Hương vị thịt chua trên đất Tổ

Hương vị thịt chua trên đất Tổ
6 giờ trướcBài gốc
Du khách thích thú với sản phẩm thịt chua Phú Thọ.
Có nhiều nơi sản xuất thịt chua nhưng vị thịt chua Phú Thọ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu, khi đến đất Tổ ai cũng muốn đem về.Thịt chua có vị bùi bùi, béo béo của thịt lợn sạch kết hợp với thính rang thơm ngất ngây. Được chế biến từ những nguyên liệu dân giã với sự hòa quyện của các gia vị được tẩm ướp theo bí quyết gia truyền, trải qua quá trình lên men, một đặc sản của núi rừng đã được tạo nên bởi chính đôi bàn tay khéo léo của người dân Phú Thọ.
Chị Hồng, bán hàng tại khu vực đền Hùng chia sẻ: Không biết món thịt chua có nguồn gốc từ khi nào, chỉ biết rằng đây là món ăn không thể thiếu của người dân Phú Thọ. Nguyên liệu, chế biến khá dễ dàng, phần thịt để làm món ăn này chủ yếu là mông và bì lợn. Thịt sau khi mua về được treo trong tủ lưới để ráo nước, sau đó lọc hết phần mỡ, gân và thái mỏng. Phần bì lợn là đặc trưng giúp món ăn giòn nhưng công đoạn làm khá kỳ công. Bì lợn sau khi sơ chế sạch được áp qua trong chảo không dầu đến khi mặt ngoài hơi đổi màu trắng ngà. Sau đó bì lợn được rửa sạch lại, để ráo nước, thái mỏng, khi thái có màu trắng trong, trộn đều với phần thịt và ướp gia vị bao gồm: Tỏi, bột canh, mì chính… trong vòng một giờ đồng hồ. Khi phần thịt và bì đã ngấm gia vị thì cho thính là bột ngô xay vào trộn đều, cho nguyên liệu đã trộn đều vào các lọ, ống nứa đã chuẩn bị sạch sẽ trước đó và phủ kín lượt lá ổi và nilon bên trên tránh để không khí lọt vào. Thịt sẽ tự lên men trong vòng 3 đến 5 ngày tùy thời tiết… Bột thính ngô cũng là một trong những nguyên liệu quan trọng và không thể thiếu để làm nên món thịt chua đậm vị. Thính được làm từ ngô phơi khô sau đó nghiền thành bột và rang thơm. Ngày nay, bên cạnh thính ngô, người dân còn sử dụng thính gạo. Gạo làm thính là loại gạo nương thơm ngon, được rang với lửa vừa, đảo đều tay để không bị cháy. Khi nghiền thành bột, gạo có màu vàng đẹp và mùi thơm đượm. Thịt sau khi trộn với thính sẽ được đậy lại bằng vải sạch, không để bụi bẩn lẫn vào…
Điều kiện để thịt lên men tự nhiên và chuẩn vị là được để trong ống bương khô và phải để ở những nơi thoáng mát, sạch sẽ. Theo kinh nghiệm của những người làm thịt chua lâu năm, cây nứa khô có tính chất hút ẩm nên thịt khi đổ ra ráo, không ướt. Một số gia đình muốn ăn nhanh thì họ để trên gác bếp, hơi nóng của bếp lửa sẽ làm thịt chua nhanh. Bên cạnh những món ăn cổ truyền của dân tộc trong những ngày Tết, thịt chua ăn kèm rau mơ, lá sung là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người Phú Thọ.
Anh Hùng Cường, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh sau khi trải nghiệm món thịt chua cho biết: Được nghe nhiều về món ăn này nhưng lần đầu thưởng thức tại đất Tổ thấy rất ngon, tôi sẽ mua làm quà cho gia đình và bạn bè.
Sản phẩm thịt chua của Cơ sở sản xuất Thanh Sơn Foods.
Hiện nay, một số công ty đã có thương hiệu trên thị trường như: Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods, Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến thực phẩm Hồng Chi Foods, Cơ sở sản xuất Thanh Sơn Foods và một số cơ sở khác đã sản xuất món thịt chua với quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt sản phẩm được đựng trong ống nứa đẹp mắt, là món quà thân thiện với môi trường.
H.C
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/huong-vi-thit-chua-tren-dat-to-3176763.html