Hướng về phía biển

Hướng về phía biển
8 giờ trướcBài gốc
Trong suốt những năm qua, hướng phát triển kinh tế biển luôn được coi là một chiến lược quan trọng của quốc gia, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế, việc sáp nhập tỉnh, thành phố lần này, có tới 21 tỉnh, thành phố sẽ giáp biển sau khi sáp nhập - chiếm 62% trong tổng số các tỉnh, thành của cả nước - không chỉ khẳng định tầm quan trọng của chiến lược phát triển biển mà còn phản ánh quyết tâm lớn lao của Đảng và Chính phủ trong việc hướng tới phát triển bền vững, lâu dài từ nguồn tài nguyên biển.
Sự sáp nhập này không chỉ là bước đi chiến lược nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các vùng mà còn tạo ra một không gian phát triển rộng lớn, mở rộng diện tích đất đai, mở rộng không gian kinh tế, đặc biệt là các tỉnh, thành chưa có biển nhưng sẽ được liên kết với những khu vực ven biển. Đây là một quyết định hợp lý và kịp thời khi Việt Nam đang hướng đến việc khai thác tối đa các lợi thế từ biển, đặc biệt là các ngành kinh tế biển như vận tải biển, du lịch biển, nuôi trồng thủy hải sản, logis-tics, và các ngành công nghiệp khác.
Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố có biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng… không chỉ tạo cơ hội lớn cho những tỉnh này trong việc phát triển hạ tầng, giao thương, mà còn tạo ra một động lực phát triển mới cho các tỉnh khác vốn đang thiếu sự kết nối trực tiếp với biển. Sau sáp nhập, những tỉnh mới sẽ trở thành những địa phương ven biển, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, và đảm bảo an ninh quốc phòng vững chắc. Đây là một bước đi chiến lược trong việc phát triển không gian lãnh thổ, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các vùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các miền.
Một trong những lợi thế lớn của việc kết nối các tỉnh miền núi với các tỉnh ven biển chính là việc hình thành các trục kết nối Đông-Tây, từ miền biển ra các khu vực miền núi, tạo ra một không gian phát triển bền vững, lâu dài. Sự kết nối này không chỉ đơn thuần là sự liên kết về giao thông, mà còn là sự liên thông về dòng chảy kinh tế, văn hóa và lịch sử, giữa các khu vực đồng bằng và cao nguyên, giữa các vùng ven biển và nội địa. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một nền kinh tế toàn diện, phát triển một cách cân đối và bền vững.
Ngoài việc phát triển kinh tế, chiến lược phát triển hướng biển còn mang ý nghĩa quan trọng về bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, để chiến lược phát triển biển được thực hiện hiệu quả, không thể thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, các bộ ngành liên quan. Việc phát triển kinh tế biển cần phải đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển, tránh tình trạng khai thác tài nguyên biển quá mức dẫn đến ô nhiễm, suy thoái môi trường biển. Cùng với đó, việc phát triển các khu du lịch, resort ven biển cũng cần phải đảm bảo tính bền vững, không để biển trở thành "sân chơi" riêng của các nhà đầu tư, mà phải giữ cho biển là tài sản chung của cộng đồng.
Sự quyết tâm "hướng về phía biển" còn thể hiện trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước, hướng tới bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, đồng thời phát triển các ngành kinh tế biển gắn liền với lợi ích của cộng đồng và sự phát triển toàn diện của đất nước. Biển Việt Nam không chỉ là tài nguyên quý giá cho đất nước, mà còn là một phần không thể thiếu trong bản đồ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Huy Anh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/huong-ve-phia-bien-10304630.html