Tình hình tại Dải Gaza là thảm kịch
Phát biểu với báo giới về cuộc gặp với Thủ tướng Israel, Tổng thống Donald Trump gọi tình hình tại Dải Gaza là thảm kịch, đồng thời khẳng định ông và Thủ tướng Netanyahu đều mong muốn một giải pháp. Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump tại Trung Đông, ông Steve Witkoff, hy vọng có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này. Theo ông Witkoff, thỏa thuận sẽ bao gồm việc trao trả 10 con tin Israel do các nhóm vũ trang Palestine bắt giữ kể từ tháng 10-2023, cùng thi thể của 9 con tin khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 8-7. Ảnh: AVI OHAYON/GPO
Trước đó, Thủ tướng Israel Netanyahu đã trở lại Nhà Trắng để tiếp tục đàm phán với Tổng thống Mỹ, sau khi phía Qatar ngày 8-7 cho biết các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas tại Doha vẫn cần thêm thời gian. Qatar cùng với Mỹ và Ai Cập đang giữ vai trò trung gian hòa giải, trong đó các cuộc họp tại Doha tập trung xây dựng khung đàm phán. Tổng thống Donald Trump được cho là đang cố gắng tận dụng động lực từ lệnh ngừng bắn gần đây giữa Iran và Israel - kết quả của các cuộc không kích do Mỹ tiến hành nhằm vào chương trình hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, một quan chức Palestine tham gia tiến trình này cho biết đến nay vẫn chưa đạt được đột phá nào.
Cơ hội quý giá
Trang mạng Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Israel (INSS) đã đăng bài phân tích của ông Udi Dekel, người từng giữ chức Giám đốc điều hành INSS trong 10 năm và từng là trưởng phái đoàn đàm phán với Palestine dưới thời Thủ tướng Ehud Olmert trong tiến trình Annapolis 2007-2008. Theo ông Dekel, trong bối cảnh thay đổi mạnh mẽ cán cân quyền lực trong khu vực sau cuộc đối đầu quân sự giữa Israel và Iran; sự công khai của Tổng thống Donald Trump đối với việc kết thúc chiến tranh; sự suy yếu của “trục kháng chiến” và các lực lượng phi nhà nước; tình trạng bị cô lập của Hamas và thái độ sẵn sàng của các nước Arab trong việc can dự, hỗ trợ bình ổn Dải Gaza, một cơ hội quý giá đã xuất hiện để khép lại vòng luẩn quẩn ở Dải Gaza.
Israel đã đạt được hầu hết các thành quả quân sự có thể tại Dải Gaza. Từ thời điểm này trở đi, việc tiếp tục chiến đấu sẽ đồng nghĩa với “giậm chân tại chỗ” và sa vào vũng lầy Dải Gaza, với cái giá nhân mạng cao mà không mang lại lợi ích an ninh cụ thể. Lực lượng Hamas đã bị vô hiệu hóa trên chiến trường, mất đi phần lớn sức mạnh và năng lực hiện tại chỉ còn giới hạn ở các cuộc tấn công nhỏ lẻ. Do đó, Israel nên tận dụng các thành quả quân sự của mình - cả ở Dải Gaza và đặc biệt là đối với Iran - như đòn bẩy cho một động thái chính trị nhằm nhanh chóng giải phóng con tin và chấm dứt chiến tranh.
Cơ sở cho một bước đi chính trị như vậy đã sẵn sàng, dưới hình thức đề xuất của Ai Cập đang được đưa lên bàn nghị sự và nhận được sự ủng hộ của các quốc gia Arab và Hồi giáo. Đề xuất của Ai Cập bao gồm các điều kiện cho việc kết thúc hoàn toàn chiến tranh tại Dải Gaza; Israel rút quân theo từng giai đoạn khỏi Dải Gaza; đổi lại là việc trả tự do các con tin và thiết lập một cơ chế quản trị mới đảm bảo Hamas không còn cai trị khu vực, cùng với đó là phục hồi kinh tế và đời sống cho người dân.
MINH CHÂU tổng hợp