Huyện Lạc Sơn tăng cường hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm bền vững

Huyện Lạc Sơn tăng cường hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm bền vững
4 giờ trướcBài gốc
Bằng nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Lạc Sơn đã triển khai công tác đào tạo nghề, thực hiện một số dự án phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế cho người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, giải quyết nhiều việc làm cho lao động, đồng thời thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững.
Hộ nghèo xóm Đảng 2, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) phát triển chăn nuôi sau khi được hỗ trợ con giống, vật tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.
Chị Bùi Thị Thủy ở xã Thượng Cốc là một trong những học viên tham gia khóa đào tạo nghề may công nghiệp từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo và nhận chứng chỉ nghề, chị được giới thiệu làm công nhân vận hành máy may cho một cơ sở may gia công gần nhà. Bên cạnh nghề chăn nuôi, trồng trọt, công việc nghề may trở thành một trong hai nguồn thu nhập chính cải thiện kinh tế gia đình chị.
Hiện nay, bà con nông dân các xã đang được định hướng phát triển chăn nuôi gà. Ngoài các trang trại, gia trại tập trung, chăn nuôi gà quy mô hộ gia đình cũng được khuyến khích. Cùng với đó, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với sự tham gia của người dân trong diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Bà Bùi Thị Tiên, trưởng nhóm chăn nuôi gà ri lai Lạc Sơn ở xóm Đảng 2, xã Quyết Thắng cho biết: không chỉ hỗ trợ con giống, thức ăn ban đầu, hộ tham gia còn được tập huấn, trang bị kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gà dự án. Chương trình hỗ trợ phù hợp với điều kiện của các gia đình, giúp bà con tạo việc làm tại chỗ, cải thiện sinh kế bền vững để vươn lên thoát nghèo.
Theo đồng chí Bùi Thế Hòa, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, hàng năm, huyện tuyển sinh các lớp nghề thuộc các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Huyện Đoàn, các cơ quan liên quan và UBND các xã tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động, tư vấn học nghề cho hàng nghìn lượt lao động. Công tác hướng nghiệp, học nghề cho học sinh và người lao động được thực hiện tốt. Các cấp, ngành phối hợp tăng cường tuyên truyền về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, đoàn viên, lao động địa phương.
Các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhân lực có kỹ năng nghề được thực hiện đầy đủ. Năm 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện mở 13 lớp đào tạo nghề cho 223 học viên. Các lớp đào tạo theo nhu cầu học nghề, điều kiện kinh tế giúp nâng cao trình độ của người lao động, bao gồm lớp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp ở xã Tân Lập; kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gia cầm ở các xã Nhân Nghĩa, Tuân Đạo, Định Cư; may công nghiệp ở xã Tuân Đạo… Sau đào tạo, lao động nông thôn áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi và có cơ hội đi làm việc tại một số doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Với sự quan tâm, chú trọng của cấp ủy, chính quyền huyện về công tác đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm đã góp phần giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho trên 3.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2024 ước giảm 4%, từ 14,98% xuống còn 10,98%. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của lao động nông thôn về lợi ích của việc học nghề, nhất là lao động người dân tộc thiểu số. Đồng thời, ưu tiên nguồn kinh phí của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hỗ trợ cải thiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo.
Bùi Minh
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/302/196376/huyen-lac-son-tang-cuong-ho-tro-chuyen-doi-nghe,-tao-viec-lam-ben-vung.htm