HUTECH: Doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm nhưng nghiên cứu khoa học chưa đến 1%

HUTECH: Doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm nhưng nghiên cứu khoa học chưa đến 1%
6 giờ trướcBài gốc
Thông tin từ website Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) nêu, nhà trường có tiền thân là Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập ngày 26/4/1995 theo quyết định số 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đi vào hoạt động theo Quyết định số 2128/QĐ-GDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tầm nhìn của HUTECH là trường đào tạo đa ngành các bậc học từ trình độ đại học đến tiến sĩ với các chương trình đào tạo và hệ thống quản lý tiên tiến, lấy người học làm trung tâm, nhằm đạt mục tiêu trở thành một trong những trường đại học hàng đầu trong hệ thống giáo dục Việt Nam và được quốc tế công nhận.
Hiện tại, Tiến sĩ Kiều Xuân Hùng là Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc là Hiệu trưởng nhà trường.
Giảng viên có chức danh giáo sư chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chưa đến 1%
Thông báo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2023-2024 của HUTECH cho thấy, tổng số giảng viên theo lượt tham gia giảng dạy từng ngành là 2.091 thầy cô, trong đó có 18 giảng viên có chức danh giáo sư, 70 phó giáo sư, 425 tiến sĩ, 1.428 thạc sĩ và 150 thầy cô có trình độ đại học.
Theo tìm hiểu thông báo công khai về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2023-2024 tổng số giảng viên giảm 26 thầy, cô so với năm học trước. Trong đó, giảng viên có chức danh giáo sư giảm 1 người, phó giáo sư giảm 14 người, tiến sĩ giảm 29 người, giảng viên có trình độ đại học giảm 4 người.
Về sự thay đổi nêu trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông HUTECH chia sẻ, theo báo cáo công khai năm học 2022-2023 và 2023-2024, danh sách đội ngũ giảng viên cơ hữu được tính trên lượt giảng dạy.
"Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non nêu: “Mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo được xếp vào một hoặc nhiều ngành trong một hoặc nhiều lĩnh vực đào tạo phù hợp với chuyên môn với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo”.
Sự thay đổi trên là do thay đổi lượt phân công giảng dạy. Thống kê đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường cụ thể như sau: Năm học 2022-2023 có 1841 giảng viên cơ hữu gồm 17 giáo sư, 45 phó giáo sư, 265 tiến sĩ, 1367 thạc sĩ, 147 đại học. Năm học 2023-2024 có 1924 giảng viên cơ hữu gồm 12 giáo sư, 47 phó giáo sư, 287 tiến sĩ, 1426 thạc sĩ, 150 đại học.
Như vậy, số lượng giảng viên cơ hữu trong hai năm học gần nhất đã có sự gia tăng và thay đổi. Nguyên do là một số giảng viên là giáo sư, phó giáo sư đã đến tuổi nghỉ hưu, và một số giảng viên đã được phong học hàm mới", Thạc sĩ Xuân Dung cho hay.
Giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh qua hai năm học theo số liệu nhà trường cung cấp.
Theo số liệu nhà trường cung cấp, năm học 2023-2024, số giảng viên có chức danh giáo sư chiếm 0,62%; phó giáo sư chiếm 2,44%; tiến sĩ chiếm 14,9%; thạc sĩ chiếm 74,1%; giảng viên trình độ đại học chiếm 7,79%. Như vậy có thể thấy, số giảng viên có chức danh giáo sư chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số giảng viên Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Thạc sĩ Xuân Dung nhìn nhận, việc thu hút, giữ chân giảng viên có trình độ cao về làm việc là định hướng chung của các trường đại học trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng có những khó khăn nhất định do các cơ sở giáo dục đại học đang ngày càng tăng cường đầu tư cho đội ngũ giảng viên với chế độ đãi ngộ rất tốt, tạo sự cạnh tranh trong việc thu hút các giảng viên có trình độ cao ngày càng lớn.
Cơ cấu giảng viên HUTECH năm học 2023-2024, số liệu nhà trường cung cấp.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông HUTECH cho biết thêm, tỷ lệ giảng viên cơ hữu trình độ tiến sĩ trở lên/ tổng giảng viên cơ hữu là 348/1924, đạt 18,1%.
Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn cơ sở giáo dục đại học (có hiệu lực từ 22/3/2024) quy định ở Điểm b, Tiêu chí 2.3, Tiêu chuẩn 2 như sau: “Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ”.
Tiêu chí 3.2, Thông tư số 01 cũng yêu cầu, ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt. Theo đó, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian được bố trí diện tích và bàn ghế làm việc riêng biệt tại cơ sở giáo dục đại học, trong phòng chung hoặc riêng nhưng không ít hơn 6m2 cho mỗi người.
Về điều kiện làm việc thực tế của giảng viên tại HUTECH, Thạc sĩ Xuân Dung thông tin, giảng viên ngoài không gian sinh hoạt tại khoa/ bộ môn còn có thể sinh hoạt trong các không gian chung tại Trường bao gồm: văn phòng làm việc, phòng họp và thảo luận, phòng nghiên cứu, khu vực nghỉ ngơi và sinh hoạt chung, thư viện và tài nguyên học liệu, không gian phòng học đa chức năng. Các không gian đều được bố trí thoáng mát, rộng rãi, yên tĩnh với đầy đủ trang thiết bị, các tài liệu cần thiết để phục vụ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, giao lưu của giảng viên.
Nhà trường luôn chú trọng vào tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo cho giảng viên thực hiện tốt công tác chuyên môn và những công tác khác. Trong đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng phần lớn nhu cầu của giảng viên là một trong những định hướng quan trọng. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng không gian làm việc cho giảng viên, đáp ứng quy định 6m2/giảng viên, để các thầy cô thoải mái hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Theo tiêu chí 3.1, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT chuẩn cơ sở giáo dục đại học: Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.
Biểu mẫu công khai thông tin về cơ sở vật chất năm học 2023-2024 của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, diện tích đất/ sinh viên có tỷ lệ là 2,05 m2 (tức là mới đạt khoảng 8% so với chuẩn).
Phóng viên băn khoăn nhà trường đã và đang có lộ trình đảm bảo yêu cầu diện tích này theo chuẩn? Khi chưa đạt chuẩn thì nhà trường dự kiến sẽ đảm bảo chất lượng ra sao?
Về vấn đề này, Thạc sĩ Xuân Dung lý giải: "Tiêu chí chuẩn cơ sở giáo dục đại học về diện tích đất/sinh viên có tỷ lệ là 2,05m2/sinh viên là cách tính theo Thông tư cũ. Áp dụng cách tính theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, diện tích đất của HUTECH là 69.395,3 m2, quy mô sinh viên là 33.984 người. Theo quy đổi, diện tích đất/sinh viên của trường hiện là 4,4 m2.
Việc đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập là một trong những mục tiêu quan trọng của Nhà trường nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong những năm qua, trường đã có nhiều chính sách để đáp ứng mục tiêu này như không ngừng đầu tư ngân sách nâng cấp cơ sở vật chất, trong đó chú ý xác định ưu tiên đầu tư cho các hạng mục cần thiết như hệ thống phòng học, trung tâm thực hành - thí nghiệm, thư viện, và khu vực sinh hoạt như phòng tự học; trang bị đầy đủ trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ tốt nhất cho giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên. Các hoạt động kiểm tra, bảo trì cũng thực hiện thường xuyên để giữ gìn và kịp thời nâng cao chất lượng cơ sở vật chất", Thạc sĩ Xuân Dung nhấn mạnh.
Như vậy, tiêu chí về diện tích đất/sinh viên của HUTECH mới đạt khoảng 17,6%.
Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ chiếm 0.87%
Theo tổng hợp số liệu từ báo cáo ba công khai các năm học của HUTECH cho thấy, giai đoạn từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024 tổng thu của nhà trường có xu hướng tăng. Cụ thể:
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021, nhà trường thu 989 tỷ đồng; năm học 2021-2022 có tổng thu là 1.044 tỷ đồng. Đến năm học 2022-2023, nhà trường có tổng thu là 1.145 tỷ đồng.
Theo thông báo công khai tài chính của HUTECH năm học 2023-2024, tổng thu của trường là 1.260 tỷ đồng. Trong đó, nhà trường thu 1.235 tỷ đồng từ học phí, 11 tỷ đồng từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, 14 tỷ đồng từ nguồn hợp pháp khác.
Có thể thấy, nguồn thu từ học phí chiếm 98,01% tổng thu của trường. Trong khi đó, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ chiếm 0,87%; thu từ nguồn hợp pháp khác chiếm 1,11% so với tổng thu của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ cấu nguồn thu của HUTECH.
Phóng viên băn khoăn, nhà trường đang gặp khó khăn gì trong việc đa dạng hóa nguồn thu, đồng thời tăng các nguồn thu khác ngoài học phí? Về vấn đề này, Thạc sĩ Xuân Dung cho hay: "Tương tự như nhiều trường đại học khác, nguồn thu chính của nhà trường đến từ học phí. Đồng thời, trường thực hiện các kế hoạch tìm kiếm và khai thác nhiều nguồn thu khác nhau để đa dạng hóa nguồn thu, song dĩ nhiên không tránh khỏi việc gặp một số khó khăn.
Có nhiều nguyên do, trong đó một yếu tố quan trọng là việc tìm kiếm và khai thác các nguồn thu khác như nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các dự án tài trợ quốc tế, hợp tác đào tạo quốc tế, hợp tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và đóng góp của cựu sinh viên hay hiến tặng chưa thực sự phổ biến. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính của giáo dục đại học còn khá phức tạp nên cũng dẫn đến sự hạn chế nhất định".
Theo tiêu chí 6.1, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT chuẩn cơ sở giáo dục đại học: Tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.
Phóng viên đặt câu hỏi: "Tính đến năm 2025 khi bắt đầu phải tiến hành báo cáo theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT, nhà trường dự kiến có thể đạt được con số 5% nguồn thu đến từ nghiên cứu khoa học và công nghệ không? Và kế hoạch của nhà trường triển khai trong thời gian tới đây như thế nào để tiến tới đạt được Chuẩn này?".
Giám đốc Trung tâm Truyền thông HUTECH trả lời: "HUTECH xác định là trường đại học theo định hướng ứng dụng cao. Do đó, các công trình nghiên cứu khoa học mang tính chuyển giao công nghệ ra thực tế của nhà trường còn hạn chế nhất định so với các trường đại học theo định hướng nghiên cứu.
Tuy nhiên, nhà trường vẫn xác định mục tiêu dự kiến là đạt được con số 5% nguồn thu đến từ nghiên cứu khoa học và công nghệ. Để làm được điều đó, trong những năm qua trường đã đầu tư ngày càng mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu khoa học.
Cụ thể, trường thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện các đề tài nghiên cứu chất lượng cao, hướng đến thực tiễn. Trường có các đơn vị như Viện Công nghệ cao HUTECH, Viện Công nghệ CIRTech tập trung phát triển chuyên sâu, liên kết chặt chẽ với mạng lưới các tổ chức khoa học, doanh nghiệp nhằm triển khai các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, từng bước làm chủ và tiến tới đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thêm vào đó, trường đã và đang xây dựng hệ thống chính sách hoàn thiện, tạo ra cơ chế, môi trường tốt nhất để đảm bảo phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học".
Tuệ Nhi
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/hutech-doanh-thu-hon-1000-ty-dongnam-nhung-nghien-cuu-khoa-hoc-chua-den-1-post246563.gd