Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: TẤN PHÁT
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023 và báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, tổng số hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ là 1.071 hộ với tổng kinh phí thực hiện trên 45 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương; tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ là 5.502 hộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng 2 phương án hỗ trợ trình Ban Chỉ đạo gồm: phương án 1: mức hỗ trợ cho xây mới là 60 triệu đồng/căn và sửa chữa là 30 triệu đồng/căn với tổng kinh phí thực hiện là trên 318 tỷ đồng từ nguồn Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và nguồn huy động thông qua Quỹ Vì người nghèo của tỉnh; phương án 2: mức hỗ trợ cho xây mới là 70 triệu đồng/căn và sửa chữa là 35 triệu đồng/căn với tổng kinh phí thực hiện là trên 372 tỷ đồng từ nguồn Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và nguồn huy động thông qua Quỹ Vì người nghèo của tỉnh. Bên cạnh đó, tổng số hộ thuộc đối tượng hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2025 là 479 hộ với kinh phí dự kiến 21 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 19 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh đối ứng trên 1,9 tỷ đồng).
Tại cuộc họp, các đại biểu có nhiều ý kiến trao đổi, tháo gỡ khó khăn tập trung vào các nội dung như: cần thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; thành lập bộ máy giúp việc cho ban chỉ đạo; kiến nghị ban chỉ đạo tỉnh cho phép các địa phương thẩm tra, xác minh để tránh trường hợp bỏ sót hoặc sai đối tượng; cần có số liệu chính xác về số hộ nhà tạm, dột nát; cần phải đa dạng về thiết kế mẫu nhà; cần xây dựng các tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát; về phương thức triển khai…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh, để việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, cả hệ thống chính trị phải tập trung triển khai thực hiện với tinh thần quyết liệt, chặt chẽ, sáng tạo, triển khai lồng ghép, kết hợp với các chương trình, dự án khác. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ban ngành cấp tỉnh cần tập trung giải ngân các nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; có sự phối hợp trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi về đất xây dựng nhà cho các đối tượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là đối tượng được thụ hưởng. Đồng thời, các địa phương cần tập trung rà soát đầy đủ các đối tượng được hỗ trợ, đảm bảo không bỏ sót đối tượng; thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, xã do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban, đồng thời xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động, phân công công việc cho từng thành viên. Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy cũng thống nhất phương án mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 60 triệu đồng/căn xây mới và 30 triệu đồng/căn sửa chữa và đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của các đại biểu để hoàn chỉnh các dự thảo trình Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành.
TẤN PHÁT