IBA nói không với võ sĩ gây tranh cãi giới tính

IBA nói không với võ sĩ gây tranh cãi giới tính
5 giờ trướcBài gốc
Nữ võ sĩ người Algeria, Imane Khelif một lần nữa bị loại khỏi giải đấu do IBA tổ chức vì "tiêu chí đủ điều kiện".
Cuộc tranh cãi về tính công bằng trong thể thao nữ tiếp tục bùng lên khi Imane Khelif, nữ võ sĩ quyền Anh người Algeria, bị cấm thi đấu tại Giải vô địch quyền Anh thế giới do Hiệp hội Quyền Anh Quốc tế (IBA) tổ chức. Giải đấu sẽ diễn ra từ ngày 30/4 đến 14/5 tại Belgrade (Serbia), nhưng một lần nữa, IBA tuyên bố Khelif không đáp ứng tiêu chí đủ điều kiện để tham gia.
Tranh cãi không có hồi kết
“Khelif không đủ điều kiện tham dự giải đấu của chúng tôi. Cô ấy không đáp ứng các tiêu chí quy định. Quy tắc kỹ thuật của IBA đã nêu rõ yêu cầu và tiêu chí đối với giải đấu này”, CEO IBA Chris Roberts phát biểu trong tuần này.
Đây là lần thứ hai liên tiếp Khelif bị từ chối tham dự Giải vô địch quyền Anh thế giới, sau khi cô cũng bị loại khỏi giải đấu tại Tashkent (Uzbekistan) năm 2023. Quyết định của IBA không gây bất ngờ, bởi từ lâu, tổ chức này đã xem xét vấn đề “lợi thế sinh học” của Khelif trong các trận đấu quyền Anh nữ.
Theo thông tin rò rỉ trong suốt Olympic Paris 2024, IBA cho rằng Khelif có mức testosterone rất cao và mang nhiễm sắc thể XY, mặc dù cô vẫn có cơ quan sinh dục nữ - một tình trạng y học gọi là hội chứng Swyer. Tuy nhiên, tại Olympic Paris, Khelif vẫn được thi đấu do Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cấm IBA tổ chức các giải đấu quyền Anh Olympic vì những bất thường trong công tác quản lý và trọng tài.
Điều này đồng nghĩa với việc IOC trực tiếp tổ chức giải đấu với tiêu chí khác, giúp Khelif có cơ hội tranh tài. Sự kiện thổi bùng cuộc tranh cãi về tiêu chí phân loại vận động viên trong thể thao nữ, và giờ đây, lệnh cấm mới từ IBA lại càng làm nóng thêm chủ đề này.
Imane Khelif từng là tâm điểm tại Olympic Paris 2024.
Tranh cãi về Khelif leo thang sau trận đấu giữa cô và võ sĩ người Italy, Angela Carini tại Olympic Paris. Carini bỏ cuộc chỉ sau 46 giây, với lý do bị đau dữ dội sau khi trúng đòn từ Khelif.
“Tôi phải dừng lại vì sức khỏe của mình. Tôi chưa từng cảm nhận cú đấm nào mạnh như vậy trước đây”, Carini chia sẻ sau trận đấu. Dù sau đó võ sĩ người Italy lên tiếng xin lỗi Khelif vì những tranh cãi nổ ra, nhưng sự việc này đã tạo ra một làn sóng tranh luận dữ dội. Sau Olympic, tên tuổi của Khelif liên tục xuất hiện trên mặt báo, đặc biệt khi cô bày tỏ mong muốn chuyển sang quyền Anh chuyên nghiệp.
Tháng 11 năm ngoái, nhà báo người Pháp Djaffar Ait Aoudia công bố một báo cáo cho rằng Khelif có “tinh hoàn ẩn”, làm dấy lên những nghi vấn về lợi thế thể chất của cô. Võ sĩ người Algeria sau đó khởi kiện vì cáo buộc tiết lộ thông tin y tế chưa được xác minh, nhưng điều đó không thể ngăn cản cuộc tranh luận tiếp tục lan rộng.
Giờ đây, với việc IBA tiếp tục cấm Khelif thi đấu, cuộc tranh luận một lần nữa trở thành tâm điểm của thể thao thế giới. Lệnh cấm này cũng có thể ảnh hưởng đến võ sĩ người Thái Lan Lin Yu-Ting, khiến vấn đề càng trở nên phức tạp.
Cựu tay vợt huyền thoại Martina Navratilova lên tiếng chỉ trích quyết định của IOC, cho rằng đây là một sự thất bại trong việc bảo vệ quyền lợi của các VĐV nữ: “Thật đáng xấu hổ khi IOC, đặc biệt là Thomas Bach, lại cho phép sự giả dối này diễn ra”.
Bà tiếp tục nhấn mạnh: “Việc bảo vệ không gian thể thao dành riêng cho phụ nữ lẽ ra phải là điều hiển nhiên. Nhưng giờ đây, chúng ta đang đặt những cơ thể nam giới (bất kể phẫu thuật hay hormone) lên trên lợi ích của phụ nữ.”
Không chỉ Khelif, cuộc tranh luận về tiêu chí đủ điều kiện trong thể thao nữ cũng lan sang nhiều môn thể thao khác. Barbara Banda, nữ cầu thủ từng giành giải BBC Women’s Footballer of the Year, cũng từng bị loại khỏi Cúp bóng đá nữ châu Phi vì không vượt qua bài kiểm tra giới tính - một sự kiện bị Tổ chức Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) lên án mạnh mẽ.
Thể thao nữ đứng trước ngã rẽ lớn
Lệnh cấm đối với Khelif một lần nữa đặt ra câu hỏi về tiêu chí công bằng trong thể thao nữ. Trong khi IBA và một số tổ chức thể thao khác cho rằng họ đang bảo vệ sự cạnh tranh công bằng, nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm IOC, lại coi đây là hành vi phân biệt đối xử.
Với sự phát triển của khoa học y học và nhận thức về giới tính, thể thao nữ đang bước vào một giai đoạn nhạy cảm, nơi ranh giới giữa sinh học, công bằng và quyền con người ngày càng trở nên mờ nhạt.
Mặc dù liên tục bị cấm thi đấu tại các giải chính thức, Khelif vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về tương lai của mình.
Với trường hợp của Imane Khelif, rõ ràng cô không chỉ là một võ sĩ quyền Anh, mà còn là nhân vật trung tâm của cuộc tranh luận toàn cầu về tiêu chí đủ điều kiện trong thể thao nữ.
Mặc dù liên tục bị cấm thi đấu tại các giải chính thức, Khelif vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về tương lai của mình. Một lựa chọn đang được cân nhắc là chuyển sang quyền Anh chuyên nghiệp, nơi không có những quy định nghiêm ngặt như IBA. Nhưng dù cô có chọn con đường nào, cái tên Imane Khelif chắc chắn vẫn sẽ là tâm điểm của những cuộc tranh luận chưa có hồi kết về tính công bằng trong thể thao nữ.
Liệu thể thao có thể tìm ra một giải pháp cân bằng giữa tính cạnh tranh và sự công bằng cho tất cả VĐV? Hay tranh cãi này sẽ còn kéo dài mãi mãi? Chắc chắn, đây không phải là lần cuối cùng chúng ta nghe thấy cái tên Imane Khelif trong những cuộc tranh luận thể thao trên toàn cầu.
Di Cầm
Nguồn Znews : https://znews.vn/iba-noi-khong-voi-vo-si-gay-tranh-cai-gioi-tinh-post1530133.html