Tử vong gấp 10 lần tai nạn giao thông
Thông tin trên được Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước ASEAN, do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tổ chức ngày 4/11.
“Trong 1 ca ung thư phổi, bác sĩ phẫu thuật toàn bộ thùy phổi đen kịt do khói ám. Tôi từng tham gia rửa phế quản cho người hút thuốc lá, dịch rửa đen như nước cống. Đây là sản phẩm từ hắc in tích trữ lại trong suốt thời gian 10-20 năm hút thuốc”, bác sĩ Khoa nói.
Theo vị chuyên gia này, mỗi năm trên thế giới có 8 triệu ca tử vong do tác hại thuốc lá, trong đó 1 triệu người ảnh hưởng từ hút thụ động.
Ở Việt Nam, chúng ta ghi nhận 25 bệnh liên quan trực tiếp tới thuốc lá như đột quỵ, bệnh mạch vành, tim mạch, ung thư... Các nghiên cứu về lâm sàng cho thấy 96,8% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc. Con số tử vong trực tiếp khoảng 104.300 người trong đó 85.500 ca do hút chủ động, gần 19.000 ca do thụ động. Ông Khoa thông tin con số tử vong do thuốc lá gây ra gấp hơn 10 lần tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Trọng Khoa phát biểu tại hội thảo.
Ngoài ra, tại nước ta, chi phí mua thuốc lá là 49.000 tỷ đồng, bằng 1/2 quỹ chi cho bảo hiểm y tế (BHYT). Tổng tiền chi cho các bệnh liên quan tới thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.
Sau hơn 10 năm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đi vào thực tế, tỷ lệ người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) hút thuốc lá đã giảm. Năm 2015, tỷ lệ là 22,5%, trong đó, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá chiếm 45,3%, nữ giới chiếm 1,1%. Năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá chiếm 20,2% trong đó nam giới là 38,9% và nữ giới là 1,5%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN chỉ sau Indonesia và Philippines.
Nỗi lo từ thuốc lá điện tử
Những tác hại của thuốc lá truyền thống chưa được giải quyết triệt để, vài năm trở lại đây, thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) cùng sản phẩm lai tạo giữa 2 loại trên bắt đầu xuất hiện tại nước ta gây thêm gánh nặng cho sức khỏe cộng đồng.
Ông Khoa cho biết, thống kê năm 2023 từ trên 700 cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước có 1.224 ca bệnh nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN. Hút thuốc lá thế hệ mới nguy cơ gây ngộ độc cấp tính, tổn thương phổi, tử vong nhanh chóng. Ngoài ra, các sản phẩm này còn chứa các chất hóa học, thậm chí ma túy thế hệ mới. Các hóa chất thay đổi hằng ngày, phòng thí nghiệm cũng khó phát hiện.
Ông Ulysses Dorotheo - Giám đốc điều hành Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) cho rằng, thuốc lá thế hệ mới cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tại Philippines từng ghi nhận thanh niên 22 tuổi tử vong do tổn thương phổi cấp sau 2 năm liên tục hút thuốc lá điện tử.
Ngành công nghiệp thuốc lá còn sử dụng khoảng 15.000 hương liệu có mùi vị hoa quả, kem, kẹo cao su thu hút người trẻ, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Việc mua TLĐT lại dễ dàng trên các nền tảng bán hàng online, mạng xã hội nên sản phẩm này đang trở thành nỗi lo cho sức khỏe thế hệ trẻ.
Điều 5.3, Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về phòng chống tác hại thuốc lá quy định rất rõ: "Các quốc gia thành viên có trách nhiệm xây dựng các quy định cụ thể cho nước mình, nhằm bảo vệ các chính sách kiểm soát thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá,… thúc đẩy xã hội không nhận tài trợ hay hỗ trợ của các doanh nghiệp thuốc lá, không được hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc trợ cấp cho ngành công nghiệp thuốc lá…".
Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm TLĐT luôn được quảng cáo với hình ảnh diễn viên, thanh niên trẻ, đẹp. TLĐT thu hút giới trẻ bằng hình ảnh tiếp thị là những người hút thuốc có vẻ ngoài sành điệu, nhả khói các màu khác nhau.
Ông Dorotheo cho rằng, chúng ta nên nhanh chóng có các biện pháp tăng thuế thuốc lá đồng thời không cấp phép các sản phẩm TLĐT, TLNN, giảm số người hút và tác hại từ thuốc lá.