Dù có cách tiếp cận khác nhau, cả hai quốc gia đều lấy cảm hứng từ những công nghệ phòng không đã được thử nghiệm thực chiến của Israel.
Israel sử dụng hệ thống phòng thủ Iron Dome ở thành phố Sderot, để đánh chặn tên lửa được phóng từ Dải Gaza, ngày 11/5/2023. (Nguồn: Getty Images)
Các quan chức Hy Lạp thông báo đang tiến hành đàm phán với Israel nhằm hợp tác phát triển một hệ thống phòng không mới.
Tuy chưa có thông tin chính thức về việc Hy Lạp sẽ mua các hệ thống hiện có hay cùng thiết kế một giải pháp tùy chỉnh, nhưng nhiều khả năng hệ thống này sẽ mô phỏng công nghệ nổi tiếng của Israel như "Iron Dome" (Vòm Sắt).
Israel hiện dẫn đầu thế giới về hệ thống phòng không đa lớp. Từ hệ thống Arrow 3 tầm xa chuyên đánh chặn tên lửa đạn đạo, David’s Sling bảo vệ tầm trung, đến Iron Dome chống lại các mối đe dọa tầm ngắn, mọi công nghệ của Israel đều đã chứng minh hiệu quả trong thực chiến. Điều này khiến các quốc gia châu Âu như Đức và Phần Lan cũng đầu tư mạnh vào các hệ thống tương tự.
Hy Lạp, vốn sở hữu các hệ thống tầm xa như Patriot của Mỹ và S-300 của Nga, đang tìm cách nâng cấp năng lực phòng không tầm trung và tầm thấp. Bằng cách hợp tác với Israel, Athens có thể tiếp cận những giải pháp tiên tiến để tăng cường khả năng bảo vệ trước các mối đe dọa ngày càng phức tạp.
Tham vọng này không chỉ giới hạn ở phòng thủ tên lửa. Hy Lạp từng hợp tác với Israel để phát triển công nghệ chống máy bay không người lái (UAV) nhằm đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ảnh chụp màn hình từ một cảnh quay cho thấy tên lửa phòng không tầm xa nội địa Siper của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi phóng thử nghiệm tại Sinop, ngày 30/12/2022. (Nguồn: Getty Images)
Năm 2022, Athens triển khai hệ thống "ô phòng thủ UAV" trên các đảo và địa điểm chiến lược, lấy cảm hứng từ công nghệ Drone Dome của Israel. Đây có thể là tiền đề cho một mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn về các hệ thống phòng không toàn diện.
Trong khi Hy Lạp dựa vào sự hỗ trợ của Israel, Thổ Nhĩ Kỳ chọn con đường tự phát triển. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mạnh mẽ khẳng định, ngày 29/10:"Nếu họ có một 'Vòm Sắt', chúng tôi sẽ có một 'Vòm Thép'".
Thổ Nhĩ Kỳ không thể hợp tác với Israel do mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh xung đột tại Dải Gaza. Tuy nhiên, điều này không cản trở Ankara triển khai tham vọng tự chủ.
Quốc gia này đã và đang xây dựng một hệ thống phòng không nhiều lớp, từ các hệ thống chống UAV như Korkut và Sungur, đến hệ thống tầm trung Hisar O và hệ thống tầm xa Siper, được cho là có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 100 km.
Dù từng mua hệ thống S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ chưa triển khai do áp lực từ Mỹ và NATO. Điều này buộc Ankara phải đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ nội địa, không chỉ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng mà còn hướng tới xuất khẩu.
Năm 2022, Roketsan - nhà sản xuất tên lửa hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng phát triển hệ thống phòng không đa lớp cho Indonesia.
Cuộc cạnh tranh định hình an ninh khu vực
Việc cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi các hệ thống phòng không lấy cảm hứng từ Israel không chỉ là minh chứng cho hiệu quả của công nghệ này, mà còn phản ánh những căng thẳng chiến lược tại Đông Địa Trung Hải.
Trong bối cảnh Hy Lạp tăng cường hợp tác với Israel và các quốc gia NATO, Thổ Nhĩ Kỳ lại khẳng định vị thế bằng cách phát triển năng lực quốc phòng tự chủ. Cả hai quốc gia đều nhận thức rõ rằng một hệ thống phòng không hiện đại sẽ là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì thế cân bằng trước đối phương.
Xuân Minh