Cán bộ phòng trưng bày giới thiệu pháo phòng không 100mm, KS-19M2 trưng bày tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh với du khách đến tham quan.
Được treo ngay ngắn trên tường tại phòng trưng bày Bảo tàng tỉnh, tấm ảnh đã đi vào huyền thoại về một thời hoa lửa - cô dân quân nhỏ bé làng Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển vác cùng một lúc 2 hòm đạn nặng 98kg đã trở nên nổi tiếng. Bên cạnh đó là 1 vật dụng vô cùng quen thuộc - mái chèo cô Tuyển cùng đồng đội dùng để chèo thuyền tiếp đạn cho hải quân trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ ngày 3/4/1965 tại Hàm Rồng. Sách “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975” có đoạn: “Nữ dân quân Ngô Thị Tuyển không sợ hy sinh, mang cơm nước lên trận địa và chị đã cùng dân quân Hạ, Viễn bơi ra giữa sông chở lương thực đang chòng chành, chao đảo sau từng đợt bom đạn địch vào bờ”. Đây chính là minh chứng sống động cho tinh thần và ý chí quyết tâm không có gì lay chuyển được của dân tộc ta trên con đường giành lại độc lập - tự do. Với thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại tọa độ lửa Nam Ngạn - Hàm Rồng, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển đã 3 lần được gặp Bác Hồ, được trao tặng Huy hiệu của Người và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Em Lê Hoài Linh, học sinh lớp 11A5, Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Qua sách báo, truyền hình, em từng được nghe, được xem về tấm gương nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển với kỳ tích vác hai hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình, khiến cho dư luận nước Mỹ xôn xao, Nhân dân cả thế giới khâm phục. Nay đến Bảo tàng tỉnh, em còn tận mắt thấy mái chèo bà dùng để chèo thuyền tiếp tế đạn xuống tàu và vận chuyển vỏ đạn lên bờ dưới làn mưa bom, bão đạn. Em rất khâm phục tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của bà Ngô Thị Tuyển nói riêng, cha ông ta nói chung và tự hứa với bản thân sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống đó”.
Nhiều hiện vật khác về chiến thắng Hàm Rồng cũng được khách tham quan tìm hiểu như: pháo phòng không 100mm, KS-19M2; đinh ba – vũ khí tự tạo của Xí nghiệp sửa chữa ô tô 19/5; súng trung liên của tổ trung liên núi Ngọc sử dụng bắn rơi máy bay Mỹ, hòm đạn và vỏ đạn 57 ly trong trận bắn máy bay Mỹ ngày 3, 4/4/1965 của đơn vị pháo cao xạ Hàm Rồng; hộp đựng ngòi nổ pháo 37 ly; súng trường của tự vệ Hàm Rồng, đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng; súng tiểu liên K54 của tổ tự vệ bảo vệ cầu Hàm Rồng; mũ sắt của cán bộ, nhân viên phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Thanh Hóa dùng khi tham gia chữa cháy trong thời kỳ máy bay bắn phá khu vực Hàm Rồng; máy điện thoại do chị Nguyễn Thị Lanh, điện thoại viên Bưu điện tỉnh Thanh Hóa phụ trách, luôn đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong trận đánh ngày 3, 4/4/1965... Đặc biệt, tại đây còn trưng bày Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước tặng Nhân dân và cán bộ tỉnh Thanh Hóa đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Du khách đến tham quan tại phòng trưng bày của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Được biết, Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ hơn 30 nghìn hiện vật, tư liệu, trong đó có hàng trăm tư liệu hình ảnh, hiện vật tiêu biểu nhất liên quan trực tiếp đến cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng như: đầu máy bay không người lái (máy bay do thám) của Mỹ, bị quân dân Hàm Rồng – Đò Lèn bắn rơi; ghế máy bay A6A - bộ phận của chiếc máy bay Mỹ thứ 157 bị quân dân miền Bắc bắn rơi trên bầu trời Thanh Hóa và Hàm Rồng; các trang phục, vật dụng và giấy tờ của phi công bị bắt sống khi máy bay bị bắn hạ tại Hàm Rồng... Những hiện vật này được các cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh dày công tìm kiếm, sưu tầm. Qua vận động, các nhân chứng lịch sử, gia đình cách mạng trong và ngoài tỉnh đã hiến tặng nhiều kỷ vật chiến tranh.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Trịnh Đình Dương cho biết: "Đây là những chứng tích lịch sử của trận chiến đầy quyết liệt, cam go, khẳng định tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu của quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng với không lực Hoa Kỳ, làm nên bản hùng ca bên dòng sông Mã. Bảo tàng tỉnh đã có phương án bảo quản phù hợp đối với các hiện vật, tài liệu nhằm duy trì tính nguyên gốc phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày. Để người dân và du khách có điều kiện tìm hiểu về chiến thắng hào hùng của quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn nói riêng, các giai đoạn lịch sử nói chung, ngoài việc mở cửa phục vụ thường xuyên và tổ chức các đợt trưng bày theo chủ đề để đón khách, bảo tàng còn tổ chức đưa các hiện vật đi trưng bày lưu động tại khắp các vùng, miền, đặc biệt là ở các huyện miền núi để phục vụ đông đảo người dân".
Nhiều cựu chiến binh khi đến đây đã vô cùng xúc động khi thấy những hiện vật gắn bó với người lính trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, gian khổ nhưng hào hùng ở “Tọa độ lửa Hàm Rồng”. Đây là những chứng tích gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử oanh liệt của cả dân tộc, là cầu nối giữa hiện tại với quá khứ, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng và tự hào về cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của cha ông.
Bài và ảnh: Phan Nga