Trong bối cảnh đó, những sáng kiến hòa giải, đối thoại và hợp tác, dù chưa đủ để thay đổi cục diện, vẫn đang lặng lẽ nảy mầm ở cả cấp chính phủ và người dân. Đặt niềm tin vào đối thoại hơn là đối đầu, vào lòng tin hơn là định kiến, khu vực Nam Á vẫn còn hy vọng cho một nền hòa bình lâu dài nếu các rào cản lịch sử, chính trị và xã hội được nhìn nhận và tháo gỡ một cách thực tâm.
Lực lượng an ninh Ấn Độ gác tại điểm kiểm soát ở Amritsar, bang Punjab, Ấn Độ. Ảnh: ANI
Hòa bình bền vững không thể chỉ dựa vào những can thiệp bên ngoài. Trong nhiều thập niên qua, các cường quốc như Mỹ và Nga thường đóng vai trò trung gian nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, một giải pháp lâu dài cần xuất phát từ chính nội lực khu vực.
Tổ chức Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) lẽ ra là diễn đàn tự nhiên để Ấn Độ và Pakistan thảo luận và hợp tác, nhưng thực tế SAARC đã gần như tê liệt vì bất đồng giữa hai nước. Sự đình trệ của SAARC cho thấy xung đột song phương có thể “bắt cóc” hợp tác đa phương, gây thiệt hại cho cả khu vực về kinh tế và an ninh.
Trong bối cảnh SAARC bế tắc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) nổi lên như một nền tảng đa phương hiếm hoi mà cả Ấn Độ và Pakistan đều là thành viên. Với sự tham gia của các cường quốc khu vực như Trung Quốc và Nga, SCO có tiềm năng trở thành kênh đối thoại gián tiếp giúp xoa dịu mâu thuẫn. Tuy nhiên, SCO hiện chưa có cơ chế giải quyết xung đột nội khối hiệu quả, và cuộc khủng hoảng lần này đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh về việc cần xây dựng những cơ chế hòa giải chính thức trong tổ chức này.
Song song đó, các nước ASEAN ở Đông Nam Á là một ví dụ về cách một cơ chế khu vực có thể duy trì đối thoại thường xuyên và tránh xung đột vũ trang giữa các thành viên. ASEAN từ lâu đã đề cao nguyên tắc tham vấn và đồng thuận, cũng như không can thiệp công việc nội bộ, nhờ đó giữ được hòa bình giữa các nước láng giềng từng có bất đồng lịch sử. Nam Á có thể học hỏi từ kinh nghiệm ASEAN để xây dựng lòng tin và chuẩn mực ứng xử, dù bối cảnh hai khu vực khác nhau.
Một nền hòa bình bền vững phải được xây dựng từ chính người dân hai nước. Trong khi các chính phủ thường bất đồng, ngoại giao nhân dân - thông qua giao lưu văn hóa, truyền thông và các tổ chức xã hội - có thể phá vỡ định kiến và thúc đẩy sự thấu hiểu lẫn nhau.
Đã có những sáng kiến đáng chú ý, như chiến dịch Aman ki Asha (Hy vọng Hòa bình) do hai tập đoàn báo chí lớn của Ấn Độ và Pakistan khởi xướng, nhằm kết nối người dân hai nước qua các hoạt động văn hóa, âm nhạc, trao đổi học thuật. Những chương trình như vậy cho thấy truyền thông và nghệ thuật có thể là cầu nối hữu hiệu, làm giảm bầu không khí thù địch. Kinh tế cũng có thể là chất xúc tác cho hòa bình.
Hiện thương mại giữa Ấn Độ và Pakistan chỉ ở mức hơn 2 tỷ USD mỗi năm, nhưng theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, con số này có thể tăng lên 37 tỷ USD nếu được gỡ bỏ các rào cản. Hợp tác kinh tế không chỉ đem lại lợi ích chung mà còn tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau, từ đó giảm nguy cơ xung đột. Bài học từ châu Âu cho thấy, khi các nước gắn kết kinh tế, họ sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để duy trì hòa bình.
Bên cạnh thương mại, hợp tác năng lượng và môi trường cũng mang tiềm năng lớn. Dự án TAPI nếu được hoàn thành có thể mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Ấn (Indus Waters Treaty) vẫn duy trì hiệu lực hơn 60 năm qua - một ví dụ điển hình cho thấy, bất chấp bất đồng, hai bên vẫn có thể tuân thủ cam kết vì lợi ích thiết thực. Việc mở rộng các mô hình hợp tác này sang lĩnh vực khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo tồn nguồn nước sẽ vừa đáp ứng nhu cầu an sinh, vừa hình thành thói quen hợp tác liên chính phủ.
Xung đột Ấn Độ - Pakistan, dù có những đặc thù riêng, vẫn có thể rút ra bài học từ những mô hình hòa giải thành công trên thế giới. Quan hệ Pháp - Đức sau Thế chiến II là một minh chứng lịch sử về việc hai kẻ thù truyền kiếp có thể hóa giải hận thù và xây dựng tình hữu nghị bền chặt.
Sau hàng thế kỷ xung đột đẫm máu đỉnh điểm là Thế chiến II, người Pháp và người Đức đã dũng cảm nhìn lại quá khứ, thừa nhận trách nhiệm chung đối với hòa bình, và quyết tâm cùng hướng tới tương lai ổn định.
Thông qua những bước đi như ký kết Hiệp ước Élyseé 1963, thiết lập hợp tác chặt chẽ ở mọi cấp (từ chính phủ đến kết nghĩa địa phương, trao đổi thanh niên), họ đã biến mối quan hệ “không đội trời chung” thành trụ cột của Liên minh châu Âu (EU) ngày nay. Điểm mấu chốt của mô hình này là các bên can đảm đối thoại về quá khứ, xây dựng lòng tin dần dần và tạo ra những thể chế chung ràng buộc lợi ích.
Tương tự, tiến trình hòa bình Bắc Ireland với Thỏa thuận Good Friday 1998 cũng cho thấy một xung đột sắc tộc - tôn giáo kéo dài hàng thập niên có thể chấm dứt nếu các bên chấp nhận nhượng bộ và chia sẻ quyền lực trong một khuôn khổ chung. Dù hoàn cảnh Nam Á khác biệt, nguyên tắc cốt lõi từ những trường hợp trên - đối thoại bao trùm mọi bên liên quan, giải quyết căn nguyên lịch sử, kết hợp bảo đảm của cộng đồng quốc tế với nỗ lực bản địa - vẫn có thể áp dụng.
Những mô hình hòa giải thành công thường đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo, nhưng thành quả đem lại là một nền hòa bình bền vững, với lợi ích vượt trội so với cái giá phải trả.
Đương nhiên, hành trình hướng tới hòa bình lâu dài giữa Ấn Độ và Pakistan không thể thiếu việc tháo gỡ những rào cản cố hữu về lịch sử và chính trị. Trước hết, vấn đề Kashmir - ngòi nổ của hầu hết các cuộc xung đột lớn giữa hai nước - cần được đặt lên bàn đối thoại với cách tiếp cận thực tế hơn. Cả New Delhi và Islamabad đều phải chấp nhận rằng không thể áp đặt giải pháp đơn phương cho Kashmir, mà cần lắng nghe nguyện vọng của người dân trong vùng và tìm kiếm một thỏa hiệp có thể chấp nhận được về quy chế của khu vực này.
Quá khứ cũng cho thấy mỗi khi tiến trình đàm phán hòa bình khởi động, các phần tử cực đoan hoặc sự cố khủng bố lại chen ngang phá hoại. Do đó, hai chính phủ cần phối hợp tốt hơn trong việc chống chủ nghĩa cực đoan và bạo lực, bảo đảm những “kẻ phá hoại hòa bình” không có cơ hội làm chệch hướng dư luận và chính sách.
Rào cản thứ hai là tâm lý ngờ vực và thù địch ăn sâu nhiều thập niên trong công chúng và giới tinh hoa hai bên. Nền giáo dục và truyền thông ở mỗi nước thường tô vẽ nước kia như mối đe dọa hiện hữu, khiến bất kỳ động thái nhượng bộ nào cũng dễ bị chỉ trích trong nước. Để thay đổi điều này, cả hai phía cần nỗ lực tạo ra một tư duy mới: coi nhau như đối tác tiềm năng hơn là kẻ thù truyền kiếp.
Con đường phía trước chắc chắn còn nhiều chông gai, đòi hỏi thiện chí và tầm nhìn xa của cả hai phía. Tuy nhiên, phần thưởng đạt được - một Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng - sẽ vô cùng xứng đáng. Hòa bình lâu dài giữa Ấn Độ và Pakistan không chỉ chấm dứt một mối nguy thường trực cho khu vực và thế giới, mà còn mở ra triển vọng hợp tác to lớn, giải phóng nguồn lực để hai quốc gia tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Đã đến lúc New Delhi và Islamabad biến khủng hoảng hiện tại thành động lực cho đối thoại chân thành, để tương lai không còn phải chứng kiến những “chiến dịch Sindoor” lặp lại, mà thay vào đó là những chương mới của hòa giải và hiểu biết lẫn nhau.
Khổng Hà