Phát biểu trước báo giới, ông Vathrakogiannis, người phát ngôn của lực lượng cứu hỏa Hy Lạp cho biết, lý do chính khiến Hy Lạp yêu cầu sự hỗ trợ của EU là do quy mô và cường độ của các đám cháy vượt quá khả năng ứng phó của nước này. Trong vòng 24h trước khi yêu cầu được đưa ra, 52 vụ cháy đã được ghi nhận trên khắp đất nước, với 44 vụ được xử lý ngay từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nhiều đám cháy khác vẫn ngoài tầm kiểm soát, đòi hỏi nguồn lực hỗ trợ khẩn cấp từ bên ngoài.
Ảnh minh họa (Nguồn: Tovima.com)
Theo đề xuất của Hy Lạp, sáu máy bay cứu hỏa đã được triển khai nhanh chóng giúp tăng cường khả năng dập lửa từ trên không, đặc biệt ở những khu vực địa hình hiểm trở, khó tiếp cận. Những máy bay cứu hỏa đã sử dụng lượng lớn nước để dập lửa, đóng vai trò quan trọng hỗ trợ các nỗ lực chữa cháy của lính cứu hỏa. Ngoài ra, các đơn vị chữa cháy từ Cộng hòa Séc đã có mặt và hỗ trợ lực lượng cứu hỏa địa phương nhằm kiểm soát đám cháy.
Theo Ủy ban Châu Âu, Cơ chế bảo vệ dân sự của EU cho phép các quốc gia thành viên chia sẻ nguồn lực và chuyên môn, đảm bảo các hoạt động viện trợ được cung cấp nhanh chóng và hiệu quả. Đối với Hy Lạp, sự hỗ trợ từ EU không chỉ giúp giảm áp lực lên lực lượng cứu hỏa của nước này mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của EU trong việc đối phó với các thảm họa, giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tính mạng cũng như tài sản của người dân.
Yêu cầu sự hỗ trợ từ Cơ chế Bảo vệ Dân sự EU được đưa ra trong bối cảnh Hy Lạp đang trải qua một đợt nắng nóng khắc nghiệt, với nhiệt độ vượt quá 45 độ C ở nhiều khu vực. Trong điều kiện thời tiết cực đoan, kết hợp với thực vật khô hạn và gió giật mạnh đã khiến các đám cháy bùng phát và lan rộng.
Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Quốc gia (EMY), Hy Lạp sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn trong việc kiểm soát các đám cháy hiện tại và ngăn chặn các đám cháy mới, bởi đợt nắng nóng sẽ kéo dài đến 28/7.
Như Hoa/VOV-Praha