Huyền thoại sơn mài Tương Bình Hiệp

Huyền thoại sơn mài Tương Bình Hiệp
5 giờ trướcBài gốc
Sơn mài có quy trình sản xuất phức tạp, tỉ mỉ.
Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận: Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo tồn và phát huy.
Làm thế nào để giữ lửa nghề, sống được bằng nghề và phát triển nghề đang là câu hỏi của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cả những nghệ nhân nơi đây.
Đi tìm nguồn cội
Theo Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh (thường gọi là Tư Bốn), Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương, nghề sơn mài đã len lỏi vào đời sống người dân phường Tương Bình Hiệp từ khoảng những năm 1930.
Theo đó, khi trường Trung cấp Mỹ thuật-Văn hóa Bình Dương (tiền thân là Trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một) được thành lập vào năm 1901, nhiều người dân ở Tương Bình Hiệp đến đây học nghề sơn mài rồi mang về truyền dạy cho gia đình, làng xóm.
“Đúng là nghề chọn người. Hồi lúc tôi 23 tuổi chỉ đến xưởng học nghề vì thấy tò mò, thú vị. Dần dần, trong quá trình học hỏi, tình yêu nghề của tôi được vun đắp bởi những người thầy đi trước. Đến nay, tôi đã đi cùng sơn mài gần bốn mươi năm”, ông Tư Bốn bồi hồi chia sẻ.
Rảo bước dưới những mái tôn nóng hực, ông Tư Bốn giới thiệu vắn tắt quy trình làm ra một sản phẩm sơn mài gồm các bước cơ bản là tạo kiểu dáng, sơn hom, mài, sơn lót, trang trí, làm bóng và kiểm tra.
Nghe thì đơn giản, nhưng khi tận mắt nhìn từng bước từ lúc thô sơ đến lúc hoàn thiện, tôi thực sự choáng ngợp trước quy trình phức tạp để cho ra một sản phẩm sơn mài chỉn chu.
Có lẽ không phải bất kỳ ai cũng biết, nắm bắt và làm quen tay, ngoại trừ các nghệ nhân, các thợ lành nghề đã cống hiến hàng chục năm tuổi trẻ.
Ngồi xuống bên cạnh người đàn ông đang mải mê làm việc giữa cơn bụi mù, ông là thợ giỏi Trần Hữu Chiến, gắn bó với nghề sơn mài được hơn 30 năm. Ông cũng là cháu trong một gia đình ba đời làm sơn mài.
Ông Chiến giải thích, sau khi tạo kiểu dáng, người thợ phải sơn hom, đây là bước dùng sơn trộn với bột thạch cao để cho ra một chất quánh đặc, rồi dùng bay hoặc dùng cọ quét lên tạo nền.
Trước đây khi làm tranh sơn mài, người thợ chỉ dùng sơn ta, loại nhựa cây sơn có chủ yếu ở vùng Phú Thọ.
Thời gian đầu khi mới tiếp xúc với sơn, từ tay đến chân người thợ sẽ mẩn ngứa, thậm chí là sưng tấy, người nào chịu không nổi thì nứt da nứt thịt, sau một thời gian “quen sơn” thì sẽ hết.
Loại sơn này còn yêu cầu cứ đến khi giữa trưa thì buộc phải mang tranh ra sơn ngoài nắng gắt để lớp sơn còn “chín” và đạt được độ “tỏa”.
“Phải hom rồi mài, hom rồi mài, ít nhất ba, bốn lần như vậy thì nền mới mịn đẹp. Nhìn vậy chứ đâu có dễ, cực lắm”, ông Trần Hữu Chiến liên tục nhấn mạnh.
Công đoạn mài cũng chia làm hai loại, mài khô và mài nước. Hiện nay với sự trợ giúp đắc lực của máy móc, công việc mài khô đỡ đi phần mệt nhọc.
Tuy nhiên, để thành phẩm mịn và không bị bụi, nghệ nhân sơn mài phải mài sản phẩm dưới nước.
Sau khi đã hình thành vóc (tấm nền) và phác thảo những hình ảnh mong muốn, người thợ sẽ tiến hành sử dụng màu vẽ hoặc cẩn trứng, cẩn ốc, dát lá vàng, lá bạc,… để tạo màu cho sản phẩm, tùy vào dụng ý nghệ thuật họ muốn thể hiện.
Tiếp đến, sản phẩm sẽ được đem mài với giấy nhám và nước để hình ảnh và các lớp màu dần hiện ra.
Kỹ thuật và kinh nghiệm của người thợ quyết định chiều sâu của bức tranh sơn mài, bởi họ biết mài ở đâu là đúng, nên dừng lại ở đâu và làm thế nào để thổi hồn vào sản phẩm của mình.
Phải làm việc với đá mài và giấy nhám trong thời gian dài, tay người thợ có thể bị ăn mòn tươm máu. Vì luôn phải ngâm nước nên vết thương khó liền da, khi lành rồi sẽ trở thành những vết chai thô cứng.
Có lẽ đây là minh chứng rõ nét cho tình yêu sơn mài dịu dàng vun bồi trong lòng những người thợ lành nghề qua nhiều năm tháng.
Những hình ảnh gần gũi với người Việt như đồng quê, non nước hay tùng cúc trúc mai, tùng hạc diên niên,… thăng hoa từ bàn tay người thợ thủ công, từng sản phẩm trở nên rực rỡ, bóng bẩy trước khi đến tay khách hàng.
Trăn trở câu chuyện bảo tồn
Theo ông Tư Bốn, quy trình làm ra một sản phẩm sơn mài rất phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh thần lao động không ngừng nghỉ.
Tuy nhiên, thu nhập từ công việc của những người thợ tại đây bình quân chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng!
Ông Tư Bốn trăn trở, tranh sơn mài và các sản phẩm vật dụng sơn mài đến nay không còn được sử dụng phổ biến như trước, các cơ sở sản xuất sơn mài thưa thớt dần đi, đó là chưa kể còn có sự cạnh tranh từ các sản phẩm trang trí khác.
“Tranh thêu, tranh 3D,… thịnh hành hơn trong nền kinh tế hiện đại, điều đó đã khiến sơn mài khó tìm được đầu ra. Gia nhập vào một thị trường hàng hóa khó có lợi nhuận là điều chẳng người trẻ nào sẵn lòng dấn thân, thế nên mới khó giữ và phát triển”.
Đó là chưa kể, cuộc sống ngày càng vội vàng hơn, hiện đại hơn, dần dà những sản phẩm nghệ thuật thủ công có tuổi đời lên đến hơn một thế kỷ như sơn mài Tương Bình Hiệp chẳng còn được sử dụng nhiều.
Sự thay đổi liên tục của thời đại khiến chúng mất đi sự yêu thích và gần như bị quên lãng bởi thế hệ trẻ.
Những người trẻ đang sống ở thời đại công nghệ tiên tiến, thích sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật xu hướng mới trên thế giới, hơn là bỏ thời gian tìm hiểu một cái gì đó thuộc về truyền thống và thường được cho là lỗi thời.
Với mong muốn thay đổi góc nhìn của người trẻ, Công ty Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn đã phối hợp với các sinh viên Trường Đại học FPT tổ chức buổi trưng bày nghệ thuật “Cảm-Chạm-Mài” nhằm tôn vinh hành trình lịch sử bóng bẩy, màu sắc của chất liệu sơn mài truyền thống.
Thế nhưng, đây vẫn chỉ là một triển lãm hiếm hoi về sơn mài Tương Bình Hiệp được tổ chức, dù nơi đây là cái nôi của những sản phẩm sơn mài từng lẫy lừng, nức tiếng.
So với nhiều triển lãm tranh sơn mài được tổ chức thành công ở Thủ đô Hà Nội, việc bảo tồn và phát triển sơn mài Tương Bình Hiệp dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Nối dài sự hiện diện của sơn mài trong đời sống hiện đại là ước mơ của những người nghệ nhân, thợ lành nghề đã dành cả nửa đời mình để yêu lấy nghệ thuật truyền thống.
Họ mong muốn tìm kiếm một thế hệ kế thừa với đức tính kiên nhẫn, sáng tạo và tình yêu nồng nàn dành cho những giá trị xưa cũ.
“Chỉ các bạn trẻ mới tìm ra phương hướng đột phá mang sơn mài trở nên hiện đại, đáp ứng xu hướng mỹ thuật mới để vươn tầm quốc tế”, ông Trần Hữu Chiến nhận định.
Theo dòng chảy mải miết của thời gian, việc gìn giữ để nghề sơn mài giữ được hồn cốt của thuở ban đầu, không bị biến chất mà vẫn đáp ứng được sự linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế đang là một bài toán khó chưa có lời giải.
Vài năm trước, tỉnh Bình Dương còn công bố cả đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch.
Người dân nơi đây luôn mong ngóng đề án sớm được triển khai để có một nơi gìn giữ, quảng bá văn hóa đặc sắc của địa phương cũng như tri ân ngành nghề đã mang đến công ăn việc làm cho những người con đất Thủ.
Nhưng rồi không biết đề án được triển khai ra sao, chỉ biết từ hơn 300 hộ làm nghề và gần 10 cơ sở sản xuất lớn trong những năm 1945-1975, nay làng nghề sơn mài nổi tiếng chỉ còn vài ba hộ bám trụ với nghề.
Biết đến bao giờ Tương Bình Hiệp mới chạm được vào "vàng son một thuở" như hơn nửa thế kỷ trước?
VŨ NGÂN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/huyen-thoai-son-mai-tuong-binh-hiep-post837981.html