Nằm trong khuôn viên của đền Khoai Vạc, hai cây dó trầm có tuổi đời hàng trăm năm được người dân ở xóm 6, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gìn giữ, xem là báu vật của làng.
Suốt 40 năm qua, cụ Phan Văn Chiến (93 tuổi, trú xã Hương Thủy) làm nhiệm vụ trông coi, hương khói ở đền Khoai Vạc. Cụ cho biết: "Từ khi lớn lên, tôi đã thấy hai cây dó trầm trên mảnh đất này".
"Sau khi nhận nhiệm vụ trông coi, hương khói ở đền, tôi làm luôn việc trông coi, canh giữ dó trầm, cụ Chiến nói thêm.
Hai cây dó trầm nằm trong khuôn viên đền Khoai Vạc
Các cụ cao niên trong làng kể lại, cuối thế kỷ 19, xóm 6 (xã Hương Thủy, huyện Hương Khê) chia làm hai khu vực: làng Khoai Vạc và làng Đô Lệ.
Những năm diễn ra cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương, dân làng Khoai Vạc đã lập ngôi miếu nhỏ để thờ thần núi, hay còn gọi là Đức thánh khai sơn.
"Chiến tranh loạn lạc, người dân thường xuyên hương khói ở miếu. Theo thời gian, có nhiều người sống gần miếu lên đây thắp hương, dần dần xây dựng nên đền Khoai Vạc. Nơi đây còn thờ những người có công bảo vệ dân làng", cụ Chiến nói.
Một trong hai cây dó trầm trong khuôn viên đền Khoai Vạc
Về lịch sử của 2 cây dó trầm, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, ông Bạch Đình Quyết cho biết, 2 cây này có tuổi đời hàng trăm năm.
Theo ông, vào khoảng thế kỷ 16, khu vực này xuất hiện nhiều cây dó trầm mọc tự nhiên, song người dân không biết đó là giống cây mang lại giá trị kinh tế cao nên đã chặt bỏ, khai hoang để trồng trọt và bỏ sót lại hai cây.
"Theo thời gian, hai cây dó tự nhiên lớn lên, trở thành cây cổ thụ. Quan sát bằng mắt thường, trên thân cây xuất hiện các lỗ và thấy rất nhiều trầm. Trước đây nhiều người đã đến để cắt trộm cây nhưng bị dân làng xua đuổi", ông Quyết nói.
Quan sát bằng mắt thường, thấy nhiều trầm bên trong thân cây
Ông Quyết cho hay, trước đây có nhiều thương lái đến định giá, mua lại hai cấy dó trầm vì thấy có giá trị kinh tế cao, song người dân không đồng ý bán.
"Thương lái định giá hai cây khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, dân làng không đồng ý bán, quyết tâm bảo vệ cây.
Vừa qua, đoàn làm việc của tỉnh, huyện và các nhà khoa học đã về khảo sát, nghiên cứu để lập hồ sơ đưa hai cây trầm cổ thụ vào danh sách cây Di sản Việt Nam", ông Bạch Đình Quyết nói.
Gốc cây cổ thụ người dân ôm không xuể
Cũng theo ông Bạch Đình Quyết, người dân cùng ban quản lý đền Khoai Vạc đã cùng nhau quản lý, chăm sóc cây. "Để bảo vệ cây, chúng tôi cắt cử người trông coi, chăm sóc và quản lý cây dó trầm để tránh bị kẻ xấu xâm hại".
Thiện Lương