Người mắc bệnh tim hoặc tăng huyết áp nên đo huyết áp thường xuyên, tốt nhất là 2 đến 3 lần mỗi ngày. Ảnh: Freepik.
TS.BS Trần Song Giang, Trưởng phòng Công tác xã hội kiêm Trưởng Phòng Điều trị theo yêu cầu C9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết huyết áp bình thường được xác định khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) nằm trong khoảng từ 90 đến 140 mmHg và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) trong khoảng từ 60 đến 90 mmHg.
Ví dụ, kết quả đo huyết áp 125/75 mmHg được coi là bình thường, trong khi kết quả 165/100 mmHg cho thấy người bệnh đang bị tăng huyết áp.
Để đo huyết áp chính xác, người bệnh cần nghỉ ngơi khoảng 5 phút trước khi đo, sau đó đo 2 lần ở hai tay, ngồi hoặc nằm đúng tư thế và đảm bảo máy đo được đặt ngang tầm trái tim. Người mắc bệnh tim hoặc tăng huyết áp nên đo huyết áp thường xuyên, tốt nhất là 2 đến 3 lần mỗi ngày.
Theo bác sĩ Giang, tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là tình trạng áp lực của dòng máu lên thành động mạch tăng cao. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây tổn thương cho tim, mạch máu, não, mắt, thận và nhiều cơ quan khác.
"Nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, teo não, nhũn não, suy thận. Thậm chí, bệnh còn có thể để lại di chứng nặng nề như liệt hoặc sa sút trí tuệ, đồng thời là nguyên nhân gây tử vong sớm trên toàn cầu", bác sĩ Giang nhấn mạnh.
Hiện nay, tăng huyết áp là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn. Theo ước tính, đến năm 2025, trên thế giới sẽ có khoảng 1,25 tỷ người mắc bệnh tăng huyết áp. Tại Việt Nam, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, trong đó nhiều người chưa được phát hiện hoặc điều trị đúng cách.
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp bao gồm người thừa cân hoặc béo phì, người mắc bệnh thận, bệnh lý nội tiết, phụ nữ bị nhiễm độc thai nghén, người có chế độ ăn uống và sử dụng thuốc không hợp lý, hoặc người bị hẹp động mạch.
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt ở những gia đình có người thân từng bị tăng huyết áp. Tuổi cao, béo phì, lối sống ít vận động, ăn mặn, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, stress tâm lý kéo dài, cũng như mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và bệnh nội tiết, đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Để điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp, bác sĩ Giang khuyến cáo cần thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh. Người dân nên tập thể dục thường xuyên và đúng cách, có chế độ ăn uống khoa học, giảm lượng muối và hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chất bảo quản.
Việc hạn chế bia rượu, tránh hút thuốc lá, giữ ấm cơ thể để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, kiểm soát stress và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp.
Phương Anh