Huy Khánh khác lạ trong 'Viên đạn bọc đường'

Huy Khánh khác lạ trong 'Viên đạn bọc đường'
10 giờ trướcBài gốc
Từ trái sang: Huy Khánh, Trần Kim Hải và Mi Lê trong vở kịch "Viên đạn bọc đường"
Tối 4-7, không khí Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân" lần V năm 2025 đã thu hút đông khán giả đến xem và cổ vũ cho vở kịch của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM - vở "Viên đạn bọc đường" (tác giả: Thạc sĩ sân khấu Đái Đại Lộc, đạo diễn: Thạc sĩ - nghiên cứu sinh Mi Lê, cố vấn nghệ thuật: NSƯT Thạc sĩ Lê Nguyên Đạt.
Đề tài chống tham nhũng
Sân khấu TP HCM một lần nữa trở nên nóng bỏng tại liên hoan khi tham dự với vở kịch "Viên đạn bọc đường" – một tác phẩm đầy sức nặng về đề tài chống tham nhũng, được dẫn dắt bởi nhân vật trung tâm: Thượng tá Hạ Vi (vai của Mi Lê), người phụ nữ dấn thân không khoan nhượng giữa vòng xoáy quyền lực, đạo đức và những cú bắt tay ngọt ngào nhưng chết người.
Từ trái sang: Mi Lê, NSƯT Hoàng Tùng, Hiền Nhi trong vở kịch "Viên đạn bọc đường"
Không cần lớp trang trí hoa mỹ, vở diễn xoáy thẳng vào cuộc đối đầu gay gắt giữa Hạ Vi và người bạn thân – một người nắm quyền lực về kế hoạch tái định cư của người dân vùng ven TP nhưng lại bị tha hóa, nhận hối lộ của doanh nghiệp để biến nơi tái định cư thành chung cư cao cấp, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp khiến người dân khốn đốn. Bằng chất kịch đối thoại căng như dây đàn, người xem bị cuốn vào những cuộc tranh luận sắc lạnh, nơi những con số trở thành bằng chứng, và sự im lặng lại là hình thức thú nhận rõ ràng nhất.
Diễn viên Huỳnh Thanh Khang diễn vai phản diện cực kỳ tinh tế, bên cạnh Huy Khánh lột tả được thần thái vai Minh Trí - một cán bộ biến chất
"Anh không thay đổi thành phố này, anh chỉ đã thay đổi chính anh. Từ một người luôn nói về công bằng, giờ đây, anh thỏa hiệp với lọc lừa" – câu thoại của Hạ Vi vang lên như một nhát dao xé toang lớp sơn đạo đức phủ ngoài những công trình "có vẻ thành công".
Không phải kẻ ác điển hình
Điểm đặc biệt ở vở kịch là không tạo ra một tuyến phản diện đơn giản. Người đàn ông – đối tượng bị truy vấn – không phải là "kẻ ác" điển hình. Anh ta lý giải, biện minh, thậm chí đau đớn. Anh tự nhận sai, tự chìa tay chờ còng số 8 – không vì nhận ra lỗi, mà vì biết mình đã mất tất cả: lý tưởng, niềm tin và anh đã tìm đến Hạ Vi để nhờ cô giúp đỡ.
Diễn viên Trần Kim Hải - vai chiến sĩ công an thương người dân, hết lòng chăm lo cho người dân chống lũ
Đằng sau sự đối đầu này là cả một bức tranh xã hội đậm màu hiện thực: nơi mà "những người nghèo bên dòng sông ấy vẫn phải chịu cảnh khốn cùng, không phải vì họ bất tài, mà vì những người như Minh Trí (vai của Huy Khánh)". Đây không còn là câu chuyện của một cá nhân, mà là lời cảnh báo nhức nhối về sự thỏa hiệp trong cái gọi là phát triển trong thời kỳ đổi mới.Thượng tá Hạ Vi hiện lên như hình tượng một chiến binh không chỉ thực thi pháp luật, mà còn đại diện cho tiếng nói của lương tri giữa một xã hội mà đạo đức nhiều khi phải gác sau "hiệu quả kinh tế".
Cô không phải mẫu nhân vật lý tưởng hóa. Cô đau, cô mâu thuẫn nhưng chọn không thỏa hiệp. "Viên đạn bọc đường" không kêu gọi sự giận dữ. Nó kêu gọi nhận thức. Bởi chính sự im lặng – sự ngọt ngào đầy dụ hoặc – mới là "viên đạn" thực sự.
Từ trái sang: NSƯT Lê Nguyên Đạt, NSND Lê Tiến Thọ, NSND Lê Chức, đạo diễn Mi Lê và tác giả - thạc sĩ sân khấu Đái Đại Lộc sau đêm diễn vở "Viên đạn bọc đường"
Cái nhìn sắc sảo về cám dỗ quyền lực và bản lĩnh chiến sĩ công an
Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an lần thứ V - năm 2025 đã ghi dấu bằng nhiều tác phẩm chất lượng, trong đó vở diễn "Viên đạn bọc đường" nổi bật như một trường hợp giàu cảm xúc và tính thời sự, tạo được dư âm sâu sắc về đạo đức công vụ, bản lĩnh nghề nghiệp và những lằn ranh mong manh giữa đúng – sai trong đời sống xã hội hôm nay.
Ẩn dụ "viên đạn bọc đường" được triển khai sâu sắc trong toàn bộ cấu trúc kịch. Đó không chỉ là hình ảnh về sự cám dỗ của quyền lực, vật chất, mà còn là thông điệp nhức nhối về những sai phạm hiện nay – khi không ít quan chức xuất phát từ khát vọng cống hiến, nhưng đã bị những áp lực vô hình, mục tiêu ngụy trang bởi lý tưởng tốt đẹp cuốn vào guồng quay tha hóa.
Lê Minh Trí là một hình tượng điển hình: một cán bộ trẻ, nhiệt huyết, muốn phát triển địa phương nhưng vì ngộ nhận, vì không vượt qua được cám dỗ – đã đánh mất chính mình trong những lớp vỏ ngọt ngào của danh vọng và cơ chế.
Các diễn viên tham gia trong vở kịch "Viên đạn bọc đường"
Vở diễn cũng cho thấy sự lặng lẽ nhưng không thể thay thế của người chiến sĩ công an trong hành trình bảo vệ công lý. Trong họ luôn có những giằng xé, những lựa chọn sinh tử giữa đạo đức, tình cảm và lý trí. "Viên đạn bọc đường" chính là cái giá mà xã hội phải trả khi bỏ qua những cảnh báo, đồng thời cũng là phép thử với từng người thực thi pháp luật: dám bắn ra viên đạn ấy hay không, và có đủ bản lĩnh để không bị nó bọc kín chính mình.
Tuy nhiên, trong diễn xuất, Mi Lê tiết chế kiểu thoại lên gân, từ cơ quan cho đến khi về nhà, gặp lại bạn cũ, điện thoại với chồng đang công tác xa, cô vẫn thoại kiểu giáo diều. Giá mà cách thoại đời hơn, chân thật hơn sẽ tạo hiệu quả tốt hơn cho vở.
Vở kịch là một tác phẩm đại diện cho Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM - chiếc nôi đào tạo nhiều nghệ sĩ tài hoa cho sân khấu, điện ảnh, truyền hình khu vực phía Nam, minh chứng cho nỗ lực giảng dạy hướng đến chuẩn mực trong giáo trình và cả cách tiếp cận công chúng từ vở diễn được đầu tư nghiêm túc.
Vở đã tạo đất diễn cho các nghệ sĩ: Huy Khánh (vai Minh Trí), Me Lê Ivai Hạ Vi), Huỳnh Thanh Khang (vai trùm bất động sản Huỳnh Khang), Trần Kim Hải (vai Minh), NSƯT Hoàng Tùng (vai ông ngoại), Hiền Nhi (vai Phương)....
Họ đã tạo nên một vở diễn nức lòng khán giả thủ đô về chủ đề tôn vinh vai trò, trách nhiệm của người chiến sĩ công an nhân dân.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/huy-khanh-mi-le-tran-kim-hai-tao-dot-pha-voi-vien-dan-boc-duong-196250705070722301.htm