18 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam ở đây không đơn thuần là báu vật thiên nhiên, mà còn là những “chứng nhân sống”, những gốc rễ ngàn năm lặng lẽ kể lại hào khí một thời, lưu giữ khí thiêng sông núi trong từng cành lá, từng mạch gỗ âm thầm.
Hồn thiêng sông núi hội tụ dưới tán cây di sản
Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh một thuở, không chỉ là nơi an nghỉ vĩnh hằng của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, mà còn là vùng đất tụ linh tụ khí, nơi “địa linh sinh nhân kiệt”, nơi trời đất, con người và thiên nhiên giao hòa thành một thể.
Giữa khuôn viên rộng lớn của Khu di tích Quốc gia đặc biệt này, 18 cây cổ thụ đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là Cây Di sản Việt Nam.
Những thực thể sống ấy không chỉ mang giá trị sinh học đặc biệt, mà còn là hóa thân của lịch sử, là nơi kết tinh huyền thoại và tín ngưỡng bản địa truyền đời qua bao thế kỷ.
Cây đa thị bên cổng Ngọ Môn, biểu tượng sống động cho mối duyên kỳ lạ giữa hai loài cây trong khu di tích Lam Kinh
Ngay bên cổng Ngọ Môn, lối vào chính dẫn tới sân Rồng của hoàng cung Lam Kinh xưa, một cây đa cổ thụ hơn 300 tuổi sừng sững tỏa bóng. Tán cây xòe rộng như chiếc lọng khổng lồ che mát cả một góc trời, trong khi gốc cây to đến mức phải mười người vòng tay mới ôm xuể.
Những rễ cây nổi uốn lượn, bám chắc mặt đất như những con rồng phục địa, mang dáng vẻ uy nghi, trầm mặc, gợi cảm giác thiêng liêng kỳ bí ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Nhưng điều kỳ diệu nằm ở câu chuyện cây đa này che chở một thân phận khác: cây thị. Theo lời truyền tụng, ngày xưa, bên cổng thành xưa kia chỉ có một cây thị đơn độc. Mỗi mùa ra hoa kết trái, hương thị tỏa lan khắp không gian, quyến rũ chim chóc tìm về.
Rồi chẳng rõ từ bao giờ, những con chim ấy mang theo hạt đa, đánh rơi xuống gốc cây thị. Hạt đa nảy mầm, lớn lên, rễ vươn dài bao trùm lấy thân thị, hai loài cây khác biệt sống hòa quyện, nương tựa nhau như một cặp bạn tri kỷ trăm năm.
Mùa đông, trái đa chín đỏ; mùa hè, hương thị lại lan tỏa. Người dân trìu mến gọi đó là cây “đa thị”, một hình ảnh kỳ lạ, hiếm thấy, như thể thiên nhiên cũng muốn kể một chuyện tình.
Đến năm 2007, cây thị dần lụi tàn, như nhường chỗ cho bạn mình. Người ta tưởng mối duyên kỳ lạ ấy đã chấm dứt. Nhưng rồi, gần 15 năm sau, một mầm thị nhỏ bất ngờ vươn lên từ lòng đất, ngay dưới gốc đa già.
Cây thị ấy hiện đã cao khoảng 2m, như thể linh hồn xưa trở lại, tiếp tục dệt nên khúc ca sống động bên người bạn đời. Có người bảo, đó là một nhánh sót lại từ cây cũ; người khác lại tin, thị đã “hóa kiếp” để tái sinh, để trở lại bên đa trong kiếp sau.
Dẫu thế nào, câu chuyện ấy vẫn khiến bao du khách xúc động mỗi lần ghé thăm, thấy trong cây cối cũng có tình, có nghĩa.
Nhưng Lam Kinh không chỉ có cây đa thị kỳ diệu ấy. Một “thần mộc” khác cây lim 600 tuổi, lại mang một sứ mệnh khác biệt: góp thân mình phục dựng Chính điện Lam Kinh.
Năm 2010, khi dự án phục hồi Chính điện được khởi công, cây lim khi ấy vẫn xanh tốt bỗng đột ngột trút lá. Không sâu bệnh, không chặt phá, chỉ lặng lẽ héo úa như một lời từ biệt.
Chỉ vài tháng sau, cây chết đứng. Điều khó lý giải là khi cưa hạ, từ thân cây đã chết ấy lại ứa ra một dòng nhựa đỏ au như máu. Gỗ cây vẫn đặc ruột, thơm nồng, từng thớ rắn chắc như đá tạc.
Thân cây lim cổ thụ hơn 600 tuổi, “thần mộc” từ rừng thiêng Lam Sơn được hạ về làm cột Chính điện Lam Kinh, như thể đã chờ suốt sáu thế kỷ để hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Ảnh: Duy Cường
Càng lạ hơn khi đo thân cây lim với các chân tảng đá của Chính điện, nơi kê cột thì các đoạn gỗ đều vừa khít hoàn hảo: đoạn lớn dùng cho cột cái, đoạn vừa đặt vào hàng cột quân, đoạn nhỏ đặt nơi cột hiên.
Một thân cây mà như đã được “định mệnh” chuẩn bị sẵn từ 600 năm trước. Không ai bảo ai, mọi người cùng tin: cây lim ấy đã hoàn thành một sứ mệnh lịch sử, từ nơi hội thề Lũng Nhai đến khi trở thành trụ cột phục dựng kinh đô xưa.
Lễ hạ cây được tổ chức trang trọng vào đúng ngày giỗ vua Lê Thái Tổ năm 2011, như một hành lễ tiễn đưa linh mộc về với cội nguồn. Và từ đó, cây lim hóa thân thành những chiếc cột gỗ thầm lặng nâng đỡ Chính điện, như vẫn tiếp tục gánh vác một phần hồn thiêng sông núi.
Theo chia sẻ từ Ban Quản lý Khu di tích, hệ thống cây cổ thụ quý hiếm này không chỉ làm nên vẻ đẹp riêng có của Lam Kinh, mà còn tạo nên sức hút sâu sắc với đông đảo du khách gần xa.
Chị Hoàng Thị Hiền, thuyết minh viên lâu năm tại di tích bày tỏ: “Hệ thống cây di sản ở Lam Kinh có tuổi đời từ 300 đến 400 năm, có những cây lên đến 600 năm. Điều đặc biệt là các cây này nằm ngay bên cạnh những công trình cổ, khiến du khách rất thích thú. Nhiều người thường ôm lấy cây, cảm nhận sự mát lành, vững chãi từ thân gỗ, và nói rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm, sảng khoái vô cùng. Có lẽ cũng nhờ vậy mà Lam Kinh ngày càng thu hút được nhiều người quay lại.”
Trái ổi “biết cười” và linh khí lăng mộ đế vương
Phía sau Chính điện Lam Kinh là lăng mộ vua Lê Thái Tổ, nơi an nghỉ cuối cùng của người đã khởi xướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khai mở một vương triều huy hoàng.
Giữa khu rừng xanh ngát, lăng mộ khiêm nhường nhưng trang nghiêm, được bao bọc bởi những cây cổ thụ trăm năm tuổi, cây sui 600 năm, cây sồi nếp hơn 300 năm, tất cả đều mang thần thái uy nghiêm của đất thiêng xứ Thanh.
Tuy nhiên, cây thu hút sự chú ý nhất lại là một cây ổi cổ thụ gần 100 tuổi nằm bên phải lối vào lăng. Nhìn bề ngoài, cây cao khoảng 3m, thân nhỏ nhưng dáng uốn lượn mềm mại như rồng chầu, cành vươn đều bốn phía, lá xanh quanh năm. Điều đặc biệt nằm ở những trái ổi chỉ bằng ngón tay cái, nhưng ngọt lịm và thơm nồng đến kỳ lạ như chứa đựng linh khí đất trời.
Cây ổi cổ bên lăng vua Lê Thái Tổ, mang dáng rồng chầu, từng khiến giới khoa học ngạc nhiên vì hiện tượng “biết cười” kỳ lạ. Ảnh: Nguyễn Linh
Từ đầu những năm 2000, cây ổi này được người dân và hướng dẫn viên gọi là “cây ổi biết cười”. Mỗi khi ai đó chạm tay, gãi nhẹ vào thân cây, lập tức toàn bộ cành lá rung rinh như thể đang... mỉm cười. Nhưng khi dừng tay, cây lại đứng yên.
Những cây con được chiết ra từ gốc mẹ đem trồng nơi khác đều không có phản ứng này. Hiện tượng kỳ lạ ấy khiến không ít nhà khoa học phải vào cuộc.
Năm 2003, trong một đợt khảo sát thực địa, các nhà nghiên cứu phát hiện hiện tượng kỳ lạ: mỗi khi có người chạm nhẹ vào thân cây ổi, lớp vỏ lập tức ấm lên và truyền một luồng điện nhẹ lan tỏa tới các cành lá, một phản ứng sinh học chưa từng được ghi nhận ở bất kỳ giống ổi nào trước đó.
Truyền thuyết kể rằng cây ổi này do ông Trần Hưng Dẫn, một người dân Nam Định, cung tiến năm 1933 cùng với 4 tượng voi đá và 2 cây long não. Không ai rõ vì sao chỉ có cây ổi ấy mang dáng hình linh thiêng đến vậy. Mỗi mùa ổi chín, người trông coi lăng mộ vẫn hái trái để dâng lên phần mộ vua, như một nghi thức lặng lẽ mà đầy tôn kính.
Có du khách từng thử đặt tay lên thân cây, nhắm mắt tĩnh tâm. Một lát sau, người ấy chia sẻ cảm giác như mình đang bay lên, đầu óc quay cuồng, thân thể nhẹ bẫng. Khoa học chưa thể lý giải, nhưng cảm nhận ấy là thật, như thể giữa con người và cây đã có một mối dây vô hình kết nối từ cõi thiêng liêng nào đó.
Lam Kinh không chỉ là một quần thể di tích lịch sử, mà là một cõi linh thiêng đặc biệt, nơi những cây cổ thụ không đơn thuần là thực vật, mà là ký ức sống của một dân tộc.
Cây lim, cây đa, cây thị, cây sui, cây sồi, và đặc biệt là cây ổi “biết cười”, tất cả đều hiện diện như những linh vật, âm thầm canh giữ hồn thiêng của vùng đất cội nguồn.
Chúng đứng đó, trầm mặc qua bao mùa giông bão, lặng lẽ chứng kiến những biến thiên thời cuộc, và truyền đi một thứ năng lượng không lời, năng lượng của lịch sử, của đất trời, của lòng dân.
Để rồi mỗi người khi bước chân vào Lam Kinh, không chỉ đến để chiêm ngưỡng kiến trúc cổ, mà còn để cảm nhận một thứ linh khí lặng thầm lan tỏa từ những tán cây di sản, nơi quá khứ dường như chưa từng ngủ yên.
NGUYỄN LINH