Huyện Lương Sơn bảo tồn, phát huy giá trị của di tích

Huyện Lương Sơn bảo tồn, phát huy giá trị của di tích
3 ngày trướcBài gốc
Lương Sơn là một trong những địa phương có số lượng di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng lớn, góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác quản lý nhà nước về di tích đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các hoạt động văn hóa được tổ chức tại đình Sấu ở thôn Sấu Hạ, xã Thanh Cao (Lương Sơn) thu hút người dân tham gia.
UBND huyện Lương Sơn vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Sấu, tại thôn Sấu Hạ, xã Thanh Cao. Đình có từ lâu đời, trải qua thời gian, ngôi đình cổ bị hư hỏng, nhân dân đã đóng góp dựng lại ngôi đình to, đẹp, khang trang, được làm bằng gỗ tứ thiết, theo kiến trúc hình chữ Đinh "J”, gồm Tiền đình và Hậu cung. Đình Sấu tồn tại đến năm 1950, khi thực dân Pháp càn quyét qua vùng, ngôi đình bị đốt phá chỉ còn lại nền móng. Qua nhiều lần tu sửa, đình được dựng lại như hiện nay. Căn cứ vào Thần tích - Thần sắc thôn Sấu, làng Thanh Lương, Tổng Thanh Lương, Châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, được lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đình Sấu xưa có 4 đạo sắc phong được các triều đại nhà Nguyễn phong tặng cho các vị thần như: Đồng Khánh Nhị niên (1887), Duy Tân Tam niên (1909); 2 Đạo sắc Khải Định cửu niên (1924). Căn cứ vào Thần tích - Thần sắc, đình Sấu thờ Tản Viên Sơn tam vị Thượng đẳng thần gồm: Tản Viên Sơn Quốc Chúa Thượng đẳng thần; Cao Sơn Đại Vương Thượng đẳng thần; Quý Minh Đại Vương Thượng đẳng thần. Tại đình, các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng diễn ra đều nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Hàng năm, lễ hội đình Sấu được tổ chức vào mồng 5 tháng Giêng với nhiều hoạt động độc đáo. Việc được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, đình Sấu hứa hẹn là điểm du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lương Sơn có 65 di tích, thắng cảnh; có 19 di tích đã được xếp hạng, trong đó 8 di tích cấp quốc gia gồm: hang Tằm (khảo cổ), hang Chổ (khảo cổ), hang Núi Sáng (khảo cổ), động Mãn Nguyện (thắng cảnh), hang Khụ Thượng (thắng cảnh), động Đá Bạc (thắng cảnh), hang Trung Sơn (thắng cảnh), đình, miếu Trung Báo (lịch sử - văn hóa); 11 di tích cấp tỉnh; còn 46 di tích khác nằm trong danh mục bảo vệ theo quyết định của UBND tỉnh.
Đồng chí Bùi Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Công tác bảo tồn di tích tại huyện Lương Sơn được triển khai bài bản, từ việc kiểm kê, lập hồ sơ đến công tác bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị. Ban Quản lý di tích cấp huyện đã được kiện toàn với 8 thành viên. Ở cấp xã, có 9 ban quản lý di tích và 19 tổ quản lý di tích ở thôn, xóm hoạt động hiệu quả. Cán bộ phụ trách được bố trí hợp lý nhằm đảm bảo việc quản lý di tích chặt chẽ, hiệu quả.
Theo đó, công tác bảo quản, tu bổ di tích được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Huyện Lương Sơn đã huy động được nhiều nguồn lực, bao gồm ngân sách nhà nước và xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo một số di tích quan trọng như: Di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa (xã Lâm Sơn) với tổng vốn đầu tư 24 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước; di tích đình Cời với tổng vốn đầu tư 44,8 tỷ đồng từ ngân sách huyện và nguồn xã hội hóa. Các di tích khác như đền - miếu Bá Lam, đình Hàng Xã (xã Thanh Cao), đình Đồng Sương (xã Liên Sơn), đình Quèn Thị (xã Cao Dương) cũng đang được quan tâm trùng tu. Việc trùng tu và bảo vệ các di tích không chỉ nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, mà còn phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân, góp phần phát triển du lịch và KT-XH địa phương. Công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại các di tích trên địa bàn được quan tâm. Huyện Lương Sơn có từ 6 đến 12 lễ hội diễn ra hàng năm, chủ yếu là các lễ hội truyền thống gắn với đặc trưng văn hóa của từng địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và phát huy giá trị di tích được huyện đẩy mạnh thông qua các hội nghị, hội thi, hội diễn, tuyên truyền lưu động và các sự kiện văn hóa. Các di tích bước đầu kết hợp bảo tồn với khai thác du lịch, tạo điểm nhấn thu hút du khách, điển hình là chùa Quất Lâm, Tứ Đền, đền - miếu Trung Báo, động Đá Bạc và địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa.
Đồng chí Bùi Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích, huyện Lương Sơn đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tăng cường tuyên truyền về vai trò của di tích lịch sử, khuyến khích xã hội hóa để huy động nguồn lực cho công tác tu bổ, bảo tồn. Lắp đặt biển chỉ dẫn và mã QR tại các điểm di tích để phục vụ du khách và nâng cao hiệu quả quản lý. Tổ chức tập huấn chuyên môn về quản lý di tích cho ban quản lý di tích và các tổ quản lý di tích tại địa phương. Những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại huyện không chỉ giúp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn tạo tiền đề cho phát triển KT-XH, du lịch bền vững, góp phần đưa huyện Lương Sơn trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn.
Hương Lan
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/16/199677/huyen-luong-son-bao-ton,-phat-huy-gia-tri-cua-di-tich.htm