Chiều 2/1, ông Phan Đình Đức, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình NN&PTNT TP Đà Nẵng cho biết đơn vị này đang phối hợp cùng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và Quản lý bãi biển du lịch thành phố, xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bãi biển du lịch Mỹ Khê (quận Sơn Trà).
“Cụ thể, chúng tôi sẽ huy động nhân lực, vật lực tại chỗ. Các vị trí sạt lở được xử lý và gia cố tạm bằng bao tải cát, xếp trong rọ sắt nhằm ngăn chặn sóng biển xâm thực nặng hơn. Tùy theo vị trí sạt lở mà các lớp rọ bao cát sẽ được xếp chồng 2-3 lớp, phía bên trong được đắp cát và phủ vải địa kỹ thuật nhằm chống sóng đánh xói”, ông Đức thông tin thêm.
Theo tinh thần vừa kể, suốt từ sáng đến chiều nay (2/1), hàng trăm người thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng, đội ngũ công nhân, người dân phường Phước Mỹ đã được các ngành chức năng TP Đà Nẵng huy động đến hiện trường, tập trung khắc phục, xử lý các điểm sạt lở tại dọc bờ biển Mỹ Khê.
Cắm biển báo khu vực sạt lở nghiêm trọng để cảnh báo cho người dân và du khách.
Cát được bỏ vào bao sau đó đóng thành từng rọ, xếp chồng lên nhau tạo thành bờ kè để ngăn sóng biển đánh phá bờ.
Hơn 200m bờ biển bị sạt lở, xâm thực gây thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng và 3 cơ sở kinh doanh ven biển.
Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình NN&PTNT TP Đà Nẵng, do khối lượng sạt lở lớn, kéo dài và xuất hiện nhiều điểm, nên việc xử lý, gia cố dự kiến hoàn thành trước ngày 6/1.
Về giải pháp lâu dài, ông Đức cho biết thành phố đã có dự án kiên cố bờ biển bằng kè bê tông. Tuy nhiên do đây là bãi biển du lịch, đòi hỏi đảm bảo mỹ quan nên cần cân nhắc các giải pháp bê tông cứng.
“Các vị trí sạt lở không cố định mà thay đổi thất thường theo từng năm. Hơn nữa, khu vực xảy ra sạt lở trải dài trên đoạn bờ biển hơn 200 m từ ngã ba Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Văn Thoại đến Võ Nguyên Giáp – Võ Văn Kiệt, nên giải pháp căn cơ đang được xem xét và nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra phương án cuối cùng”, ông Đức cho hay.
Đến chiều 2/1, hàng trăm mét kè cát gia cố, ngăn biển xâm thực tạm thời đã được hoàn thành.
Cùng ngày, Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết để đảm bảo phương án triển khai gia cố, bảo vệ bãi biển phù hợp với hiện trạng cũng như hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến bờ biển, Sở đã đề xuất UBND TP Đà Nẵng chưa triển khai giải pháp cứng như dự kiến trong hồ sơ chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, mà nghiên cứu chuyển sang áp dụng các giải pháp mềm.
Với mục tiêu bảo vệ bãi biển và hạ tầng kỹ thuật tuyến đường ven biển trong điều kiện cực đoan, đồng thời hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng của các giải pháp xử lý đến hoạt động du lịch trên bãi biển, cần nghiên cứu sử dụng các giải pháp mềm như trồng bổ sung cây dừa, cây phi lao trên bờ biển, bố trí các cấu kiện bê tông ngầm dưới bãi cát...
Hoài Thu