Các dự án điện hạt nhân (ĐHN) được xác định là yếu tố then chốt để Khánh Hòa sớm trở thành trung tâm năng lượng quốc gia. Chính vì vậy, UBND tỉnh đang dồn sức cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. Đây là các dự án mở ra cơ hội phát triển đột phá cho địa phương trong tương lai.
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng
Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 có tổng diện tích đất thu hồi 1.279ha. Công tác kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất và giải quyết tranh chấp đang được tiến hành khẩn trương. Cụ thể, tại khu vực thực hiện Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh), đã có 497 thông báo thu hồi đất được ban hành, với tổng diện tích hơn 409,5ha, ảnh hưởng đến 491 hộ dân và 6 tổ chức. Toàn bộ 491 hồ sơ kiểm đếm của các hộ có đất thu hồi đã được xác lập và công tác kiểm kê đã hoàn thành. Khu tái định cư phục vụ Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 có tổng diện tích 64,85ha, đến nay đã xác lập hồ sơ kiểm đếm. Dự kiến, khu tái định cư sẽ tăng thêm 26ha để đảm bảo đủ không gian sống và sinh hoạt cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tìm hiểu tại thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh), nơi quy hoạch xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, Trưởng thôn Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Đây là dự án lớn của quốc gia. Chúng tôi mong muốn công trình sớm được xây dựng để mang lại sự phát triển cho quê hương. Người dân thôn Vĩnh Trường mong muốn dự án được triển khai một cách đồng bộ, mang lại đời sống tốt đẹp hơn, tạo việc làm cho người lao động và góp phần thay đổi diện mạo quê hương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước".
Ông Trần Quốc Nam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra thực tế tại vùng lõi thực hiện Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Tại khu vực thực hiện Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải), công tác kiểm kê đã hoàn thành 100%, với 534 hộ dân và 3 tổ chức bị ảnh hưởng trên diện tích 405,5ha. Khu tái định cư có tổng diện tích 54,4ha và khu vực chỉnh trang khu dân cư hiện hữu có tổng diện tích 13,43ha đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm đếm. Đặc biệt, khu tái định canh đã có giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ổn định sản xuất nông nghiệp tại nơi ở mới. Ông Nguyễn Hàng - Trưởng thôn Thái An cho biết, người dân trong vùng dự án hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Nhà nước về việc triển khai dự án ĐHN. Những dự án như vậy là cơ hội để người dân ven biển Vĩnh Hải có cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, người dân trong vùng dự án mong muốn dự án sớm thực hiện, không kéo dài nhằm ổn định cuộc sống. Tại khu vực thực hiện dự án là đất nông nghiệp người dân đang trồng trọt, vì vậy, chính quyền cần có chính sách an sinh xã hội, bố trí quỹ đất, tạo việc làm cho người dân khi đến nơi ở mới.
Ông TRỊNH MINH HOÀNG - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lãnh đạo tỉnh xác định, để từ nay đến năm 2030 Khánh Hòa liên tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế hai con số thì công nghiệp; năng lượng; du lịch - dịch vụ; đô thị - xây dựng sẽ là 4 trụ cột chính tạo ra những bước phát triển đột phá. Mặc dù năng lượng là trụ cột thứ 2 song về ngắn hạn, lĩnh vực này đang đóng vai trò then chốt, quyết định cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Một dự án công nghiệp từ khi triển khai đến khi đi vào vận hành phải mất 7 đến 8 năm hoặc có thể chậm hơn; các dự án du lịch - dịch vụ, đô thị - xây dựng từ khi khởi công đến khi vận hành mất trung bình từ 4 đến 5 năm. Trong khi đó, với dự án năng lượng, nếu nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm và quyết tâm cao, chỉ trong vòng 1 đến 2 năm thi công là dự án đã đi vào vận hành, tạo ngay công ăn, việc làm và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng đang là thế mạnh của Khánh Hòa và tỉnh cũng hướng đến trở thành trung tâm năng lượng quốc gia. Do đó, trước mắt, muốn đẩy nhanh tăng trưởng, năng lượng sẽ là trụ cột đóng vai trò rất quan trọng".
Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải khẳng định: “UBND xã xác định sẽ dồn lực GPMB cho Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. Mặc dù chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào hoạt động nhưng xã vẫn chủ động tiếp nhận hồ sơ; đội ngũ cán bộ của xã làm việc thêm giờ, thậm chí làm luôn trong ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ. Địa phương sẽ quyết tâm cao nhất nhằm hoàn thành các nhiệm vụ mà tỉnh đã giao”.
Cần tháo gỡ các nút thắt
Mặc dù công tác GPMB có nhiều chuyển biến, song với việc thay đổi quy định về khoảng cách an toàn với khu dân cư khiến đang địa phương gặp khó khăn rất lớn. Bởi theo quy định hiện hành của Bộ Công Thương là vùng cách ly 500m từ hàng rào nhà máy. Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ lại xác định khu vực cấm dân cư tối thiểu 1km. Sự khác biệt này sẽ làm tăng diện tích thu hồi thêm khoảng 598ha cho cả 2 nhà máy. Việc mở rộng ranh giới này sẽ ảnh hưởng đến nhiều công trình công cộng, hạ tầng và các dự án năng lượng tái tạo đã vận hành; ước tính sẽ làm tăng kinh phí bồi thường lên khoảng 12.100 tỷ đồng, gây áp lực lớn đối với việc bố trí tái định cư do quỹ đất hạn chế và ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Hiện nay, tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án di dời dân, tái định cư gần 12.400 tỷ đồng, trong đó tỉnh cần khoảng 3.200 tỷ đồng để thực hiện các công việc trước mắt.
Khu vực thực hiện Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Ông Đặng Gia Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Dinh chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để hoàn thành công tác kiểm kê và hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Tuy nhiên, với việc mở rộng khu vực cấm dân cư tối thiểu từ 0,5km lên 1km tính từ hàng rào nhà máy sẽ làm tăng diện tích thu hồi đất, ảnh hưởng đến các công trình giáo dục, y tế, trụ sở cơ quan, hạ tầng giao thông và khu vực dân cư rất lớn. Theo phương án năm 2015, có hơn 490 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng theo phương án mới, số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 900 hộ dân. Vì vậy, diện tích tái định cư cũng tăng lên”.
Bên cạnh đó, hiện nay, các địa phương trong vùng dự án đều rất thiếu cán bộ địa chính và người có kinh nghiệm về công tác GPMB. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công việc. Ông Nguyễn Văn Quế kiến nghị: “Để hoàn thành mục tiêu GPMB cho các dự án ĐHN trong năm 2025 như Chính phủ đã chỉ đạo, chắc chắn UBND tỉnh phải tăng cường lực lượng có kinh nghiệm cho các địa phương. Mặc dù hiện nay, các xã đã làm thêm giờ, thêm ngày nghỉ nhưng vì người thực sự có chuyên môn sâu rất ít nên công việc không thể đẩy nhanh hơn được. Chỉ khi nào có đủ con người thì công việc mới thực sự đảm bảo được tiến độ đề ra”.
Ông HỒ XUÂN NINH - Giám đốc Sở Công Thương: Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung nhiệm vụ đối với các sở, ngành, địa phương nhằm đáp ứng tình hình thực tế, không bỏ sót nhiệm vụ nào và đảm bảo tiến độ dự án đề ra; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện công tác di dời dân, tái định cư sau khi được Trung ương phân bổ nguồn ngân sách hỗ trợ với số tiền 3.200 tỷ đồng để triển khai thực hiện dự án di dời dân, tái định cư các dự án nhà máy ĐHN. Căn cứ các cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ đã được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và chính quyền địa phương thực hiện bồi thường, hỗ trợ để GPMB khu vực vùng lõi của nhà máy và khu vực tái định cư theo quy định để ổn định đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Với những khó khăn trước mắt, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa tổ chức họp khẩn với các địa phương nhằm tìm những giải pháp tháo gỡ các nút thắt để đảm bảo tiến độ công tác GPMB. Ông yêu cầu các địa phương liên quan hoàn thành GPMB dự án trước ngày 30-12. Cụ thể, phải hoàn thành ban hành thông báo và niêm yết thu hồi đất, giá thu hồi, bồi thường trong tháng 8 để đảm bảo chi trả ngay cho người dân khi kinh phí được thông qua. Mục tiêu của tỉnh là cơ bản hoàn thành GPMB vùng lõi và khu tái định cư trong năm 2025; hoàn thành toàn bộ công tác GPMB cùng các dự án thành phần di dời dân, tái định cư trong năm 2026. “Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường sắp xếp nhân sự, tăng cường cán bộ có chuyên môn về 2 xã Phước Dinh và Vĩnh Hải để hỗ trợ thực hiện công tác GPMB. Cùng với đó, các cơ quan liên quan sớm thực hiện bàn giao hồ sơ cho 2 địa phương để có cơ sở tiếp tục thực hiện. Các địa phương phải quyết liệt hơn nữa để thực hiện GPMB dự án quan trọng mang tầm quốc gia này” - ông Trịnh Minh Hoàng nhấn mạnh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh và nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, Khánh Hòa đang thể hiện quyết tâm cao độ để gỡ vướng, mở đường cho sự phát triển của các dự án ĐHN, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
ANH TUẤN - ĐÌNH LÂM