Huyền Trân công chúa trong tâm thức dân gian

Huyền Trân công chúa trong tâm thức dân gian
7 giờ trướcBài gốc
Trong nhiều đền, phủ của đạo Mẫu cũng thờ Công chúa Huyền Trân như một vị Mẫu. Vì vậy, có rất nhiều tạo hình trong các pho tượng Công chúa Huyền Trân khi thì là tượng thần, khi là tượng Phật, có lúc lại là tượng Mẫu.
Ngày 30-11-2024 tại TP.Nam Định, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định và UBND huyện Vụ Bản tổ chức Hội thảo khoa học “Huyền Trân Công chúa: Cuộc đời và giai thoại”.
Rất nhiều tước danh
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Trần Lê Đoài cho biết, Nam Định là vùng đất phát tích của vương triều Trần, một trong những triều đại phát triển thịnh trị bậc nhất trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Trong số các nhân vật lịch sử của thời Trần, không thể không đề cập đến Huyền Trân công chúa. Bà là con gái của thượng hoàng Trần Nhân Tông. Để giữ bang giao với nước láng giềng, Huyền Trân công chúa được thượng hoàng Trần Nhân Tông gả làm hoàng hậu của vua Chế Mân nước Champa. Cuộc hôn nhân của Huyền Trân với Chế Mân chỉ kéo dài một năm do vua Chiêm đột ngột qua đời. Sau khi về đến Đại Việt, Huyền Trân xuống tóc xuất gia tu hành với Quốc sư Bảo Sát tại chùa Vũ Ninh, thuộc huyện Quế Dương, trấn Kinh Bắc, pháp danh là Hương Tràng. Năm 1311, Ni sư Hương Tràng lập am thờ Phật tại chân núi Hổ; đó chính là di tích chùa Hổ Sơn, tên hiệu là Quảng Nghiêm tự. Năm 1340, Ni sư Hương Tràng viên tịch, nhân dân địa phương tôn kính lập đền khói hương thờ phụng. Hàng năm, vào 9-4 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội tri ân công đức của Huyền Trân công chúa.
Ông Nguyễn Đại Đồng (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) cho rằng Huyền Trân vốn lớn lên trong dòng tộc thấm nhuần triết lý nhà Phật, nên khi sang Champa, đã tích cực học tiếng bản địa, tìm hiểu phong tục tập quán, lập ra đội vũ nữ nhạc công để trao đổi văn hóa nghệ thuật giữa hai dân tộc, góp phần phát triển bản sắc văn hóa chung. Khi trở về Đại Việt, với tinh thần Bồ-tát hạnh, Huyền Trân tiếp tục dấn thân phụng sự, đi nhiều nơi thuyết giảng Phật pháp, giúp dân dựng làng lập ấp, xây dựng cuộc sống ấm no.
“Ni sư Hương Tràng đúng nghĩa bậc chân tu, siêng học nội điển, ứng dụng lời Phật vào trong cuộc sống, hành Bồ-tát hạnh độ sanh. Để tỏ lòng biết ơn và kính trọng với những công đức ấy của Huyền Trân công chúa, người dân nhiều nơi ở Nam Định, Thái Bình, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Định… đã lập đền thờ bà”, ông Nguyễn Đại Đồng nói.
Thạc sĩ Trần Anh Châu (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho hay, “thời gian trụ trì chùa Hổ Sơn, Ni sư Hương Tràng hết lòng chăm lo Phật sự, tạo lập ruộng vườn, dạy chữ cho trẻ em, dạy dân nơi đây trồng lúa theo giống mới của người Champa (gọi là lúa Chiêm)… Tương truyền bà đã lập ra 36 ngôi làng ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Vì vậy cho đến nay, bà vẫn là một trong ba vị Thành hoàng được thờ tại xã An Ninh (làng Dành - nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), bởi làng Dành chính là một trong những ngôi làng được bà góp sức dựng nên”. Ngoài việc dạy dân cày cấy, bà còn làm thuốc chữa bệnh. Các bài thuốc ấy được chép thành sách, nay vẫn còn giữ được một quyển. Sau khi bà mất, dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là Thần mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Hổ Sơn.
Đến thời Nguyễn, bà được sắc phong là Trai tĩnh Trung đẳng thần vì có nhiều linh ứng và có công trong việc giữ nước giúp dân, đền thờ bà được lập trên núi Ngũ Phong ở Huế. Qua thời gian, trong tâm thức dân gian, bà đã trở thành một linh thần được dân làng Hổ Sơn thờ phụng. Bà đã được các triều vua từ Chính Hòa, Cảnh Hưng thời Lê trung hưng cho đến Cảnh Thịnh thời Tây Sơn, sang các triều vua Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân thời Nguyễn đã liên tục phong sắc. Muộn nhất là sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924).
“Công chúa được thờ ở rất nhiều đền, chùa miền Bắc. Tại ven biển Thừa Thiên Huế có một hòn đảo mang tên Huyền Trân, một ngôi miếu thờ nàng ở Quảng Trị, đó là biểu tượng thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ, sức sống lâu bền mà nhân dân dành cho Huyền Trân”, Thạc sĩ Trần Anh Châu chia sẻ.
Công chúa Huyền Trân được dân gian tín ngưỡng, thờ phượng
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Dương (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), cuộc đời tu hành: tự giác, giác tha, lợi mình, lợi người của Ni sư Hương Tràng đã có nhiều đóng góp cho dân tộc, được các nhà nước phong kiến ban tặng nhiều sắc phong. Sự thay đổi của thời vận, binh lửa chiến tranh, khắc nghiệt của khí hậu nên cho đến nay những sắc phong về công trạng của Ni sư Hương Tràng chỉ còn thấy ở khu quần thể di tích đình, chùa Hổ Sơn, đền Huyền Trân ở xã Liên Ninh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định và ở thôn Mão Xuyên, xã Mão Cầu, tổng An Canh, huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên (nay là làng Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924) ở đình Thượng, thôn Hổ Sơn và Sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924) ở thôn Mão Xuyên có cùng một nội dung đó là gia tặng cho Huyền Trân “Trai tĩnh Trung đẳng thần”. Trung đẳng thần là một bậc ở dưới Thượng đẳng thần, một hình thức phân cấp thần kể từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn.
Huyền Trân công chúa cũng được ban tước danh Thành hoàng làng, trong bản Thần tích – Thần sắc thôn Thượng, xã Mão Cầu, tổng An Canh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Đây là bản sao với 3 thứ tiếng Pháp – Việt – Hán. Cuối bản tiếng Pháp đóng triện có chữ ký của Phó lý Phạm Như Cấp và chữ ký của Lý trưởng (chỉ có chữ ký không thấy đề họ, tên).
Theo các nhà nghiên cứu, không chỉ được thờ trong chùa với vai trò một nhà sư, một vị Phật, được thờ ở đền miếu với vai trò một vị thần, mà trong nhiều đền, phủ của đạo Mẫu cũng thờ công chúa Huyền Trân như một vị Mẫu. Điều này có nguyên do là tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nơi có chùa Hổ Sơn) có quần thể Phủ Dầy – nơi phát tích và trung tâm của đạo Mẫu. Nhiều đền, phủ tại Vụ Bản đã tạc tượng Huyền Trân để thờ.
TS.Nguyễn Thị Tâm Hạnh (Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế) cho hay tại thành phố Đà Nẵng, ngôi miếu được xem là nơi thờ phụng công chúa Huyền Trân đầu tiên là miếu Bà ở chân núi Kim Sơn (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Ngôi miếu thứ hai được cho là liên quan đến Huyền Trân công chúa tại Đà Nẵng là miếu Bà ở mõm Hạc (làng Nam Ô). Theo lưu truyền, thần vị được thờ ở miếu Bà là “Chúa tiên Thần nữ chi vị”. Năm 1915, sau khi miếu Bà bị bão đánh sập, thần vị của Bà được thỉnh về miếu Liễu Hạnh. Hiện nay, Bà được phối thờ cùng Thánh mẫu Liễu Hạnh và Ngũ Hành nương nương tại miếu Liễu Hạnh (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).
Sự đa dạng tượng thờ Huyền Trân
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương cho hay “do sự đa dạng về tước danh của công chúa Huyền Trân đã dẫn đến sự đa dạng về tượng thờ bà trong các chùa, miếu, đền, phủ”.
Một trong những tượng đặc sắc là tượng Huyền Trân công chúa tôn trí tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân công chúa, tại 151 đường Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi chính điện thiết trí tượng công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng, cao 2,37m, nặng 700kg do các nghệ nhân phường Đúc nổi tiếng cẩn tác.
Tượng Ni sư Hương Tràng được tạo tác với hình thức một vị Phật là ở khu quần thể chùa Hổ Sơn. Tượng ngồi ở thế bán-già, tay trái đặt úp lên đùi. Khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt hiền dịu, nhìn thẳng vào cõi xa xăm, tai to, thùy tai chảy dài. Cũng tại chùa Hổ Sơn, có pho tượng tôn trí ở tổ Ni đường và nhà mẫu khác với pho tượng Huyền Trân công chúa và pho tượng Ni sư Hương Tràng, bởi trang phục không phải áo đại triều, cũng không phải là pháp phục của hành giả. Nhìn tổng thể thì có thể nói đó là tượng mẫu với mũ đội đầu, đặc biệt là chiếc quạt có tua dài đặt trước bụng.
Theo các nhà nghiên cứu, với công lao đóng góp của công chúa Huyền Trân, nên bà được xem như bà Chúa của vùng Vụ Bản. Trong khi, Vụ Bản là đất phát tích của đạo Mẫu, vì vậy người dân đã tạc tượng bà và thờ như Mẫu. Tại một số đình làng ở nước ta, Huyền Trân còn được tạc tượng thờ với tạo hình tượng Thành hoàng. Bản Thần tích – Thần sắc thôn Thượng, xã Mão Cầu, tổng An Canh huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên cho biết 4 vị Thành hoàng trong đó có Huyền Trân “đều bằng tượng gỗ sơn”.
Thông qua tìm kiếm các nguồn tư liệu sử học, khảo cổ học, hội thảo không chỉ góp phần làm rõ những đóng góp của Huyền Trân công chúa đối với Dân tộc và Đạo pháp mà còn góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa liên quan đến Huyền Trân công chúa, đến các di tích thờ phụng Huyền Trân công chúa, đặc biệt là di tích chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong thời gian tới.
Chu Minh Khôi/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/huyen-tran-cong-chua-trong-tam-thuc-dan-gian-post74252.html