PHÁT HUY QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN
Đến với huyện Tân Phú Đông hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét của vùng quê nơi đây. Có được thành quả ấy là nhờ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện tốt QCDCƠCS, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Lãnh đạo tỉnh, huyện kiểm tra tiến độ thi công cầu Tân Thạnh.
Xác định việc thực hiện QCDCƠCS là “chìa khóa” để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hằng năm, Ban Chỉ đạo huyện đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện QCDCƠCS; tập trung chỉ đạo triển khai việc thực hiện QCDC đến các xã, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp trong toàn huyện.
Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng và thực hiện QCDC thông qua việc phối hợp thông tin kịp thời đến các tầng lớp nhân dân về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, trợ cấp xã hội; các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính...
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện chú trọng việc lắng nghe dư luận xã hội, quan tâm chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn phát sinh ngay từ đầu và từ cơ sở, hạn chế để kéo dài không để phát sinh phức tạp, điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự xã hội, tạo được sự đồng thuận và phát huy tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Từ năm 2021 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy cùng với các cấp, các tầng lớp nhân dân được 50 cuộc, có 139 ý kiến trao đổi của người dân, doanh nghiệp, được các ban, ngành huyện, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện tiếp thu, giải trình, trả lời cụ thể, thỏa đáng đã tạo sự đồng thuận cao.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND các xã định kỳ hằng năm tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu tiếp xúc với nhân dân và doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) được 78 cuộc, trong đó cấp huyện 8 cuộc, cấp xã 70 cuộc.
Huyện đã triển khai thực hiện 18 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 10 đơn vị, đã ban hành 10 kết luận thanh tra.
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã giám sát 204 chuyên đề, tổ chức 5 cuộc hội nghị phản biện, góp ý 36 dự thảo các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, những vấn đề có liên quan đến sản xuất, đời sống xã hội...
Các cấp ủy tổ chức 63 cuộc hội nghị gặp gỡ đối thoại; đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng đa dạng hóa các hình thức tập hợp lực lượng, hướng các hoạt động hướng về cơ sở theo chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức gắn với các phong trào thi đua, kết quả vận động Quỹ “Vì người nghèo” được 8,2 tỷ đồng; vận động hỗ trợ 32.330 phần quà, xây dựng 233 căn nhà cho đoàn viên, hội viên và nhân dân khó khăn về nhà ở; đặt biệt, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng trị giá trên 21 tỷ đồng…
Huy động nguồn lực xã hội hóa để xây nhà ở cho hộ khó khăn về nhà ở, thực hiện các chương trình kéo đường ống nước cho người dân vùng sâu, vùng xa. Hỗ trợ kinh phí và lực lượng tình nguyện chỉnh trang hệ thống điện an toàn cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn đã khẳng định trong bài phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết thực hiện chuyên đề thi đua “QCDCƠCS - Dân vận khéo - Dân vận chính quyền” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang: “Thực hiện QCDC là phát huy quyền làm chủ của nhân dân để xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Đồng chí Bùi Thái Sơn nhấn mạnh, tiếp tục duy trì, nhân rộng, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả đã có, trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành huyện, xã đã duy trì, nhân rộng và xây dựng mới 21 mô hình “Dân vận khéo”, điển hình như các mô hình: “Thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”, “Tuyến đường hoa sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn gắn với camera an ninh trật tự và đường cờ Tổ quốc”, “Tuyến đường không rác thải” (đường tỉnh 877B và 872B dài 34 km)… được nhân dân hưởng ứng tích cực và duy trì bền vững. Đây có thể xem là những mô hình điểm trong công tác dân vận và thực hiện QCDCƠCS trên địa bàn huyện.
TIẾP TỤC NÂNG CHẤT HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Thực hiện QCDCƠCS là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn nhấn mạnh một số giải pháp:
Hội nghị Tuyên dương gương sáng trong đổi mới, sáng tạo huyện Tân Phú Đông năm 2025.
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 30 ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII, Kết luận 120 của Bộ Chính trị khóa XI về việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDCƠCS; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; các chỉ thị, nghị quyết, quy định về thực hiện QCDCƠCS.
Kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, rà soát và điều chỉnh phân công thành viên Ban Chỉ đạo cho phù hợp, sát nhiệm vụ được giao; phát huy vai trò từng thành viên Ban Chỉ đạo trong lĩnh vực được phân công, phụ trách; thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC đối với các chi, đảng bộ cơ sở.
Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đúng quy định những nội dung công khai cho nhân dân biết, nhân dân bàn và quyết định, nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và nhân dân kiểm tra, giám sát, nhất là việc công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm công tác tiếp dân, duy trì việc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, nắm tình hình nhân dân, chủ động tổ chức đối thoại với nhân dân và doanh nghiệp, chú trọng giải quyết các vấn đề bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Coi trọng việc thông tin tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân đồng thuận đối với đề án sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính nhằm sớm tạo sự ổn định phát triển chung và thúc đẩy nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy hành chính - chính trị địa phương trong thời gian tới.
Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDCƠCS.
Thực hiện tốt Chỉ thị 18 ngày 26-10-2022 của Ban Bí thư, Quyết định 217, Quyết định 218 ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị; Quy định 124 của Ban Bí thư, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân. Thường xuyên kiện toàn về tổ chức, nâng chất hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.
Chính quyền nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ gắn với QCDC ở từng cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất từng chủ trương, tạo thành sức mạnh tổng hợp, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao tại cơ sở. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, thông tin, báo cáo định kỳ và chuyên đề về QCDCƠCS, qua đó kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện QCDCƠCS.
LÊ PHƯƠNG