệ thống 3 giải đấu bảo đảm cho các cầu thủ từ 15 đến 19 tuổi được thi đấu liên tục 30-40 trận/năm. Đây chính là nút thắt mà thời gian qua bóng đá Việt Nam vẫn đau đáu. Bài toán kinh phí để xây dựng một giải trẻ cho cầu thủ tuổi teen được phát huy tố chất liền mạch vẫn chưa có lời giải thấu đáo.
Đội tuyển U.17 Việt Nam bất bại tại vòng chung kết Giải bóng đá U.17 châu Á 2025, nhưng lỡ hẹn với vé dự World Cup. Ảnh: VFF
Về phần mình, Uzbekistan đang từng bước vươn mình như một thế lực mới của bóng đá châu Á. Chức vô địch châu lục của đội U.17 quốc gia này là minh chứng tiêu biểu. Theo Sports Gazette, Liên đoàn Bóng đá Uzbekistan thành lập nguyên một câu lạc bộ có tên là Olympic Tashkent cách đây 3 năm. Đội bóng này tập hợp những tài năng dưới 23 tuổi để thi đấu ở giải vô địch quốc gia. 3 năm sau, Uzbekistan hiện thực hóa mục tiêu dự Olympic.
Ngoài chiến lược nhân sự ngắn hạn, Uzbekistan đầu tư dài hạn với việc tập trung xây dựng các sân bóng hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, yêu cầu các câu lạc bộ phải có học viện đào tạo trẻ. Họ cũng chi ra hàng chục triệu USD để giải quyết vấn đề đào tạo trẻ. Thành quả là họ thu hút về những tài năng bóng đá xuất sắc khắp đất nước chỉ khoảng 38 triệu dân. Từ hạng 96 thế giới cách đây 7 năm, Uzbekistan đã có mặt ở tốp 60 thế giới và tiến dần tới giấc mơ World Cup đầu tiên trong lịch sử tại cấp độ đội tuyển quốc gia.
Tối ưu nội lực
Cách thức tiến bộ của Indonesia và Uzbekistan có những yếu tố để bóng đá trẻ Việt Nam học hỏi. Nhưng Nhật Bản có lẽ là mô hình chuẩn mực để tiếp thu hơn cả. Nếu như Uzbekistan và Indonesia vẫn đang ở tiến trình hướng tới World Cup cấp độ đội tuyển quốc gia thì người Nhật Bản đã và đang tham vọng tiến vào tốp 10 thế giới. Hiện tại, hơn 100 cầu thủ Nhật Bản đã chơi bóng tại châu Âu. Con số ấy gấp... 100 lần so với chính Nhật Bản ở thời điểm cách đây 25 năm.
Thành công đó xuất phát từ 3 con đường cốt lõi trong nền móng bóng đá Nhật Bản. 60 câu lạc bộ trải đều từ J-League 1, 2 và 3 đều phải có học viện riêng, bắt đầu từ lứa U.16. Nhiều câu lạc bộ thậm chí phát triển cầu thủ nhi đồng cấp U.12. Bóng đá học đường được Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Giải bóng đá trung học toàn Nhật đã diễn ra từ năm 1917. Hiện nay, giải đấu này thường thu hút hơn 4.000 đội bóng trên toàn nước Nhật tham gia tranh tài. Trận chung kết diễn ra trên một sân vận động của J-League, dưới sự cổ vũ của hàng vạn khán giả. Từ cấp trung học, bóng đá học đường phát triển ở cấp độ cao hơn tại đại học. Những sinh viên đại học hoàn toàn có thể lọt vào tầm ngắm của câu lạc bộ châu Âu, với một mức đãi ngộ hậu hĩnh. Mitoma là một ví dụ. Trước khi tỏa sáng ở Brighton tại giải Ngoại hạng Anh, Mitoma ngồi giảng đường, theo đuổi luận văn xử lý thông tin của cầu thủ tấn công trong các tình huống một đối một.
Japan Football Lab đưa ra một con số rất đáng chú ý: Trong danh sách dự World Cup 2022 của Nhật Bản có 11 cầu thủ đi lên từ học viện, 7 cầu thủ từ trường trung học và 8 cầu thủ từ trường đại học. Cách J-League 1 và 2 phát triển cũng là điều mà V-League và hạng nhất Quốc gia nên học tập. 20 năm trước, giải vô địch quốc gia Nhật Bản đã thay đổi tư duy vung tiền để chiêu mộ ngôi sao. Số tiền ấy được họ sử dụng để mời những huấn luyện viên giàu năng lực đến chung sức phát triển cho J-League.
Sau cùng, bên cạnh những tấm gương đến từ các nền bóng đá phát triển và đang phát triển, bóng đá Việt Nam cũng có thể tự mình điều chỉnh nội hàm. Theo huấn luyện viên Popov, bệnh thành tích là điểm yếu chí mạng ảnh hưởng đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Điều đó kéo theo tiêu cực trong gian lận tuổi cũng như mất cân bằng trong phát triển diện rộng cầu thủ trẻ nước nhà.
Các cầu thủ từ 17 tuổi đến 20 tuổi của Việt Nam không có sự đồng bộ trong đào tạo kỹ thuật cơ bản và nền tảng tư duy chiến thuật. Nhiều câu lạc bộ cũng thiếu cơ sở tập luyện hoặc tổ chức học viện bài bản. “Mọi thứ phải bắt đầu từ cơ sở vật chất, đó là nền tảng cơ bản đầu tiên, cũng giống như xây một ngôi nhà, bạn phải bắt đầu từ móng nhà, chứ không thể từ mái nhà”, huấn luyện viên Popov trải lòng.
NGUYỄN CÔNG