Cùng với sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, huyện đã đạt được những thành quả thiết thực: Huyện không còn hộ nghèo; tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 11,65%/năm; thu nhập bình quân toàn huyện đạt 85,3 triệu đồng/người/năm; tốc độ đô thị hóa mạnh…
Huyện Gia Lâm đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng với không gian đô thị. Ảnh: Hoàng Anh
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Những năm qua, huyện Gia Lâm có tốc độ đô thị hóa nhanh, các tuyến đường được mở rộng, xây dựng mới làm thay đổi cơ bản diện mạo của huyện.
Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, với lợi thế nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, địa bàn Gia Lâm có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trọng điểm, kết nối các tỉnh, thành phố, các trung tâm kinh tế lớn, như: Quốc lộ 1A kết nối tỉnh Bắc Ninh, quốc lộ 3 mới kết nối tỉnh Thái Nguyên, quốc lộ 5B kết nối tỉnh Hưng Yên, thành phố Hải Phòng... Cùng với đó, hệ thống đường thủy qua sông Hồng, sông Đuống, hệ thống đường sắt đi lên phía Bắc, Đông Bắc đã và đang tạo điều kiện thuận lợi giúp Gia Lâm đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.
Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn ở Gia Lâm được đầu tư xây dựng đồng bộ. Các hệ thống đường trục chính, liên xã, liên thôn được mở rộng, nhựa hóa, bê tông hóa 100%, trong đó có sự đóng góp tích cực của nhân dân với 600 hộ hiến 61.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, đóng góp 18.338 ngày công lao động để làm các công trình công cộng, giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng, kênh mương. Nhờ đó, mạng lưới giao thông của Gia Lâm tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, có hệ thống chiếu sáng hiện đại đáp ứng được công năng đô thị hiện đại.
Được xác định là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía Đông của Thủ đô Hà Nội, với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại... gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao, do đó huyện Gia Lâm luôn bám sát Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” và những mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, sau nhiều năm nỗ lực, thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, đến nay, hệ thống mạng lưới các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm ngày càng phát triển, như: Cụm công nghiệp Phú Thị, Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro, Cụm công nghiệp Ninh Hiệp… Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời nổi tiếng: Làng gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; may da, dát vàng Kiêu Kỵ; làng nghề thuốc bắc, mứt sen Ninh Hiệp… Sự phát triển mạnh mẽ từ các khu, cụm công nghiệp cùng các làng nghề thủ công truyền thống đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và thu hút nguồn lao động lớn từ các khu vực lân cận đến làm ăn, sinh sống, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện... Hiện tại, địa bàn huyện có hơn 4.500 doanh nghiệp và hơn 13.000 hộ kinh doanh đang hoạt động, giúp giải quyết việc làm cho hơn 26.000 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, huyện không còn hộ nghèo; tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 11,65%/năm; thu nhập bình quân toàn huyện đạt 85,3 triệu đồng/người/năm…
Cùng với đó, kinh tế - xã hội của các xã, thị trấn đã có những bước phát triển mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp; lao động phi nông nghiệp trên địa bàn các xã chiếm tỷ lệ cao; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Các xã, thị trấn cũng đã tập trung nguồn lực phát triển kinh tế toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ; phấn đấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người của xã cao hơn so với mức thu nhập bình quân của cả nước. Điển hình, tại địa bàn xã Ninh Hiệp, thu nhập bình quân toàn xã đạt hơn 95 triệu đồng/người/năm; xã Bát Tràng hơn 90 triệu đồng/người/năm; thị trấn Trâu Quỳ 87 triệu đồng/người/năm...
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa
Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao và sự phát triển, lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp ở Gia Lâm đã thu hút lực lượng lớn lao động từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, góp phần khai thác được tối đa những tiềm năng, lợi thế sẵn có trên địa bàn. Cụ thể, huyện tập trung xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm đã định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ; gắn kết giữa quy hoạch xây dựng đô thị với cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị; đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp; phát huy vai trò, chức năng của đô thị trong mối liên hệ vùng và nội vùng. Đồng thời, huyện đã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng, tập trung chỉnh trang đô thị, bổ sung hệ thống chiếu sáng, cây xanh; xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ...
Nhờ đó, những khu đô thị, khu dân cư mới được hình thành và kết nối đồng bộ với cơ sở hạ tầng của huyện, như: Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Khu đô thị Đặng Xá 1, Khu đô thị Đặng Xá 2... Diện mạo đô thị khang trang và thay đổi mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, năm 2020 Gia Lâm không còn hộ nghèo, đến hết năm 2024, huyện không còn hộ cận nghèo.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết, bám sát mục tiêu Kế hoạch số 202/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, Gia Lâm đã rà soát định hướng phát triển các khu vực đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các khu vực chức năng để phù hợp với xu thế phát triển. Trên cơ sở đó, công tác quy hoạch, quản lý đô thị được Gia Lâm chú trọng, đẩy nhanh tiến độ lập đề cương, nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị đối với khu vực định hướng mở rộng phát triển đô thị. Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng khung đạt được những kết quả rõ nét, là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư, các nguồn vốn khác đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị của huyện. Huyện cũng đã quyết liệt triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (giai đoạn 2021-2025) với 477 dự án, qua đó giải quyết cơ bản các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bộ mặt đô thị từng bước khang trang, hiện đại.
“Sự kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên được nâng cao; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn. Thời gian tới, Gia Lâm tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, cả hệ thống chính trị và nhân dân Gia Lâm nêu cao quyết tâm, đồng thuận trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao”, ông Nguyễn Tiến Việt khẳng định.
Ánh Dương