Các bạn trẻ tham quan nông trại xanh của Hương. Ảnh: LỆ VĂN
Đó là nông trại Đồng Din Ecohill farm rộng gần 5ha nằm trên đồi Đồng Din được Hương gầy dựng từ năm 2018.
BỎ PHỐ VỀ QUÊ LÀM NÔNG NGHIỆP XANH
Sau thời gian làm việc ở TP Hồ Chí Minh, đầu năm 2018, chàng trai sinh năm 1995 Nguyễn Văn Hương nghỉ việc để về quê khởi nghiệp với 1ha đất bỏ hoang của gia đình ở Đồng Din khiến bạn bè và người thân ngạc nhiên. Gần 3 năm cải tạo, cùng với vay mượn bạn bè và người thân, Hương mua thêm 4ha đất của những người dân liền kề mảnh đất của gia đình để hình thành nông trại khóm.
“Tôi mất 5 tháng suy nghĩ và quyết định. Bạn bè, hàng xóm bảo tôi không bình thường, vì lương hơn 10 triệu đồng/tháng với người mới ra trường mà không chịu làm. Riêng gia đình thì ủng hộ, bảo tôi làm thế nào thì làm đừng để hối hận”, Hương nhớ lại việc bỏ phố về quê để khởi nghiệp làm nông nghiệp xanh.
Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm thì muôn vàn khó khăn, bởi Hương chưa có kinh nghiệm về nông nghiệp. Những kiến thức học được qua internet chỉ để tham khảo, khi vào thực tế gặp không ít khó khăn. Ban đầu, anh định trồng thêm mít, xoài xen canh, song thấy không phù hợp thổ nhưỡng nên tập trung vào cây khóm. Bởi loài cây này thích nghi tốt với thổ nhưỡng Đồng Din, sai trái và được thị trường ưa chuộng.
Vụ khóm đầu tiên Hương đầu tư gần 100 triệu đồng vào giống và vật tư, song mất trắng do trồng chưa đúng kỹ thuật, trái ra không đồng đều. Những vụ sau, nhờ rút được kinh nghiệm nên cây khóm phát triển, cho trái ổn định, nhưng thị trường rớt giá từ 6.000 đồng xuống 1.000 đồng/kg.
Sau nhiều đợt trồng và rút kinh nghiệm, Hương mở rộng diện tích, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, đồng thời làm chủ kỹ thuật tạo nguồn giống. Hương mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác khóm hữu cơ với phương châm “bốn không hai có”. Bốn không là không thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản, không kích thích to mắt, không phun chín ép, không phun siêu kali tạo ngọt. Hai có là có sử dụng đất đèn xử lý ra hoa, cách ly 5,5 tháng; có sử dụng các chế phẩm vi sinh, enzyme, đạm cá tự làm để cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Sau hơn 5 năm gầy dựng, hiện trang trại khóm của Hương có 5ha, mỗi năm sản lượng bình quân 60-70 tấn.
Anh Nguyễn Văn Hương trên cánh đồng khóm với niềm vui được mùa. Ảnh: LỆ VĂN
NÂNG TẦM GIÁ TRỊ TRÁI KHÓM
Sau nhiều khó khăn ban đầu, đến nay việc trồng khóm của Hương đã ổn định do làm chủ được quy trình kỹ thuật canh tác sạch và hữu cơ nên sản phẩm của nông trại được nhiều công ty và đại lý nông nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh thu mua. Doanh thu từ khóm bình quân từ 200-300 triệu đồng/năm.
Theo Hương, lâu nay, khóm Đồng Din được bà con sản xuất theo kiểu tự sản tự tiêu và bán cho thương lái. Trước đây, vùng đất này là đồi hoang hóa, một vài hộ đến khai phá trồng keo, bạch đàn, nay nhường chỗ cho cây khóm với diện ích hơn 300ha với gần 200 hộ có thu nhập ổn định.
Không muốn lạc hậu với xu hướng kinh doanh hiện đại, Hương đã xây dựng nhiều kênh bán hàng trên mạng xã hội và đang xây dựng app đa phương tiện cho nông trại; đồng thời chế biến nhiều sản phẩm khác từ trái khóm, như: Nước ép tươi nguyên chất, nước ép cô đặc… để nâng giá trị trái khóm.
“Ngoài việc để khách hàng đặt mua sản phẩm, app còn tích hợp hệ thống theo dõi quy trình canh tác, sản xuất ở nông trại. Khách hàng có thể theo dõi và kiểm tra quá trình canh tác cây khóm hữu cơ”, Hương giải thích.
Có vốn liếng và kinh nghiệm, Hương thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp khóm Hòa Quang do anh làm giám đốc. Địa chỉ này vừa là nơi trao đổi kinh nghiệm, vừa gắn kết với các nông hộ trong việc tiêu thụ sản phẩm. Hiện ở trang trại, Hương còn trồng xen canh các loại cây ăn trái theo hướng hữu cơ, mùa nào cây nấy và trồng thêm khóm trái vụ để thu hút nhiều bạn trẻ muốn du lịch trải nghiệm làm nông dân trồng khóm Đồng Din.
Hôm tôi đến tham quan trang trại, Hương đang tất bật tiếp khách và hướng dẫn một nhóm bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh đến tham quan mô hình, trải nghiệm một ngày làm nông dân trồng và thu hoạch khóm.
Bạn Kim Huệ, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi rất thích trang trại này bởi người chủ tâm huyết với nông nghiệp xanh. Đến đây, khách được hái khóm, ăn tại vườn, rất ngọt thơm và cảm nhận được năng lượng dồi dào của đất và người nơi đây”.
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, khóm Đồng Din trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Hiện nay, huyện Phú Hòa đang lập dự án mở rộng diện tích, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến để bảo đảm ổn định đầu ra; hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung công nghệ cao, tăng giá thành sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
Với những định hướng phát triển vùng trồng khóm theo sản xuất hàng hóa, người nông dân ở đây và trang trại xanh của Hương sẽ có thu nhập ổn định hơn, tạo thêm một sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu của vùng đất Đồng Din nói riêng và sản phẩm nông nghiệp, nông thôn Phú Yên nói chung.
Một mùa khóm mới tràn trề xuân đang về, tỏa hương thơm ngào ngạt trên các sườn đồi ở Đồng Din, hứa hẹn một mùa vàng bội thu!
Công việc lương cao chưa nói lên điều gì, nếu bước vào đời, mỗi người trẻ chúng ta nên tự lắng nghe, phát hiện ra sức mạnh và khát vọng của riêng mình. Với tôi, làm nông nghiệp xanh là hành trình chỉ mới khởi đầu.
Anh Nguyễn Văn Hương
VĂN TÀI