Hướng nghiệp sớm để con không nhầm đường

Hướng nghiệp sớm để con không nhầm đường
2 ngày trướcBài gốc
Học sinh bậc THPT huyện Bá Thước tìm hiểu thông tin về ngành nghề, việc làm cho tương lai tại một phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức trên địa bàn huyện.
Chị Mai Ngọc - một nhà báo đang công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, chia sẻ: “Để con đưa ra lựa chọn đúng đắn, phụ huynh cần xác định được năng lực, sở trường của con, từ đó định hướng môn học phù hợp với con trong những năm học cuối cấp”.
Ban đầu, con trai chị đã chọn các môn học để thi khối kinh tế khi vào lớp 10. Nhận thấy thị trường việc làm khối này đang bão hòa, chị đã đóng vai trò người bạn đồng hành, phân tích và thuyết phục con chuyển hướng sang khối kỹ thuật - lĩnh vực đang có nhu cầu cao trong xã hội. Mặc dù điểm chuẩn khối kỹ thuật thường cao và có nhiều điều kiện kèm theo, chị đã chuẩn bị cho con bằng cách hướng dẫn thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và tư duy. Khi được tư vấn về triển vọng việc làm và mức lương hấp dẫn của ngành kỹ thuật và ngôn ngữ, cậu con trai đã vui vẻ lựa chọn và quyết tâm học tập để theo đuổi ngành nghề này.
Chị Trần Mai Hương, ở phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) có con gái đang học năm thứ 2 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị chia sẻ: "Năm 2020, con tôi thi đậu lớp 10 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Lúc đó cháu chưa xác định rõ điểm mạnh và niềm đam mê của mình, chỉ chọn ngành học, trường học tương lai theo đám đông".
Thấy nguyện vọng của con chưa phù hợp, chị đã phân tích thế mạnh, ưu điểm, lợi ích và những thuận lợi sau khi ra trường xin việc làm. Chị còn nhờ thêm các thành viên gia đình nội, ngoại và những người đang làm nghề mà bố mẹ muốn định hướng cùng tham gia phân tích, khuyên cháu nghiên cứu kỹ thị trường lao động, xu hướng ngành nghề và nhu cầu nhân lực trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
“Tôi chỉ định hướng, không áp đặt quyết liệt mà để con có thời gian suy nghĩ cẩn trọng rồi tự đưa ra quyết định của mình", chị Hương nhấn mạnh.
Thực tế, đã có nhiều sinh viên khi bước vào giảng đường đại học mới nhận ra mình chọn ngành học chưa phù hợp, phải chuyển đổi sang ngành học mình yêu thích. Dù các trường linh động giải quyết chuyển đổi ngành học để các em được học tập đúng với mong muốn của bản thân, song cũng phải bảo đảm các điều kiện phù hợp. Có những sinh viên lại xác định đã “đâm lao phải theo lao”, dù không hứng thú vẫn tiếp tục học, dẫn đến kết quả học tập không tốt, thậm chí có em bỏ học giữa chừng vì chán nản. Điều đáng nói nữa là khi tốt nghiệp ra trường, nhiều em không muốn theo đuổi công việc theo ngành học mà lựa chọn làm trái ngành, trái nghề hoặc phải học tiếp văn bằng 2 với ngành nghề mình yêu thích, gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc, lãng phí nguồn nhân lực.
Để giúp các con đưa ra sự lựa chọn sáng suốt, hạn chế việc chọn nhầm ngành học, các bậc phụ huynh cần đồng hành định hướng trường học, ngành nghề phù hợp ngay từ khi các em học phổ thông. Bởi, nếu định hướng tốt sẽ giúp các em có lựa chọn tốt để xác định tương lai của mình.
Đối với các trường bậc THCS, THPT cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho các bậc phụ huynh và học sinh. Ngoài việc định hướng cho các em chọn ngành nghề gì cho phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện gia đình, các thầy, cô giáo cần phân tích rõ học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công mà các em còn có nhiều con đường để lựa chọn. Phân tích để các em thấy sự cần thiết, lợi ích của việc học nghề, nhu cầu thị trường lao động. Bởi thực tế, có rất nhiều học sinh sau học nghề đã khởi nghiệp thành công, không những tạo dựng được cuộc sống ổn định, khá giả mà còn tạo việc làm cho nhiều người khác.
Bên cạnh đó, các trường phổ thông cần phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tổ chức các buổi thông tin tuyên truyền nghề nghiệp dưới dạng ngày hội tư vấn hướng nghiệp, giáo dục hướng nghiệp. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường. Các địa phương đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh, làm chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT...
Bài và ảnh: Mai Phương
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/huong-nghiep-som-de-con-khong-nham-duong-245917.htm