Tối 17-7, khu vực ngã ba Vũng Tàu vẫn kẹt xe kéo dài. Ảnh: M.Vũ.
Hơn 8 tiếng cho quãng đường 90km
Lúc 11h30 ngày 17-7, anh Nguyễn Quang Minh lái xe ô tô đưa gia đình từ phường Vũng Tàu lên phường Tân Thành (thuộc quận Tân Phú cũ) thành phố Hồ Chí Minh. Do đã được bạn bè nhắc nhở về hành trình hơn 9 tiếng cho quãng đường 90km do kẹt xe trên các hướng vào nội đô thành phố Hồ Chí Minh đêm 16-7, anh Minh đã cẩn thận điện hỏi bạn bè; tra bản đồ giao thông trực tuyến…để chọn lộ trình thích hợp. “Cùng lắm cũng chỉ khoảng 4 tiếng chạy xe thôi”, anh Minh xác định.
Nhưng anh cùng hàng nghìn người khác đã mất hơn 8 tiếng cho quãng đường hơn 90km, trong đó có gần 3 giờ đồng hồ đứng chôn chân giữa đoàn xe bất động kéo dài nhiều cây số trong Khu Công nghiệp Nhơn Trạch vì lối vào cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành đã bị đóng tạm thời.
Đến khoảng 15h, anh mới lách được chiếc ô tô ra đường nhánh, chạy về phà Cát Lái, nhưng đường này cũng kẹt cứng. Vòng xe chạy ra quốc lộ 51, vượt hơn 30km trên mặt đường đầy ổ trâu, ổ gà đến nút giao Quốc lộ 1 (ngã ba Vũng Tàu) để rẽ vào xa lộ Hà Nội về trung tâm thành phố, anh tiếp tục chịu cảnh “nhích từng mét một” giữa rừng xe đủ loại.
Cảnh kẹt xe kéo dài chiều 17-7 trên đường dẫn từ khu công nghiệp Nhơn Trạch vào cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành. Nguồn: An Tôn
“Tôi quá mệt mỏi, bởi phải mất gần 3 giờ đồng hồ nữa xuyên qua nội đô thành phố Hồ Chí Minh đúng giờ cao điểm để về nhà gần sân bay Tân Sơn Nhất lúc hơn 19h. Hôm nay, chắc sẽ có rất nhiều người lỡ chuyến bay”, anh Minh chia sẻ với phóng viên.
Đến 20h ngày 17-7, chúng tôi vẫn nhận được điện thoại từ nhiều tài xế báo đang bị kẹt xe tại ngã ba Vũng Tàu.
Tìm hiểu nguyên nhân về tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại các hướng đường vào thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày qua, chúng tôi được biết nguyên nhân chính là do đơn vị quản lý đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đang triển khai sửa chữa khe co giãn tại trụ P26 - Km12+907 cầu Long Thành bắc qua sông Lòng Tàu, nối Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 15 đến 30-7.
Việc sửa chữa khe co giãn trên cầu Long Thành còn diễn ra đến 30-7. Ảnh: M.Vũ.
Cây cầu vốn đã hẹp, nay bị ngăn một nửa đoạn gần giữa cầu để sửa chữa, khiến dòng xe từ phía Đồng Nai về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh phải lách từng chiếc một, dẫn tới việc đoàn xe ùn ứ cả chục km.
Hơn nữa, đây là tuyến đường huyết mạch nối cảng biển lớn đến các trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ nên có hàng chục nghìn lượt xe qua lại mỗi ngày. Vì vậy, khi có điểm nghẽn, tình trạng ách tắc giao thông ngay lập tức trở nên nghiêm trọng.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thường xuyên ùn tắc do lượng phương tiện quá lớn. Ảnh: An Tôn.
Theo Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Đồng Nai, cơ quan này cũng đã đánh giá mức độ phức tạp của vấn đề, nên đã đề ra 3 lộ trình, khuyến cáo người điều khiển phương tiện lựa chọn lộ trình phù hợp. Tuy nhiên, thực tế 2 ngày qua cho thấy, cả 3 hướng di chuyển này đều có lúc ùn ứ nghiêm trọng.
Chờ giải pháp cấp bách
Một hy vọng trước mắt đang được nhiều người trông đợi, đó là việc ngày 19-8 tới đây, Bộ Xây dựng sẽ đưa vào khai thác tạm một đoạn đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh từ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành lên cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Lòng Tàu. Khi được đưa vào sử dụng, đoạn tuyến này sẽ giúp giảm tải lượng xe qua cầu Long Thành, cải thiện tình trạng lưu thông trong khu vực.
Đường dẫn từ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành lên cầu Nhơn Trạch vượt sông Lòng Tàu sẽ đưa vào khai thác ngày 19-8-2025. Ảnh: Khải Nguyễn.
Còn theo Ban Giao thông thành phố Hồ Chí Minh, đến 31-12-2025, thành phố thông xe 14,7km đường vành đai 3 trên cao, đoạn từ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành đến nút giao Tân Vạn. Khi đó, một lượng lớn phương tiện vận tải cỡ lớn không cần phải qua ngã ba Vũng Tàu đông đúc để theo Quốc lộ 51 về cụm cảng Cái Mép – Thị Vải như trước đây.
Đáng mừng nhất là theo thông tin từ Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), doanh nghiệp sẽ khởi công nâng cấp, mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành vào ngày 19-8-2025 và cơ bản hoàn thành trong năm 2026. Đoạn tuyến mở rộng dài gần 22km, điểm đầu tại Km4+000 (nút giao Vành đai 2), thành phố Hồ Chí Minh; điểm cuối tại Km25+920 (nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) thuộc tỉnh Đồng Nai.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng đến 10 làn xe cho đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành. Nguồn: VEC.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16.386 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng, tổ chức tín dụng 7.900 tỷ đồng và phần còn lại gần 2.000 tỷ đồng là vốn tự có của VEC (gồm lãi vay). Sau nâng cấp, đoạn tuyến này rộng đến 10 làn xe. Một cầu Long Thành rộng 5 làn xe được xây mới, sát cầu cũ về phía hạ lưu. Dự án này đã được Chính phủ cho phép triển khai với hình thức “dự án khẩn cấp”.
Với dự án này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Tài chính và VEC phải đảm bảo tuân thủ cơ sở khoa học kỹ thuật, lựa chọn những nhà tư vấn, những nhà thầu đã có kinh nghiệm, có năng lực, uy tín, hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận tải, góp phần kết nối thuận lợi đến sân bay Long Thành và thành phố Hồ Chí Minh.
An Tôn - Viết Tiến
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/hy-vong-som-het-canh-ket-xe-keo-dai-o-cua-ngo-tp-ho-chi-minh-709450.html