Công an huyện Sông Lô làm thủ tục cấp căn cước cho trẻ em.
Hoàn thiện chính quyền số
Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, những năm gần đây, huyện Sông Lô tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung chương trình chuyển đổi số, trong đó đặc biệt chú trọng nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính quyền số. Đây được xác định là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số ở địa phương.
Chính quyền số là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện luôn được quan tâm đầu tư nhằm từng bước đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, hạ tầng mạng viễn thông truyền dẫn trên địa bàn huyện được cáp quang hóa 100%, kết nối đến tất cả các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị. Hạ tầng công nghệ thông tin, Internet đảm bảo đồng bộ. Nhờ đó, việc triển khai số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước bảo đảm tập trung, thông suốt.
Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai liên thông từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh và được tích hợp chữ ký số. 100% các phòng, ban thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong huyện, liên thông với các sở, ngành của tỉnh.
Để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, nhất là xây dựng chính quyền số, cùng với các địa phương trong huyện, ngoài việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho từng thời điểm, từng giai đoạn, UBND thị trấn Tam Sơn đã thực hiện giao chỉ tiêu đến từng phòng, ban, đoàn thể... nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Đến nay, 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên; 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn đọng văn bản chưa được xử lý.
Tại bộ phận một cửa, 100% hồ sơ, thủ tục hành chính của công dân được tiếp nhận, lưu trữ, giải quyết trong môi trường điện tử liên thông trên hệ thống phần mềm quản lý. Nhờ đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp có sự chuyển biến rõ nét.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Toàn, thị trấn Tam Sơn cho biết: “Trước đây, mỗi lần cần nộp hồ sơ thủ tục hành chính, tôi đều phải đến bộ phận một cửa của huyện để nộp, có những việc phải đi lại nhiều lần, rất mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc. Hiện, tôi được cán bộ xã hướng dẫn lập tài khoản cá nhân và nộp hồ sơ qua mạng. Điều này rất thuận lợi, giúp tôi giảm nhiều thời gian, công sức đi lại".
Nhiều nông sản chất lượng cao của huyện Sông Lô đã có mặt trên các sàn giao dịch điện tử.
Tập trung phát triển kinh tế số, xã hội số
Song song với việc hoàn thiện chính quyền số nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng chính quyền minh bạch, hiệu quả và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, huyện Sông Lô không ngừng thực hiện chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Huyện tập trung đẩy mạnh việc thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; ứng dụng đồng bộ các nền tảng công nghệ số phục vụ công tác quản lý, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Để các sản phẩm nông nghiệp của địa phương vươn ra thị trường lớn, huyện Sông Lô tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn việc tiếp cận chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ số, nền tảng số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hoạt động quản lý, điều hành; tạo lập các trang facebook, zalo... quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm để mở rộng thị trường kinh doanh. Đến nay, huyện có 8 sản phẩm OCOP được giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Hiện, 100% các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; nhiều người dân có tài khoản điện tử, mua sắm hàng hóa trực tuyến. 100% siêu thị mini, cửa hàng kinh doanh có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt; hoặc có mã QR để thanh toán qua Internet banking…
Về xã hội số, huyện Sông Lô duy trì ứng dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành do tỉnh triển khai về quản lý giáo dục, y tế, thi đua - khen thưởng, lao động...
100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2… 100% học sinh từ đủ 14 tuổi có điện thoại thông minh kích hoạt VNeID.
Tỷ lệ người dân có định danh, xác thực điện tử chiếm 70%; tỷ lệ người dân sử dụng thuê bao băng rộng cố định và băng rộng di động tương đối cao nên việc cập nhật tin tức qua mạng Internet nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi…
Dù là huyện miền núi, song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số của huyện Sông Lô bước đầu đạt kết quả thiết thực.
Thời gian tới, huyện Sông Lô tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số; thúc đẩy phát triển chính quyền số, nâng cao các chỉ số kinh tế số và xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực xã hội đẩy nhanh công tác chuyển đổi số trên địa bàn, từng bước xây dựng “Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Theo Thiệu Vũ (Báo Vĩnh Phúc)