Huyện Định Hóa, Thái Nguyên: Chắp cánh cho du lịch đồng bào dân tộc thiểu số bay cao

Huyện Định Hóa, Thái Nguyên: Chắp cánh cho du lịch đồng bào dân tộc thiểu số bay cao
2 giờ trướcBài gốc
Khuôn Tát - điểm sáng của du lịch cộng đồng
Chiến khu, An toàn khu (ATK) Định Hóa là nơi ở, làm việc của Bác Hồ và các lãnh đạo tiền bối; các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng... đóng làm trụ sở trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn huyện Định Hóa có 183 điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 01 di tích Quốc gia đặc biệt (gồm 13 di tích thành phần); 18 di tích Quốc gia; 29 di tích cấp tỉnh.
Đặc biệt, mới đây, huyện Định Hóa đã tổ chức công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh cho biết, Xóm Khuôn Tát có 102 hộ với hơn 400 nhân khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Đây là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc trong giai đoạn 1947-1954.
Trong xóm có nhiều cảnh đẹp, núi rừng, thác nước hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử (Di tích lịch sử Khuôn Tát là một trong 13 điểm di tích thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa), bản sắc văn hóa đặc sắc.
Các đặc sản của Định Hóa được giới thiệu tới các đại biểu. (Ảnh: Báo Thái Nguyên)
Xóm Khuôn Tát đã triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ của huyện bao gồm xây dựng cảnh quan và hỗ trợ các hộ dân tham gia phát triển du lịch như: Đầu tư đường giao thông vào điểm du lịch với chiều dài 1,5 km. Triển khai gói hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng cho 02 hộ đăng ký vay vốn phát triển du lịch cộng đồng.
Hỗ trợ tạo cảnh quan cho 03 hộ gia đình đăng ký phát triển du lịch với kinh phí 80 triệu/hộ; làm cọn nước, xây dựng cổng làng... Sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay bước đầu đã có 05 hộ đăng ký kinh doanh homestay có khả năng đón tiếp 20-25 khách du lịch/cơ sở; đồng thời phát triển một số sản phẩm bổ trợ đón khách du lịch như ngâm chân thảo dược; trải nghiệm câu cá; trò chơi dân gian; làm bánh truyền thống; trải nghiệm đạp xe tại điểm du lịch....
"Với việc triển khai hiệu quả các chính sách, nội dung hỗ trợ phát triển du lịch đã động viên, khích lệ bà con nhân dân xóm Khuôn Tát tham gia phát triển du lịch, quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, sản phẩm du lịch; tạo sinh kế bền vững cho người dân phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo", đồng chí Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình do UBND xã Phú Đình trực tiếp quản lý, chỉ đạo HTX du lịch cộng đồng ATK và các hộ đăng ký tham gia các nội dung phát triển du lịch cộng đồng triển khai thực hiện các nội dung du lịch đã đăng ký, phát triển du lịch, tổ chức đón tiếp khách tham quan; phát triển, duy trì các sản phẩm du lịch.
Hoạt động giã bánh dày thu hút nhiều du khách tham gia trải nghiệm. (Ảnh: Báo Thái Nguyên)
Tham gia cung cấp dịch vụ tại điểm du lịch trực tiếp là các hộ gia đình, cá nhân trong xóm. Các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng và vận hành phát triển du lịch nông thôn. Nhiều hộ gia đình trong xóm đã được thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay điểm du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát đã đón trên 20 đoàn khách với trên 5.000 lượt khách đến thăm quan trải nghiệm. Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện sẵn sàng đón tiếp du khách, các hộ dân làm du lịch cộng đồng tại xóm Khuôn Tát luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng, thái độ, phong cách phục vụ nhằm tạo ấn tượng đẹp, thu hút du khách đến với dịch vụ du lịch cộng đồng nhiều hơn nữa.
Tiếp tục mở rộng các điểm du lịch tạo sức hút
Theo Chủ tịch UBND huyện Định Hóa Nguyễn Minh Tú, ngoài điểm du lịch Khuôn Tát, xã Phú Đình, UBND huyện khảo sát đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn, văn hóa Trà tại các xã Phú Đình (xóm Phú Ninh; xóm Đồng Kệu), Điềm Mặc (xóm Bản Bắc; Bản quyên; xóm Song Thái...), xóm Phú Hội xã Sơn Phú; phối hợp khảo sát du lịch khám phá ở Thâm Bây (xã Quy Kỳ); Khau Què (xã Linh Thông); du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng (Hồ Bảo Linh, xã Bảo Linh); du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng tại các địa điểm: tham quan Nhà tù Chợ Chu - Chùa Hang - Hồ Bảo Linh...
Huyện Định Hóa nhìn từ trên cao.
Đồng chí Nguyễn Minh Tú cho biết, để tạo điều kiện cho việc phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn, huyện Định Hóa đang tích cực tuyên truyền các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, phát triển thương hiệu sản phẩm, sản phẩm OCOP phục vụ phát triển du lịch; tổ chức các hoạt động khuyến khích người dân tham gia phát triển du lịch như: tổ chức Tập huấn đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử trên địa bàn huyện Định Hóa; tuyên truyền, quảng bá, khai thác giá trị các sản phẩm, đặc sản của địa phương Định Hóa (02 món ăn của Định Hóa gồm Bánh trứng kiến Định Hóa và Cơm lam Định Hóa được Hội Kỷ lục gia Việt Nam chọn vào Top món ăn đặc sản Việt Nam (2021 - 2022); tham gia Cuộc thi thiết kế Biểu trưng (Logo), Khẩu hiệu (Slogan) và sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Thái Nguyên với sản phẩm nón Tày đạt giải khuyến khích; tham gia gian trưng bày giới thiệu nghề thủ công truyền thống đan lát, thêu trang phục dân tộc Dao, đan nón Tày, làm đàn tính... giới thiệu trong không gian văn hóa tại lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa.
"Công tác bảo tồn, tạo, phát huy các giá trị văn hóa được tiếp tục triển khai thực hiện. Công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể được quan tâm, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được bảo vệ và phát huy, là địa điểm tham quan về nguồn của nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh; đặc biệt các di tích còn là địa chỉ đỏ về học tập cho các thế hệ học sinh, sinh viên", đồng chí Nguyễn Minh Tú chia sẻ.
Về các di tích xếp hạng, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết, hầu hết các di tích đã được bảo tồn, tôn tạo, nhiều di tích còn được khôi phục các hạng mục hầm, hào, lán... góp phần bảo tồn di tích lâu dài, đồng thời tạo hiệu quả tích cực trong công tác giới thiệu, tuyên truyền. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn, tôn tạo di tích được triển khai thực hiện ở nhiều di tích, đặc biệt là các di tích liên quan đến sự ra đời; phát triển và trưởng thành của các cơ quan Trung ương, quân đội; các di tích có giá trị đặc biệt quan trọng, là minh chứng về giá trị lịch sử, văn hóa.
Từ năm 2021-2024 đã tôn tạo được 11 di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh, trong đó có 8 di tích được tôn tạo từ nguồn xã hội hóa.
Hoàng Anh
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/huyen-dinh-hoa-thai-nguyen-chap-canh-cho-du-lich-dong-bao-dan-toc-thieu-so-bay-cao-post322924.html