Tập đoàn Đèo Cả cho hay với tinh thần, trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp không chỉ đứng đợi tháo gỡ xong các rào cản, hạn chế, định kiến mà phải đồng hành ngay từ đầu để góp phần tạo nên thành công cho một chủ trương lớn và chưa từng có tiền lệ của Đảng, Nhà nước.
Văn bản nêu, ngay khi các chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập, phương thức đối tác công tư chưa hoàn chỉnh, Đèo Cả đã chủ động, sáng tạo, hợp lực nhiều doanh nghiệp khác trong nước đưa ra các giải pháp để đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng của đất nước theo phương thức PPP, từng bước khẳng định bị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này với các dự án lớn trên toàn quốc.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, từ Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến TP.Cà Mau được phân kỳ đầu tư với quy mô 2 - 4 làn xe đã thực hiện 1.375km, trong đó có 654km (giai đoạn 2017 - 2020) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 721km (giai đoạn 2021 - 2025) đang khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025 - 2026.
Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đầu tư mở rộng hoàn thiện toàn tuyến theo quy hoạch. Đây là việc rất cấp thiết, qua đó tạo ra không gian hạ tầng mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước, là tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm từ 10% trở lên ngay trong giai đoạn 2026 - 2030 và các năm tiếp theo.
Qua thực tế nghiên cứu 5 đoạn cao tốc đã đầu tư, hiện đang khai thác ở giai đoạn 1 nhưng chưa thu phí với tổng chiều dài 356km, khi được đầu tư mở rộng theo phương thức PPP (đối tác công - tư), doanh nghiệp chủ động thu xếp nguồn vốn, không sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ tiết kiệm cho ngân sách hơn 37.000 tỉ đồng. Trường hợp đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam (hơn 1.100km) theo hình thức PPP sẽ tiết giảm ngân sách lên đến 152.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, cần xem xét kết hợp giữa đầu tư công và đầu tư PPP sẽ rút ngắn thời gian triển khai.
Đèo Cả đề xuất mở rộng cao tốc Bắc Nam lên 6 làn xe theo hình thức PPP
Xét năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Đèo Cả trong quá trình thực hiện phát triển hệ thống hạ tầng đất nước, trên cơ sở thông báo kết luận số 229 của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về tình hình triển khai nghiên cứu mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổ chức họp cùng các bộ ngành liên quan để xem xét:
Thứ nhất, giao Tập đoàn Đèo Cả thống nhất với Bộ Xây dựng nghiên cứu chọn đoạn tuyến để đề xuất dự án mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 1, đầu tư theo phương thức PPP trên nguyên tắc doanh nghiệp chủ động thu xếp tài chính (từ các nguồn vốn hợp pháp trong nước), không sử dụng vốn NSNN, cân đối nguồn thu để hoàn vốn cho dự án và đóng góp cho NSNN trong quá trình khai thác.
Thứ hai, giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Tài Chính làm việc với Tập đoàn Đèo Cả xem xét chủ trương đầu tư công kết hợp với đầu tư PPP trong giai đoạn mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, Tập đoàn Đèo Cả chủ trì nghiên cứu lập đề xuất dự án kết nối các doanh nghiệp trong nước cùng hợp lực thực hiện.
Khi được chỉ định làm nhà đầu tư thực hiện dự án, Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh cam kết sẽ sớm khởi công dự án nhằm chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946 – 19.12.2025) và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.
Cũng trên cơ sở đề xuất dự án mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông được phê duyệt, Tập đoàn Đèo Cả cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ định doanh nghiệp này thực hiện dự án bằng phương thức PPP theo chủ trương tại phần 3 mục 6 của Nghị quyết 68-NQ/TW và các quy định tại Luật PPP, Luật Đường bộ.
Nhà đầu tư cam kết sử dụng vốn chủ sở hữu và huy động nguồn vốn trong nước để thực hiện dự án, đồng thời đóng góp cho NSNN trên cơ sở tổ chức cân đối vốn đầu tư và kiểm đếm, kiểm toán lưu lượng doanh thu thực tế của các tuyến đường.
Để rút ngắn tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư, Đèo Cả đề xuất dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bãi đổ thải và khai thác khoáng sản làm vật liệu; người quyết định đầu tư được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng.
Trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư sẽ tiếp nhận toàn bộ công trình hiện hữu để quản lý khai thác, tổ chức thu phí để triển khai thi công mở rộng tuyến đường để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt liên tục. Việc đầu tư theo phương thức PPP sẽ giúp tiết kiệm NSNN trong bối cảnh ngân sách cần tập trung cho nhiều mục tiêu phát triển kinh tế khác, đồng thời đảm bảo việc quản lý khai thác tài sản nhà nước được hiệu quả.
Phương thức đầu tư tương tự đã được áp dụng thành công tại dự án hầm đường bộ Hải Vân và hiện đang triển khai ở dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho hay: “Đèo Cả cam kết thực hiện toàn bộ các nội dung trên theo tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hóa được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo đếm được…” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành công việc đúng tiến độ.
Ông Huy cũng nêu thêm 10 năm qua, Đèo Cả đã tiếp nhận, phát triển công nghệ NATM (Áo) để làm dự án hầm đường bộ Đèo Cả, các công nghệ làm cầu vượt biển, cầu dây văng...; cải tiến phương án đào hầm đường bộ, đường sắt giúp tối ưu chất lượng, an toàn, tiến độ và chi phí đầu tư.
Ngoài ra, tập đoàn cũng đã triển khai thành công nhiều công trình giao thông trọng điểm như hầm đường bộ hiện đại Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; Cam Lâm – Vĩnh Hảo; hiện đang triển khai theo hình thức PPP các dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, TP.HCM – Chơn Thành; đào tạo các kỹ sư, tổ chức thi công hầm đường sắt Khe Nét (Quảng Bình)…
Lam Thanh