Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, ở đường Hoàng Văn Thụ, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) và ông Nguyễn Như Ngọc ở tổ dân phố Đạo Ngạn, phường Quang Châu (thị xã Việt Yên) cùng sinh năm 1964. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, hai ông cùng xung phong đi giữ đất biên thùy (năm 1983). Hàng chục năm sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hai ông thường xuyên gặp gỡ nhau, cùng ôn lại kỷ niệm hay đi thăm lại những nơi mình từng chiến đấu.
Ông Nguyễn Hồng Sơn (bên phải) và ông Nguyễn Như Ngọc ôn lại kỷ niệm chiến đấu nơi biên giới.
Xem lại những bức ảnh, những đoạn clip của chuyến thăm lại chiến trường xưa cách đây ít ngày, ông Ngọc như “sống lại” thời thanh xuân nhiệt huyết của mình. Đây rồi Hạ Lang (Cao Bằng), đây rồi điểm cao 820 Tràng Định (Lạng Sơn)… Câu chuyện cứ thế râm ran từ những ngày đầu lên đường chiến đấu. Thời điểm năm 1983, gia đình có anh trai đang trong quân ngũ, đóng quân ở biên giới phía Bắc nên ông Ngọc thuộc diện chưa phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhưng với lòng nhiệt huyết, ông vẫn xung phong lên đường. Sau huấn luyện 3 tháng, ông Ngọc trong quân số của Trung đoàn 51, Sư đoàn 431, Quân khu 1 hành quân lên biên giới phía Bắc. Địa điểm đầu tiên ông dừng chân là ở đơn vị bộ đội biên phòng thuộc xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang (Cao Bằng).
Ông bảo: “Người lính chúng tôi không thể quên được những ngày nổ súng chiến đấu”. Rồi ông kể: “Ngày 3/3/1984 Âm lịch (Tết Hàn thực), lần đầu tiên đạn pháo địch bắn phá vào khu vực này. Pháo bắn dày đặc, đỏ rực một vùng khiến cả đồi cây xanh mướt biến thành… đồi cỏ cháy. Cảm giác của người tân binh lần đầu tiên lên biên giới như tôi là lo sợ đến toát mồ hôi. Ở dưới hầm mà vẫn cảm nhận được pháo bắn tan nát như thế nào. Địch bắn khủng khiếp đến nỗi những thanh bê tông cuối cùng của căn hầm chữ A cũng phải bật lên. Thế nhưng khi thực sự bước vào trận chiến thì tôi lại không thấy lo sợ nữa”.
Giáp Tết năm 1986, ông Ngọc được cử đi học chính trị rồi chuyển địa bàn chiến đấu đến điểm cao 636 thuộc xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định. Ông nhớ ngày 12/1/1986, pháo địch bắn dữ dội vào điểm cao 636. Trước khi bắn chúng gọi loa, rải truyền đơn, rải ảnh phụ nữ nhằm đánh vào tâm lý người lính. Tuy nhiên do được huấn luyện, giáo dục, bồi dưỡng chính trị nên ý chí tinh thần, tư tưởng của bộ đội không hề nao núng, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ tấc đất biên cương. Không chỉ súng đạn của quân địch rình rập, đe dọa mà cái đói, cái khát cũng bủa vây. Thời đó lương thực, thực phẩm thiếu thốn, nước uống, nước sinh hoạt cũng khan hiếm, người cứ khô đi. Bộ đội phải rủ nhau đi lấy nước. Mùa mưa nước nhiều, nước chảy mạnh, lấy nhanh nhưng quãng đường đi lại trơn trượt; mùa khô đi dễ hơn nhưng mỏ nước lại cạn, cứ ri rỉ nên phải gần 2 tiếng đồng hồ anh em mới gùi được can nước 10 lít về để dùng.
Ông Sơn, ông Ngọc cùng đồng đội thăm lại điểm cao 820 khu vực mốc 980 thuộc Đồn Biên phòng Pò Mã, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn).
Trong chiến tranh, giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Cho tới giờ, ông Nguyễn Hồng Sơn vẫn nhớ như in lần thoát chết năm xưa. Năm ấy, ông Sơn thuộc quân số của Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng đóng ở chốt bản Bang, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang (cách thác Bản Giốc chừng 12 km). Nhiệm vụ chính của ông là cùng với bộ đội biên phòng kiểm tra đường biên, giữ chốt và dạy học. Hôm đó là sáng sớm 1/5/1984, ông Sơn từ trên chốt xuống đơn vị để lấy tiêu chuẩn ăn (cá mắm, thịt hộp) cho anh em. Đang xuống thì pháo 12.7 mm bắn vào chốt. Ngay lập tức, ông Sơn cùng đồng chí Đại đội trưởng mang súng chạy ngược dốc đi lên, chỉ huy anh em bắn lại bằng đạn cối 60 mm và súng trung liên. Do chốt ở dưới thấp, được đào nửa chìm nửa nổi nên anh em đều an toàn. “Hình ảnh ấy tôi luôn khắc ghi để nhắc mình không được quên cuộc chiến này”- ông Sơn chia sẻ.
Biên giới ngưng tiếng súng, ông Ngọc và ông Sơn phục viên trở về địa phương. Ông Ngọc ở nhà làm kinh tế. Ông Sơn thi vào Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân rồi công tác trong lực lượng công an. Hơn 30 năm trong ngành, đối diện với nhiều loại tội phạm nguy hiểm nhưng ông Sơn vẫn không bao giờ quên những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc với những tình cảm thân thương, nghĩa tình của người lính bộ đội Cụ Hồ. Từng có nhiều năm làm Trưởng Công an TP Bắc Giang, nay về nghỉ hưu, có thời gian và điều kiện, Đại tá Nguyễn Hồng Sơn đã tập hợp được gần 100 đồng đội cùng chiến đấu từ năm 1982-1985 ở huyện Hạ Lang (Cao Bằng).
Nhiều lần “hành quân” về biên giới phía Bắc, thăm lại chiến trường xưa là cũng từng ấy lần các ông đứng lặng trước Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, trước những tấm bia đá trùng điệp dòng chữ tưởng niệm đồng đội mà nghẹn ngào. Mỗi tấc đất biên cương đều thấm trộn máu xương của cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Những chứng tích còn đó như nhắc nhớ về một thời đau thương nhưng cũng vô cùng anh dũng của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước .
Bài, ảnh: Thu Phong