Hong phơi cỏ bàng. Ảnh: Nguyễn Phong
1. Sớm mai ở Thủy Xuân, ánh nắng nhẹ nhàng đậu trên những bó hương đỏ rực như những chồi lửa vừa nhú khỏi đất ẩm. Trong căn nhà nhỏ nép bên con đường dốc, bà Nguyễn Thị Hường lom khom cắm lại từng cây hương lên mẹt tre một cách tỉ mẩn. Trước sân, một cô gái trẻ tay cầm điện thoại lia lia, vừa hỏi bà từng chi tiết nhỏ để dựng clip giới thiệu sản phẩm. “Nó quay cho bà lên mạng, nói là người nước ngoài mê lắm. Có khi chưa thấy mùi hương mà đã đặt cả trăm bó rồi”, bà cười móm mém, mắt ánh lên niềm vui khó giấu.
Câu chuyện tưởng chừng phi lý ấy giờ đã trở nên quen thuộc ở nhiều làng nghề truyền thống của Huế. Những nơi từng tưởng chỉ còn trong sách vở, ký ức, nay đang hồi sinh bằng cách không ai ngờ tới: Bước lên không gian số, nơi những chiếc điện thoại, mạng xã hội trở thành chiếc cầu nối đưa nghệ nhân đến với thế giới…
Huế vốn nổi tiếng với những làng nghề đậm dấu ấn văn hóa trầm mặc. Làng gốm Phước Tích bên dòng Ô Lâu hiền hòa với men đất mộc mạc; làng hoa giấy Thanh Tiên nơi những cánh hoa giấy được làm thủ công nhẹ nhàng, tinh tế suốt nhiều thế hệ; tranh dân gian làng Sình, nơi mỗi tờ tranh là một lát cắt văn hóa dân gian Huế sống động và Phường Đúc (cũ) - cái nôi nghề đúc đồng trăm năm… Mỗi làng nghề không chỉ là nơi lưu giữ kỹ thuật truyền thống, mà còn là bức tranh tâm hồn của vùng đất Cố đô, một kho tàng ký ức và tình yêu nghề bền bỉ qua bao thăng trầm.
Trong từng sản phẩm thủ công ấy, người ta tìm thấy không chỉ sự tinh xảo của đôi bàn tay mà còn là cả một câu chuyện, sự trân trọng với nghề truyền thống. Thế nhưng, chính cái đẹp thủ công và sự “làm bằng tay, sống bằng tâm” ấy lại trở thành thử thách trong thời đại số. Khi thế giới mua bán qua những cú click chuột, những khung hình lung linh trên màn hình thì những sản phẩm tỉ mỉ làm ra cả tuần, cả tháng lại khó chen chân vào thị trường. Không phải vì kém chất lượng, mà vì câu chuyện đằng sau sản phẩm không được kể, không được tiếp cận đến người tiêu dùng ngày càng quen sống nhanh, chọn nhanh.
Cây bàng Phò Trạch (phường Phong Dinh) đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương. Ảnh: Lê Đình Hoàng
Vài năm nay, “lớp bụi” ấy được phủi đi không bằng chiến dịch ồn ào, mà bằng những thay đổi lặng lẽ, kiên trì, bắt đầu từ chính người làm nghề và sự đồng hành của công nghệ.
Ở làng tranh Sình, người dân đã tìm cách đưa nghề đến gần hơn với công chúng, không chỉ bằng sản phẩm bán sẵn mà còn tạo ra trải nghiệm thủ công cho du khách - từ việc in tranh, tô màu đến lựa chọn bản mộc, giúp mỗi người có thể mang về một kỷ niệm sống động. Những chiếc tranh nhỏ, khuôn gỗ sờn cũ và vài lọ màu thô sơ trở thành cây cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, vừa giữ được hồn cốt xưa, vừa mở ra hướng phát triển mới.
Phường Đúc (cũ) dù chưa lan tỏa rầm rộ trên mạng xã hội nhưng các nghệ nhân vẫn chủ động chia sẻ hình ảnh, kỹ thuật trên facebook, nhóm kết nối du khách. Từ những đại hồng chung, tượng đồng đến vật phẩm lưu niệm tinh xảo, từng chi tiết đều được giới thiệu với sự tự hào và nỗ lực thích nghi.
Làng hoa giấy Thanh Tiên cũng hòa mình vào xu thế số hóa. Những video ngắn trên tiktok ghi lại khoảnh khắc nghệ nhân tỉ mẩn cắt từng cánh hoa, dán từng nhụy, không chỉ thể hiện sự khéo léo mà còn lan tỏa niềm đam mê, lòng trân trọng nghề truyền thống. Dù tên tuổi nghệ nhân có thể chưa nổi bật, nhưng những bông hoa giấy ấy trở thành biểu tượng sống động của sự kiên trì, sáng tạo và tình yêu văn hóa quê hương.
Sản phẩm làm từ cỏ bàng. Ảnh: Lê Thọ
Những lát cắt nhỏ ấy đang tạo nên một cuộc hồi sinh âm thầm. Khi công nghệ không còn là rào cản mà là cánh tay nối dài, giúp bàn tay thạo nghề tiếp cận người dùng nhanh nhạy hơn. Mạng xã hội, website, livestream không còn là thứ xa xỉ mà trở thành chiếc cầu để nghề truyền thống chạm tới trái tim thế hệ mới.
Theo số liệu từ UBND TP. Huế, hơn 40% cơ sở làng nghề đã bước đầu áp dụng chuyển đổi số. Nhiều nghệ nhân học cách quay clip, dựng video, tạo fanpage quảng bá sản phẩm. Dù đôi khi clip còn mộc mạc, rung lắc, lời nói chân thật nhưng lại chạm đến lòng người bằng tình yêu nghề chân chất.
Sự hồi sinh ấy không ồn ào, không đồng loạt, nhưng diễn ra từng ngày, trong từng nghệ nhân.
2. Bây giờ, mỗi sản phẩm đặc trưng của Huế trở thành sản phẩm OCOP được gắn mã QR, có video kể chuyện nghề, có cả lộ trình logistics đến tay khách hàng. Nghề cũ, nhưng cách làm thì mới. Chuyển đổi số với sản phẩm OCOP không phải là cơn sóng ào ạt. Nó đến từ những thay đổi nhỏ, một cách chụp ảnh mới, một dòng mô tả sản phẩm thật hơn, một clip kể chuyện làm nghề. Nhưng những giọt nước nhỏ ấy đang tích lại thành mạch ngầm lan xa.
Giữa nhịp sống hiện đại đầy hối hả, những sản phẩm OCOP như, sâm Bố Chính Hoàng Gia hay gia vị bún bò YesHue đã bắt đầu một hành trình mới đó là số hóa và kết nối với thế giới qua mạng xã hội.
Không còn mang tính truyền thống, từng sản phẩm được đưa lên không gian số với những câu chuyện đầy cảm xúc và hình ảnh sống động. Chỉ một đoạn video ngắn, một bài đăng giản dị trên facebook hay tiktok thôi cũng đủ để bao người xa gần hiểu được tấm lòng của người làm nghề - sự tỉ mỉ, công phu trong từng khâu chọn lựa nguyên liệu, pha chế gia vị hay đun sắc sâm. Từ những bông hoa sâm Bố Chính được trồng ở vùng rẻo cao A Lưới, ngậm mật ong ngọt ngào đến vị thơm nồng của gia vị bún bò YesHue, tất cả như được kể lại bằng ngôn ngữ của thời đại mới, dễ chạm tới trái tim người dùng, dễ lan tỏa tình yêu với sản phẩm và văn hóa truyền thống.
Trong ánh sáng của màn hình điện thoại, từng gói gia vị bún bò, từng hộp trà sâm không chỉ đơn thuần là sản phẩm nữa, mà là minh chứng cho sự đổi thay, cho sức sống mãnh liệt của những làng nghề Huế, vẫn lưu giữ cốt cách xưa, vẫn vẹn nguyên tình người, nhưng cũng không ngừng đổi mới, để những giá trị truyền thống ngày càng được trân quý và phát huy.
Dẫu vậy, hành trình ấy còn lắm nhọc nhằn. Nhiều nghệ nhân vẫn thiếu thiết bị, thiếu kỹ năng cơ bản để vận hành kênh bán hàng online. Có làng còn chật vật vì kết nối mạng yếu, giao thông khó, chi phí logistics cao. Không ít người trẻ trở về rồi lại đi vì không đủ lực để gánh cả “di sản” lẫn cơm áo.
Chính quyền TP. Huế cũng nhìn thấy điều đó. Những năm qua, nhiều lớp tập huấn về kỹ năng số đã được tổ chức miễn phí cho nghệ nhân. Từ cách chụp ảnh sản phẩm, viết nội dung giới thiệu, đến thao tác đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt... Một số làng nghề được chọn thí điểm số hóa toàn diện, từ hồ sơ nghệ nhân, lịch sử hình thành nghề đến bản đồ số. Huế cũng đang triển khai đề án thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số cho làng nghề, nơi không chỉ cung cấp giải pháp kỹ thuật, mà còn tư vấn chiến lược, kết nối thị trường và đào tạo nguồn nhân lực. Một hệ sinh thái dần được hình thành, để nghề không chỉ sống lại, mà sống bền vững.
Nói cho cùng, không gian số không thay thế hồn nghề. Nó chỉ là cây cầu để truyền thống bước qua bờ bên kia của thời đại. Mỗi làng nghề, mỗi sản phẩm thủ công truyền thống Huế giờ không còn là “vật phẩm” để bán mà là một “trải nghiệm” để kể, một câu chuyện để người khác tìm đến, lắng nghe, và giữ lấy.
Quỳnh Viên