Bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: "Trong thời đại công nghệ, việc trang bị kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ công việc có ý nghĩa thiết thực, nhất là sắp tới bỏ cấp huyện. Việc trang bị kỹ năng chuyên môn sẽ giúp cán bộ thích ứng với công việc mới, môi trường mới và nâng cao hiệu suất làm việc".
Khen thưởng tập thể, cá nhân tham gia đợt thi đua cao điểm phát triển công dân số tại huyện Đan Phượng.
Theo Phòng Văn hóa Khoa học và Thông tin huyện Đan Phượng, từ ngày 24/3 - 24/4, với cách làm bài bản, khoa học, từ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền video hướng dẫn học tập, thành lập tổ tư vấn, đến hướng dẫn, theo dõi tình hình học tập… cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia.
Theo thống kê, số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia “Cuộc đua luyện AI” là 2.751/2.896 người, đạt tỷ lệ 95%. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc UBND huyện tham gia đạt 89,95%; cán bộ, công chức cấp xã tham gia đạt 83,76%; lãnh đạo, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, tiểu học, THCS tham gia đạt 97,84%. Đặc biệt, dòng họ Lê Hữu, xã Hạ Mỗ tích cực triển khai cuộc đua luyện AI với 200 người trong dòng họ tham gia.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe những sáng kiến trong việc ứng dụng AI vào công việc chuyên môn của cán bộ, viên chức, người lao động. Trong đó, cô giáo Phạm Thị Huyền, Trường mầm non xã Hồng Hà đã ứng dụng AI vào soạn các bài giảng. Từ ứng dụng AI, cô đã thiết kế được các bài học điện tử với tranh, ảnh minh họa, video, âm thanh sống động... Nhờ đó, câu chuyện, bài học trở nên hấp dẫn, thu hút học sinh hơn. Bên cạnh đó, cô còn sử dụng AI để sáng tác nhạc cho học trò gắn với những bài học. "Tôi còn gửi video các bài học cho phụ huynh để bố mẹ có thể cùng nghe, hướng dẫn con ôn bài", cô Huyền chia sẻ.
Huyện Đan Phượng phấn đấu năm 2025, trên 95% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc. Bên cạnh đó, 100% học sinh trung học trên địa bàn được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số. Huyện cũng phấn đấu có trên 85% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyến đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số.
Trao giải Nhất cho cô giáo tại trường mầm non Hồng Hà.
“Những cán bộ tham gia chương trình luyện AI sẽ là những hạt nhân nòng cốt cho chương trình bình dân học vụ số mà thành phố dự kiến triển khai trong thời gian tới”, bà Đào Thị Hồng cho biết.
Tại hội nghị, UBND huyện Đan Phượng đã khen thưởng 20 tập thể và 23 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai "Cuộc đua luyện AI", trong đó, đạt giải Nhất là cô Phạm Thị Huyền, giáo viên Trường Mầm non Hồng Hà.
XM/Báo Tin tức và Dân tộc