IBM chi 150 tỷ USD vào Mỹ, thúc đẩy điện toán và AI

IBM chi 150 tỷ USD vào Mỹ, thúc đẩy điện toán và AI
5 giờ trướcBài gốc
“Với khoản đầu tư và cam kết sản xuất lần này, chúng tôi đảm bảo rằng IBM sẽ tiếp tục là trung tâm của những năng lực điện toán và trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất thế giới,” Giám đốc điều hành IBM Arvind Krishna cho biết trong thông báo ngày 28/4, theo CNBC.
IBM cho biết khoản đầu tư này sẽ giúp Mỹ giữ vững vị thế dẫn đầu thế giới về công nghệ điện toán, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
IBM chi 150 tỷ USD vào Mỹ, thúc đẩy điện toán và AI. Ảnh: IBM.
Đối thủ của IBM – công ty sản xuất chip Nvidia, cũng công bố một kế hoạch tương tự vào đầu tháng này, với mục tiêu sản xuất toàn bộ siêu máy tính AI NVIDIA tại Mỹ. Nvidia dự kiến xây dựng hạ tầng AI trị giá tới 500 tỷ USD tại Mỹ thông qua các đối tác sản xuất trong vòng 4 năm tới.
Theo Reuters, lĩnh vực điện toán lượng tử đang trở nên sôi động sau khi các hãng công nghệ lớn như Google, Microsoft và Amazon lần lượt công bố nguyên mẫu chip lượng tử của mình. Vào cuối tháng 2/2025, Amazon Web Services giới thiệu nguyên mẫu Ocelot, được kỳ vọng khắc phục hai vấn đề quan trọng là sửa lỗi và mở rộng quy mô. Đây được xem là những rào cản lớn khiến quá trình phát triển chip lượng tử gặp nhiều khó khăn.
Đầu tháng 3 vừa qua, các nhà nghiên cứu tại Đại học khoa học và công nghệ Trung Quốc (USTC) ra mắt nguyên mẫu máy tính lượng tử siêu dẫn có tốc độ nhanh gấp triệu lần so với bộ xử lý Sycamore của Google được giới thiệu vào năm ngoái.
Một số chuyên gia trong ngành dự đoán rằng máy tính lượng tử sẽ kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tạo ra sức mạnh vượt trội, thậm chí cho phép phát triển những sản phẩm mà trước đây con người chưa thể thực hiện.
Ông Enrique Lizaso Olmos, đồng sáng lập kiêm CEO của Multiverse Computing cho biết, công nghệ lượng tử đang trở thành một công cụ quan trọng giúp AI hoạt động hiệu quả hơn, trong khi AI lại đóng vai trò chính trong việc đưa các giải pháp lượng tử vào ứng dụng thực tế. Sự kết hợp này giúp cả hai công nghệ hỗ trợ lẫn nhau, giải quyết những thách thức mà từng lĩnh vực riêng lẻ khó có thể vượt qua.
Máy tính truyền thống được sử dụng rộng rãi, từ laptop, smartphone đến các siêu máy tính phục vụ nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, máy tính lượng tử vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa phổ biến. Hiện tại, công nghệ này chủ yếu được ứng dụng trong các lĩnh vực chuyên sâu như dược phẩm, tài chính, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.
Điểm khác biệt lớn giữa hai loại máy tính này nằm ở cách xử lý và lưu trữ thông tin. Máy tính truyền thống sử dụng bit, chỉ có thể tồn tại ở hai trạng thái 0 hoặc 1, trong khi máy tính lượng tử sử dụng qubit, có thể tồn tại ở cả hai trạng thái cùng lúc nhờ hiện tượng chồng chập lượng tử. Nhờ vậy, máy tính lượng tử có thể xử lý nhiều phép toán song song, giúp tăng tốc đáng kể so với cách hoạt động tuần tự của máy tính truyền thống.
Về hiệu suất, máy tính truyền thống hoạt động tốt với các tác vụ phổ biến như xử lý văn bản, lập trình hay chơi game. Trong khi đó, máy tính lượng tử lại vượt trội khi giải quyết các bài toán phức tạp như mô phỏng phân tử, tối ưu hóa hệ thống, mã hóa dữ liệu và phát triển trí tuệ nhân tạo.
Hà Anh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/ibm-chi-150-ty-usd-vao-my-thuc-day-dien-toan-va-ai-40990.html