Các chỉ số đều tăng điểm
Tìm hiểu chúng tôi được biết, Chỉ số SIPAS được đánh giá dựa trên 2 nội dung, một là việc xây dựng, tổ chức thực hiện CSC; hai là việc cung cấp DVHCC của cơ quan Nhà nước.
Đồng chí Trần Việt Thắng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho hay: Năm 2024, Chỉ số SIPAS 2024 của tỉnh Lai Châu đạt 81,51% điểm, tăng 1,69% so với năm 2023 và tất cả các chỉ số đánh giá đều tăng điểm so với năm 2023 (chỉ số xây dựng, tổ chức thực hiện CSC tăng 1,72%; chỉ số cung cấp DVHCC tăng 1,66%). Quá trình khảo sát được tổ chức chặt chẽ, không có sự can thiệp, định hướng. Do đó, kết quả Bộ Nội vụ công bố phản ánh khách quan nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng và nhu cầu mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (CQHCNN) trên địa bàn tỉnh.
Qua khảo sát cho thấy, trong 9 chính sách được lựa chọn khảo sát thì người dân quan tâm nhất là chính sách giáo dục phổ thông; trật tự, an toàn xã hội và chính sách điện sinh hoạt. Đặc biệt, trong năm 2024, suy nghĩ, nhận định của người dân về tình trạng công chức trực tiếp giải quyết công việc gây phiền hà, sách nhiễu giảm, nhất là đối với tiêu chí khảo sát “không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu” đạt 87,39%, tăng 4,09% so với năm 2023.
Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tăng so với năm 2023.
Nhu cầu, mong đợi của người dân cũng có sự chuyển dịch, thay đổi từ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giải quyết công việc cho người dân (năm 2023) sang nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong việc giải quyết công việc cho người dân; tiếp đến là nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của CBCCVC và nâng cao tính công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin cho người dân. Như vậy, có thể thấy tinh thần, trách nhiệm và chất lượng của đội ngũ CBCCVC vẫn là khâu trọng tâm, quyết định đến sự thành bại của quá trình thực hiện chính sách và cung ứng DVHCC của các cơ quan Nhà nước.
Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của CQHCNN cũng tăng so với năm 2023. Trong 39 tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người dân về xây dựng và tổ chức thực hiện CSC, cung ứng DVHCC thì có 37 tiêu chí đạt mức hài lòng trên 80%; 2 tiêu chí thành phần đạt mức hài lòng trên 70% là: kết quả tác động của chính sách kinh tế - xã hội của địa phương tốt hơn (79,96%) và kinh tế gia đình của người dân tốt hơn (79,92%). Nhiều chỉ số có mức độ đánh giá khá tương đồng với kết quả cuộc khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của CQHCNN do UBND tỉnh tổ chức khảo sát năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Trường (cán bộ hưu trí ở phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) chia sẻ: Với những chính sách hợp lòng dân của tỉnh đã tác động tích cực đến sự phát triển của Lai Châu. Nổi bật là đời sống của người dân thay đổi rõ nét so với trước, bà con được quan tâm, chăm lo tốt hơn, tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ hiện đại.
… Nhưng thứ hạng giảm
Về tổng thể tuy các chỉ số đều tăng, nhưng xét về mức tăng thì không nhiều và đáng nói là Chỉ số SIPAS năm 2024 Lai Châu chỉ xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố, giảm 5 hạng so với năm 2023. Nhiều tiêu chí đánh giá xếp theo thứ hạng so với các tỉnh/thành phố trong cả nước thấp và giảm. Có thể kể đến như mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng DVHCC xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố, giảm 5 hạng so với năm 2023. Trong đó: chỉ số hài lòng về bộ phận một cửa có đủ ghế ngồi chờ, ghế ngồi giải quyết công việc xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố, giảm 7 hạng so với năm 2023; quy định về thủ tục hành chính (TTHC) được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa dễ thấy, dễ đọc xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố, giảm 3 hạng so với năm 2023; thời hạn giải quyết TTHC đúng quy định xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố, giảm 6 hạng so với năm 2023…
Hay như kết quả khảo sát suy nghĩ của người dân về tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu và việc đưa tiền ngoài quy định cho công chức trên địa bàn tỉnh dù ít nhưng vẫn còn (gây phiền hà, sách nhiễu là 12,6%; nhận tiền ngoài quy định là 12,27%). Việc này đặt ra yêu cầu cho các cấp chính quyền địa phương phải tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật kỷ cương công vụ hơn nữa.
Nhiều người dân cho biết kinh tế gia đình tốt hơn nhờ tác động từ các chính sách kinh tế - xã hội của địa phương. Trong ảnh: Đời sống nâng cao, người dân xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) có điều kiện đầu tư mua các vật dụng sinh hoạt hiện đại phục vụ cuộc sống.
Qua kết quả đo lường sự hài lòng năm 2024 của tỉnh cho thấy một số nội dung của việc xây dựng, tổ chức thực hiện CSC và cung ứng DVHCC trên địa bàn tỉnh cần phải quan tâm và tổ chức cải cách nhiều hơn. Đây cũng là kênh thông tin để tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đưa ra giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công…
Để nâng mức độ hài lòng của người dân và thứ hạng chỉ số SIPAS năm 2025, theo đồng chí Trần Việt Thắng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Lai Châu cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt CSC, cung ứng DVHCC. Về việc này, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tỉnh Lai Châu năm 2025. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về Chỉ số SIPAS; đưa tin về những việc làm tốt và chưa tốt của các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC, cung ứng DVHCC; ý kiến của người dân về chất lượng DVHCC… Các cấp, ngành trong tỉnh cần tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện tốt CSC; đẩy mạnh phổ biến CSC, DVHCC để người dân được biết, được tham gia góp ý, được thụ hưởng chính sách đầy đủ; được tiếp cận và sử dụng DVHCC một cách tốt nhất. Đồng thời, tổ chức phân tích, đánh giá những nhận định, nhu cầu mong đợi của người dân để có giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, sàng lọc, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thảo Nguyên Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả