Sarcoma là loại ung thư hiếm gặp phát triển ở xương và mô mềm gồm: mỡ, cơ, mạch máu, dây thần kinh, mô da sâu và mô xơ. Số liệu thống kê cho thấy sarcoma chỉ chiếm 5 - 10% tổng số ca ung thư ở trẻ em, nhưng lại gây ra nhiều ca tử vong hơn cả ung thư não, ung thư da, bạch cầu và u lympho cộng lại. Ở trẻ em, các khối u sarcoma có xu hướng phát triển nhanh và lan rộng khắp cơ thể, khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn.
Theo nghiên cứu công bố ngày 12/2, nhóm do các nhà khoa học thuộc trường Đại học Queensland dẫn đầu đã phát triển một chiến lược điều trị căn bệnh này, sử dụng tế bào miễn dịch đã được biến đổi - còn gọi là "tế bào sát thủ" - để nhận diện và tiêu diệt các khối u sarcoma.
Giáo sư Wayne Nicholls, đồng tác giả nghiên cứu, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch trẻ em Ian Frazer thuộc Đại học Queensland - nhấn mạnh sarcoma là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi từ 10 - 30 và trong suốt 40 năm qua, tỷ lệ sống sót sau khi mắc căn bệnh này không hề được cải thiện.
Ông nêu rõ: "Đến nay không có liệu pháp đột phá nào trong điều trị khối u rắn ở trẻ em. Đây là một bước tiến quan trọng giúp mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân".
Trong khi đó, Tiến sĩ Fernando Guimaraes - trưởng nhóm nghiên cứu - khẳng định rằng phát hiện trên có thể giúp cứu sống nhiều bệnh nhân.
Ngoài Đại học Queensland, nghiên cứu trên còn có sự đóng góp của các nhà khoa học làm việc tại Bệnh viện Nhi Queensland, Đại học New South Wales (cùng của Australia) và Đại học Otago (New Zealand).
Thanh Phương (TTXVN)