Huyện đảo Cô Tô sẽ như thế nào sau khi trở thành đặc khu?

Huyện đảo Cô Tô sẽ như thế nào sau khi trở thành đặc khu?
5 giờ trướcBài gốc
Huyện Cô Tô sẽ trở thành đặc khu. Ảnh: CTV
Đặc khu Cô Tô sau khi được thành lập có diện tích 5.368 ha, quy mô dân số 7.151 người, giữ nguyên phạm vi địa giới hành chính hiện tại
Tại kỳ họp thứ 25, (kỳ họp chuyên đề) diễn ra mới đây, Hội đồng nhân dân huyện Cô Tô khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã nhất trí thông qua chủ trương thành lập đặc khu Cô Tô trên cơ sở chuyển nguyên hiện trạng huyện Cô Tô.
Đồng thời, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã là thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và xã Thanh Lân.
Theo Tờ trình của Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô trình tại kỳ họp, căn cứ Văn bản số 03/CV-BCĐ, ngày 15/4/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.
Cụ thể: "Xây dựng phương án chuyển nguyên trạng các huyện đảo, thành phố đảo thành Đặc khu và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã (nếu có) thuộc huyện đảo, thành phố đảo", thành lập đặc khu Cô Tô trên cơ sở chuyển nguyên trạng huyện Cô Tô thành đặc khu và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân).
Kỳ họp thứ mười một, HĐND cấp xã tán thành chủ trương thành lập đặc khu Cô Tô.
Lý do lựa chọn tên gọi "Cô Tô" bởi Cô Tô là tên gọi có lịch sử lâu đời, xuất hiện chính thức từ sau năm 1889 và gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của huyện đảo. Đây là địa danh đã được định vị trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa và quốc phòng. Việc giữ nguyên tên "Cô Tô" khi thành lập đơn vị hành chính mới nhằm bảo tồn giá trị truyền thống, tăng tính nhận diện thương hiệu du lịch và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc khu Cô Tô sau khi được thành lập có diện tích 5.368 ha, quy mô dân số 7.151 người, giữ nguyên phạm vi địa giới hành chính hiện tại của huyện. Cơ cấu tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính thành lập đặc khu Cô Tô gồm: Đảng bộ, chính quyền đặc khu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Trụ sở làm việc chính của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân đặc khu là trụ sở Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hiện tại.
Về phương án tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu gồm: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Cụ thể, Hội đồng nhân dân gồm 2 ban chuyên môn giúp việc là ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế.
Trước mắt, sẽ giữ nguyên 7 phòng ban chuyên môn để đảm bảo sự ổn định trong bộ máy quản lý nhà nước. Đối với Thanh tra huyện thực hiện sắp xếp theo QĐ 755/QĐ-TTg ngày 13/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính thức kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân.
Kỳ họp cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của đại biểu về cơ cấu tổ chức, mô hình quản lý, cơ chế chính sách đặc thù và các yếu tố liên quan đến quốc phòng – an ninh trong quá trình xây dựng và vận hành đặc khu.
Trước đó, Hội đồng nhân dân các xã, thị trấn cũng đã tổ chức lấy ý kiến khảo sát của cử tri về Đề án thành lập Đặc khu Cô Tô trên tinh thần chặt chẽ, công khai, dân chủ, đúng quy trình, quy định.
Theo đó, tổng số cử tri thị trấn Cô Tô có mặt tại địa phương tham gia lấy ý kiến là 1764/1900 cử tri, số cử tri đồng ý với Đề án thành lập đặc khu Cô Tô và nhất trí với tên gọi đơn vị hành chính mới là "Đặc khu Cô Tô" là 1764/1764 người, đạt tỷ lệ 100%.
Kỳ họp thông qua Nghị quyết nhất trí thành lập đặc khu Cô Tô, chuyển nguyên hiện trạng của huyện Cô Tô và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân). Ảnh: CTV
Ngày 14/4/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Một trong những nội dung Đề án nêu rõ, chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu. Theo đó, hình thành 11 đặc khu thuộc tỉnh từ 1 huyện đảo (11 huyện đảo, gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo).
Tuệ Nhi
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/huyen-dao-co-to-se-nhu-the-nao-sau-khi-tro-thanh-dac-khu-17925042414430586.htm