Gia đình chị Hoàng Thị Mến (sinh năm 1990) ở Bản Nà, xã Quảng Lâm có 4 nhân khẩu (2 vợ chồng, 2 con nhỏ) là hộ nghèo ở địa phương. Đã hơn 10 năm, 2 vợ chồng sinh sống trong ngôi nhà tre xiêu vẹo, tạm bợ và thiếu thốn. Nhưng bắt đầu từ tháng 11/2024, cả nhà được chuyển vào ở trong căn nhà xây mới khang trang với 3 phòng ngủ, có bếp và phòng khách riêng, nền lát gạch hoa, mái lợp tôn xốp.
Chị Mến phấn khởi nói: Nếu không có Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát thì gia đình em không biết bao giờ mới có đủ tiền mà làm nhà nữa. Nhà mới xây hết khoảng 200 triệu đồng, trong đó được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu từ chương trình do Mặt trận tổ quốc xã Quảng Lâm triển khai, 70 triệu đồng vay ưu đãi làm nhà của Ngân hàng Chính sách; ngoài ra được anh em, hàng xóm giúp đỡ và một phần tích góp của bản thân. Giờ đây, 2 vợ chồng không phải lo chuyện nhà ở nữa, chỉ tập trung vào làm kinh tế với mục tiêu hơn 1 năm trả hết nợ làm nhà, lo cho con cái ăn học.
Ngôi nhà mới xây của gia đình chị Hoàng Thị Mến.
Cũng ở Bản Nà, xã Quảng Lâm, gia đình bà Hoàng Thị Phương, một hộ nghèo có 5 nhân khẩu thì tất cả đều là người có bệnh tật. Theo bà Phương kể, toàn người ốm yếu, không sức khỏe để làm việc nên không thể tích lũy nổi vài trăm ngàn đồng để đi khám bệnh và mua sắm đồ đạc gì cả, chứ nói gì tới có tiền làm nhà. Vì vậy trong những năm qua, cả gia đình phải ở trong căn nhà gỗ cũ kỹ, xiêu vẹo, mái thì mưa dột và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Nhưng nhờ có Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, gia đình bà Phương được hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa nhà. Nhờ số tiền này, gia đình mua được ngói để thay thế ngói vỡ, mua thêm ván gỗ để bưng vách và thay cho những tấm nền cũ hỏng; cùng với sự giúp đỡ của anh em, hàng xóm, cán bộ xã đã dựng lại được căn nhà để ở.
Tháng 9/2024, bà Phương đã hoàn thành việc sửa chữa nhà ở, với vách bưng kín đáo, chắn được gió; mái được lợp ngói và không còn lo bị dột nước khi trời mưa; sàn nhà đã không còn bị hư hỏng nữa... Đối với bà Phương, trong nhà không có thiết bị hiện đại, nhưng được ở trong một ngôi nhà ấm áp như vậy là niềm hạnh phúc lớn lao rồi.
Căn nhà sàn mới được sửa chữa, với vách bưng mới và không bị dột nát.
Ông Nông Văn Thức – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quang Lâm thông tin: Trong những năm vừa qua, việc hỗ trợ làm nhà ở theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo tại xã Quang Lâm đã mang lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều gia đình sau khi được ở nhà mới đã tự nguyện xin thoát nghèo ngay, hoặc sau một thời gian là thoát được nghèo.
Huyện Bảo Lâm xác định Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo có tác động tích cực và là một trong nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảm nghèo. Trong năm 2024 huyện Bảo Lâm dự kiến hỗ trợ cho 1.258 hộ nghèo, cận nghèo xây nhà mới. Những căn nhà được xây dựng mới phải đảm bảo chất lượng tốt, có giá trị sử dụng lâu dài; với các tiêu chí 3 cứng (mái cứng, nền cứng, tường cứng) để giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Là nhiệm vụ lớn, quy tụ cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, ngay từ đầu năm, Ủy ban MTTQ huyện Bảo Lâm là đầu mối tích cực phối hợp cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở rà soát kỹ lưỡng về khả năng đối ứng, nguồn lực của từng gia đình để có kế hoạch hỗ trợ cụ thể. Với phương châm ưu tiên những gia đình có quyết tâm, cân đối được tài chính đối ứng để thực hiện việc xây dựng nhà mới (hoặc sửa nhà).
Việc giải ngân kinh phí hỗ trợ được thực hiện kịp thời cho các gia đình đảm bảo tiêu chí theo quy định, qua đó giảm bớt khó khăn về kinh phí cho người dân. Đến nay, huyện Bảo Lâm đã giải ngân được nguồn kinh phí hỗ trợ đạt trên 70%, phấn đấu sẽ hoàn thành 100% trước ngày 15/12/2024.
Giao thông đến trung tâm nhiều xã vẫn chưa được đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Là một huyện vùng cao, vùng xa và khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng, không thuận lợi về kết nối giao thông nên rất khó tạo sinh kế cho người dân. Số hộ dân tự tích góp để xây dựng nhà ở kiên cố là không nhiều, phần lớn cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Huyện Bảo Lâm huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, qua đó góp phần giúp bà con an cư, lạc nghiệp, từng bước giảm nghèo và vươn lên thành hộ khá giả.
Là huyện biên giới cách tỉnh lỵ Cao Bằng gần 200 km, Bảo Lâm hiện nằm trong danh sách 74 huyện nghèo nhất cả nước. Địa phương này có dân số khoảng 65.000 người, với hơn 98% là người dân tộc thiểu số. Hiện nay toàn huyện còn khoảng 4.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (tương đương chiếm hơn 40%) là hộ nghèo, cận nghèo và phần lớn không có khả năng tự xóa được nhà tạm, dột nát.
Toán Nguyễn