Huyện Hòa Bình (Bạc Liêu): Hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Huyện Hòa Bình (Bạc Liêu): Hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao
7 giờ trướcBài gốc
Con tôm là ngành kinh tế mũi nhọn
Hòa Bình là huyện vùng nông thôn của tỉnh Bạc Liêu. Kinh tế chủ yếu của huyện là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, thủy sản được xác định là trụ cột phát triển kinh tế nên huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển thủy sản; phát huy lợi thế về nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, trọng tâm phát triển của huyện.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Hòa Bình.
Sau 3 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” ngành tôm trên địa bàn huyện Hòa Bình đã có bước phát triển cả về diện tích và sản lượng; nhất là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2021, huyện Hòa Bình có 991,27 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, sản lượng đạt 15.500 tấn. Đến cuối năm 2023, huyện có 1.255 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, sản lượng đạt 28.118 tấn.
Huyện Hòa Bình cũng phối hợp với các ban, ngành tỉnh Bạc Liêu xây dựng mô hình hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gắn với thực hiện liên kết chuỗi giá trị tôm. Hiện có 3 Hợp tác xã (HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản 30/4 - xã Vĩnh Hậu; HTX Vĩnh Thành - xã Vĩnh Mỹ A; HTX nuôi tôm công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu - xã Vĩnh Hậu A) thực hiện liên kết chuỗi giá trị với Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm tôm nguyên liệu cho các thành viên HTX.
Đồng thời, huyện Hòa Bình hiện có 2 Hợp tác xã được chứng nhận ASC (Hợp tác xã Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản 30/4, Hợp tác xã Công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu) với diện tích 130 ha.
Cùng với đó, huyện Hòa Bình đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động các hộ nuôi tôm công nghệ cao ứng dụng các công nghệ nuôi tôm hiện nay như: Công nghệ Biofloc, tuần hoàn, khép kín, theo hướng VietGAP, GlobalGAP… đồng thời khuyến khích ứng dụng một số công nghệ mới như Công nghệ cảm biến (sensor) và IoT (Internet of Things) để giám sát các thông số môi trường (nhiệt độ, độ mặn, độ pH, oxy) từ xa để góp phần tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Điểm nhấn, trọng tâm phát triển của huyện Hòa Bình là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Nhìn chung, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Hòa Bình phát triển tương đối ổn định, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, diện tích, năng suất, sản lượng hàng năm đều tăng, góp phần quan trọng đối với phát triển trong lĩnh vực thủy sản của huyện trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hòa Bình (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 05 về “Phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa giai đoạn 2021-2025”.
Ông Hồ Văn Linh - Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, nhấn mạnh: “Trong nhiều năm qua, con tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đã có những đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, đặc biệt là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là hướng đi chủ đạo của huyện đã cho năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao”.
“UBND huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc hướng dẫn, tập huấn cho người nuôi tôm ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với xây dựng và triển khai mô hình điểm. Đặc biệt, nhiều mô hình tiến bộ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng con tôm, giảm ô nhiễm môi trường được áp dụng vào sản xuất như: nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tuần hoàn nước khép kín, nuôi tôm hai giai đoạn áp dụng công nghệ sinh học, Biofloc…
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tăng giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất” - ông Hồ Văn Linh cho biết.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình sản xuất thủy sản của huyện Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn, như tình hình xảy ra dịch bệnh trên tôm thường do môi trường nuôi, điều kiện thời tiết phức tạp, biến động bất thường. Giá cả vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra trong sản xuất nông nghiệp luôn dao động theo hướng giá vật tư đầu vào luôn tăng, trong khi giá cả sản phẩm đầu ra một số mặt hàng không tăng hoặc giảm (tôm thương phẩm) làm cho người sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn…
Hiệu quả từ các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Từ thực tế khó khăn trên, UBND huyện Hòa Bình đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất thủy sản an toàn như không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi thâm canh, bán thâm canh có quy mô lớn, thực hiện và đăng ký chứng nhận các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản như ASC, GlobalGAP, VietGAP...
Song song đó, huyện Hòa Bình đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng rộng rãi sản xuất an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cấp mã số vùng nuôi, gắn với việc truy xuất nguồn gốc, điều kiện an toàn thực phẩm và thực hành nuôi trồng thủy sản tốt.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình: “Cũng trong thời gian qua, nghề nuôi tôm trên địa bàn huyện đã vấp phải không ít khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, dẫn đến diễn biến thời tiết bất thường, một số tác nhân gây bệnh mới xuất hiện gây thiệt hại cho tôm nuôi. Vài năm gần đây, khó khăn lớn nhất là giá bán tôm thương phẩm giảm mạnh, trong khi đó giá thức ăn tôm và vật tư đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao.
Trước khó khăn thách thức đó, huyện đã tăng cường áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thường xuyên cập nhật những kiến thức mới trong nuôi tôm đặc biệt là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; tăng cường cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị nhằm giảm thiểu những chi phí trong sản xuất để đạt được hiệu quả sản xuất cao hơn”.
Ông Hồ Văn Linh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình.
“Thời gian tới, mục tiêu của huyện là tiếp tục đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, đặc biệt là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, hộ nuôi áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như: Công nghệ bioloc, công nghệ tuần hoàn, công nghệ sinh học (chế phẩm sinh học, men vi sinh); tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh có quy mô lớn, thực hiện và đăng ký chứng nhận các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản như ASC, GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ.
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, HTX và người nuôi tôm đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết thêm.
Trọng Nghĩa
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/huyen-hoa-binh-bac-lieu-hieu-qua-mo-hinh-nuoi-tom-cong-nghe-cao-post538996.html