Hướng giải quyết để Thảo cầm viên Sài Gòn không đóng cửa, dù nợ 800 tỷ đồng thuê đất

Hướng giải quyết để Thảo cầm viên Sài Gòn không đóng cửa, dù nợ 800 tỷ đồng thuê đất
2 giờ trướcBài gốc
Hoạt động không vì lợi nhuận
Liên quan đến việc Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn nợ 800 tỷ đồng tiền thuê đất kinh doanh, chiều 12/12 Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã có văn bản trả lời về vấn đề này.
Theo đó, Thảo cầm viên Sài Gòn được giao tài sản cố định là khu đất tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1 để chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV theo quyết định số 4213/QĐ-UBND ngày 25/9/2010 và quyết định số 4276/QĐ-UBND ngày 30/9/2010 của UBND TPHCM.
Chị Phan Thị Thanh Lan chăm sóc hà mã ngót nghét 10 năm tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Ảnh: Uyên Phương.
Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn đang hoạt động theo mô hình tổ chức kinh tế, sử dụng khu đất công trình công cộng (là khu vui chơi, giải trí công cộng Thảo Cầm Viên Sài Gòn) và có hoạt động kinh doanh (bán vé vào cổng tham quan).
Do vậy, căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật đất đai năm 2013 về Nhà nước cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế sử dụng đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh, ngày 4/12/2014, UBND TPHCM đã ban hành quyết định số 5918/QĐ-UBND cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn thuê đất tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1 để sử dụng vào mục đích công cộng (đất khu vui chơi, giải trí công cộng) với chế độ thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, thời hạn sử dụng đất là 50 năm kể từ ngày UBND TPHCM ký quyết định cho thuê đất.
Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho rằng, đơn vị có hoạt động kinh doanh bán vé vào cổng tham quan nhưng việc sử dụng đất, gồm phần diện tích phục vụ cho hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, khu kinh doanh, dịch vụ (trò chơi thiếu nhi, quầy lưu niệm, cà phê,...); khu hành chính, văn phòng làm việc của công ty có diện tích nhỏ. Còn lại phần lớn diện tích là có mục đích không kinh doanh (như khu cây xanh, mặt nước, thảm cỏ; khu chuồng trại, nuôi thú; khu phụ trợ như kho, thủy xá, nhà chế biến thức ăn...).
Giá vé vào cổng rất thấp (tổng nguồn thu từ tiền vé được chi khoảng 95% cho các chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng động vật; phí duy tu, bảo tồn phát triển cây xanh; phí vận hành các dịch vụ kinh doanh). Phần lớn diện tích là công viên phục vụ cho các hoạt động công cộng như bảo tồn sinh vật, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng...nhưng không thu phí.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Mục đích chính là giữ gìn giá trị lịch sử, nghiên cứu khoa học, phục vụ nhu cầu tham quan, học tập và bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm.
Thảo cầm viên Sài Gòn là điểm đến tham quan, vui chơi quen thuộc của rất nhiều người dân ở TPHCM và các địa phương mỗi dịp lễ, Tết. Ảnh: Uyên Phương.
Do vậy, việc đơn vị phải thuê đất và thực hiện đóng tiền thuê đất cho toàn bộ diện tích khuôn viên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn là vượt khả năng thực hiện và duy trì hoạt động của đơn vị. Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn kiến nghị UBND TPHCM và các sở, ban ngành điều chỉnh, bổ sung các hạng mục sử dụng đất, trên cơ sở xác định cụ thể diện tích đất sử dụng vào mục đích kinh doanh và diện tích không sử dụng cho mục đích kinh doanh.
Vào ngày 11/12, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn và lắng nghe, tiếp thu trên tinh thần chia sẻ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị.
Tại buổi làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã được công ty trao đổi về hiện trạng thực tế quản lý, sử dụng và hoạt động kinh doanh tại Thảo Cầm viên.
Rà soát lại chức năng đất
Để giải quyết vướng mắc cho Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thống nhất cho công ty thực hiện rà soát, kê khai chi tiết, cụ thể từng phần diện tích sử dụng đối với phần diện tích có mục đích kinh doanh và phần diện tích không có mục đích kinh doanh.
Anh Thái Ngọc Tuấn chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi sức khỏe của voi tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Ảnh: Uyên Phương.
Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn có trách nhiệm liên hệ đơn vị có chức năng đo vẽ để lập bản đồ hiện trạng vị trí thể hiện chi tiết ranh giới và diện tích khu đất để làm cơ sở xem xét, xác định. Sau khi thực hiện đầy đủ các nội dung trên, công ty liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM để nộp hồ sơ và đề nghị xem xét, trình UBND TPHCM quyết định hình thức sử dụng đất theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, việc quản lý, sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn có tính chất đặc thù (là khoảng xanh của trung tâm TPHCM, nơi học tập vui chơi giải trí của người dân, nơi có ý nghĩa lịch sử văn hóa, là đơn vị góp phần bảo tồn nguồn gen và duy trì sự đa dạng của các loài trong tự nhiên). Phần lớn diện tích đất đơn vị được giao quản lý là phần diện tích công cộng như công viên cây cối, hồ nước, mảng xanh, đường giao thông.
“Sở đã ghi nhận nội dung khó khăn, vướng mắc và sau khi đơn vị sử dụng đất kê khai, báo cáo việc quản lý, sử dụng đất theo hiện trạng thực tế sử dụng, Sở sẽ báo cáo UBND TPHCM xem xét tháo gỡ, có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan để giải quyết nội dung kiến nghị của đơn vị theo quy định”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nói.
Trước đó, Chi cục Thuế quận 1 đã thông báo tiền nợ thuế của Thảo cầm viên Sài Gòn tính đến ngày 31/10 là hơn 846 tỷ đồng. Trong đó, tiền quá hạn phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế là hơn 787 tỷ đồng.
Đại diện Thảo cầm viên Sài Gòn cho biết với phần diện tích 158.117 m2 thuê từ UBND TPHCM, đơn vị hiện chỉ dùng 5.590m2 để kinh doanh dịch vụ. Phần đất còn lại được làm chuồng trại, cảnh quan công viên và dịch vụ công cộng không vì mục đích lợi nhuận. Do đó, Thảo cầm viên đã đề nghị UBND TPHCM được đóng thuế trên phần đất sử dụng làm kinh doanh dịch vụ.
Duy Quang
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/huong-giai-quyet-de-thao-cam-vien-sai-gon-khong-dong-cua-du-no-800-ty-dong-thue-dat-post1700088.tpo