Huyện Lai Vung khai thác và phát triển hiệu quả du lịch địa phương

Huyện Lai Vung khai thác và phát triển hiệu quả du lịch địa phương
5 giờ trướcBài gốc
Huyện Lai Vung được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp và có nhiều tài nguyên và tiềm năng phát triển du lịch. Hiện nay, huyện có 18 điểm du lịch cộng đồng được tỉnh công nhận, gồm: 16 điểm tham quan vườn cây ăn trái và 2 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Kết cấu hạ tầng du lịch trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu về tham quan, trải nghiệm, lưu trú... của du khách trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục phát huy tiềm năng về phát triển lịch cộng đồng, các ngành, đơn vị, địa phương trong huyện Lai Vung đã tuyên truyền, vận động triển khai kết nối các điểm tham quan trên địa bàn huyện hình thành Câu lạc bộ (CLB) nhà vườn làm du lịch. Với sự hỗ trợ từ các phòng chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương cùng với tâm huyết của các nhà vườn làm du lịch, “CLB nhà vườn làm du lịch huyện Lai Vung” ra mắt ngày vào 19/6/2024, nhằm gắn kết và phát huy tiềm năng thế mạnh từng điểm tham quan của huyện.
Du khách tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp cộng đồng trên địa bàn huyện Lai Vung (Ảnh: CTV)
“CLB nhà vườn làm du lịch huyện Lai Vung” có 19 thành viên, trong đó Ban chủ nhiệm gồm 4 thành viên (1 chủ nhiệm, 2 phó chủ nhiệm và 1 thư ký) tổ chức sinh hoạt 1 lần/tháng và chi phí sinh hoạt do các thành viên tự nguyện đóng góp. “CLB nhà vườn làm du lịch huyện Lai Vung” hoạt động với phương châm: hỗ trợ và chia sẻ nhau những thông tin bổ ích trong hoạt động du lịch, sản xuất nông nghiệp, các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội và là sân chơi tập hợp những người nông dân cần cù, năng động, sáng tạo, tâm huyết với du lịch nông nghiệp, biết gắn những hoài bão của cá nhân với lợi ích chung của cộng đồng và xã hội.
Việc thành lập “CLB nhà vườn làm du lịch huyện Lai Vung” được xem là “ngôi nhà chung” của các điểm tham quan, yêu thích và mong muốn phát triển du lịch cộng đồng. Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lai Vung, dù mới được thành lập trong thời gian ngắn, nhưng “CLB nhà vườn làm du lịch huyện Lai Vung” đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng như: tư vấn về cách chăm sóc cây quýt hồng (cây chủ lực của du lịch cộng đồng Lai Vung); cách trang trí; tổ chức học tập kinh nghiệm từ các mô hình du lịch cộng đồng tại một số huyện, thành phố trong tỉnh, góp phần nâng cao giá trị kinh tế vườn, thu nhập của người dân.
Theo một số thành viên của “CLB nhà vườn làm du lịch huyện Lai Vung”, tuy mới được thành lập nhưng đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là các điểm tham quan du lịch cộng đồng, những người có tâm huyết làm du lịch đồng tình ủng hộ và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt, các thành viên “CLB nhà vườn làm du lịch huyện Lai Vung” tự nguyện kết nối, chia sẻ lợi ích của từng thành viên và lợi ích cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm, sự quyết tâm đoàn kết, sáng tạo trong tư duy, trong từng sản phẩm với mong muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững, góp phần quảng bá, tạo dựng hình ảnh địa phương.
Bên cạnh đó, “CLB nhà vườn làm du lịch huyện Lai Vung” là nơi tuyên truyền quảng bá nâng cao hình ảnh và du lịch địa phương; nâng cao nhận thức về lợi ích của phát triển du lịch; ý thức giữ gìn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái; các yếu tố văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện... Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức từ làm ăn cá thể sang tập thể, hợp tác bền vững, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp và hoạt động du lịch huyện Lai Vung nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Song song với khai thác du lịch cộng đồng (chủ yếu vườn cây ăn trái), huyện Lai Vung tập trung khai thác tiềm năng du lịch gắn với các giá trị lịch sử văn hóa, nhất là chú trọng khôi phục và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống thông qua loại hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn. Điển hình như nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu (huyện Lai Vung) đã tồn tại hàng trăm năm. Làng nghề này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tiếp tục phát huy giá trị quý báu của các làng nghề, huyện Lai Vung triển khai nhiều giải pháp đối với làng nghề đóng xuồng, ghe: hỗ trợ đầu tư sản xuất, xúc tiến, phân phối sản phẩm của các cơ sở sản xuất trong làng nghề; khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng các giải pháp, mô hình cải tiến công nghệ sản xuất, quy trình, nguyên vật liệu, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, xuất hiện một số hộ dân, cơ sở thủ công mỹ nghệ sản xuất xuồng, ghe thu nhỏ làm quà tặng cung cấp cho khách tham quan làng nghề và theo đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài nước. Số lượng khách du lịch đến địa bàn huyện Lai Vung mỗi năm khoảng 320.000 lượt khách, trong đó, có hàng trăm lượt khách quốc tế và doanh thu du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước.
NGỌC TÂM
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/du-lich/huyen-lai-vung-khai-thac-va-phat-trien-hieu-qua-du-lich-dia-phuong-129196.aspx