Huyện Gò Công Tây hiện có 20 HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, tiểu thủ công nghiệp với 8.431 thành viên. Trong đó, lao động thường xuyên trong HTX là 312 người, với thu nhập bình quân đạt 69 triệu đồng/năm.
Các HTX trên địa bàn Gò Công Tây chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tổng doanh thu bình quân của mỗi HTX đạt 6,849 tỷ đồng/năm, tăng 10,25% so với năm 2023. Lợi nhuận trung bình đạt 291 triệu đồng/HTX. Thời gian qua, địa phương luôn chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý HTX, trong tổng số 71 cán bộ quản lý HTX, có 36 người đạt trình độ cao đẳng, đại học. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao năng lực điều hành và quản trị HTX.
Trong số các HTX đang hoạt động, các HTX nông nghiệp chiếm phần lớn với 17 HTX. Doanh thu bình quân mỗi HTX nông nghiệp đạt 5,158 tỷ đồng/năm, tăng 9,75%. Thời gian qua, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện luôn chú trọng công tác củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, HTX Thương mại Dịch vụ Phú Quới, HTX Dịch vụ nông nghiệp nông thôn Bình Nhì… đã áp dụng hiệu quả mô hình Cánh đồng lớn và liên kết tiêu thụ, giúp giá lúa trong mô hình cao hơn thị trường từ 50 - 100 đồng/kg.
Các HTX đã hợp tác với doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Vinh Hiển, DNTN Phước Thành để triển khai mô hình Cánh đồng lớn trên diện tích hơn 3.500 ha; qua đó, giúp thành viên tăng lợi nhuận từ 2,4 - 3,4 triệu đồng/ha.
Trên cây rau màu, huyện Gò Công Tây cũng có nhiều HTX điển hình hoạt động hiệu quả, có mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu bền vững như: HTX Rau an toàn Thạnh Hưng, HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh, HTX Thương mại Dịch vụ Phú Quới… Các HTX đã liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho thành viên với giá sàn, đảm bảo cho nông dân có lợi nhuận.
Để trợ lực cho các HTX, trong năm 2024, huyện Gò Công Tây đã đầu tư 5,08 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các HTX, bao gồm thiết bị hiện đại như: Máy bay không người lái, máy gặt đập liên hợp. Những cải tiến này không chỉ giúp giảm 20% - 30% chi phí sản xuất, mà còn tăng năng suất và lợi nhuận đáng kể. Các HTX đã thực hiện mô hình “Canh tác thông minh” giúp nông dân giảm chi phí 5,4 triệu đồng/ha/vụ nhờ áp dụng phân bón thông minh và máy bay không người lái.
Đến nay, huyện Gò Công Tây đã triển khai 21 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp cho 8 HTX và 1 doanh nghiệp với tổng kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng. Kết quả, thu nhập từ rau màu tăng từ 30 - 45 triệu đồng/ha, cây ăn trái tăng 25 - 40 triệu đồng/ha.
TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH
Thực tế cho thấy, dù phong trào KTTT tại huyện Gò Công Tây đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua, nhưng việc phát triển KTTT trên địa bàn huyện cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, dù doanh thu HTX trung bình tăng 10,25%, nhưng một số HTX vẫn gặp khó khăn trong cải thiện lợi nhuận do chi phí đầu vào cao và hạn chế trong quản lý.
Huyện Gò Công Tây trở thành điểm sáng trong phát triển KTTT tỉnh nhà.
Lĩnh vực vận tải và tín dụng đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn nhờ sự ổn định về nhu cầu thị trường. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường và điều kiện thời tiết. Nhiều HTX gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Do đó, trong thời gian tới, huyện Gò Công Tây sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các HTX phát triển. Cụ thể, năm 2025, huyện Gò Công Tây đặt mục tiêu thành lập mới 1 HTX. Huyện phấn đấu tăng doanh thu bình quân HTX lên 7,539 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 311 triệu đồng/HTX; giải quyết việc làm cho 328 lao động, với thu nhập bình quân 71 triệu đồng/năm/người.
Địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, huyện sẽ tiếp tục đầu tư máy bay không người lái, máy gặt đập liên hợp cho các HTX. Đồng thời, mở rộng Dự án “Canh tác thông minh” và “Vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao”.
Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường đào tạo và phát triển nhân lực. Theo đó, chương trình hỗ trợ lao động trẻ sẽ được mở rộng với tổng kinh phí dự kiến hơn 310 triệu đồng nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các HTX; đặc biệt, huyện sẽ tập trung phát triển chuỗi liên kết bền vững.
Huyện sẽ triển khai thêm 5 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như: Lúa, rau màu và cây ăn trái nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho nông dân.
Thực tế cho thấy, huyện Gò Công Tây đã thành công trong việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới. Từ đó nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững. Với chiến lược phát triển bài bản, định hướng rõ ràng và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, huyện Gò Công Tây đang trên đà trở thành điểm sáng trong phát triển KTTT tại tỉnh Tiền Giang.
Các con số tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận và số lượng thành viên tham gia là minh chứng cho tiềm năng to lớn của mô hình HTX.
ANH KHOA - T. ĐẠT - A.T