Idecaf ra sao sau khi Thành Lộc rời đi?

Idecaf ra sao sau khi Thành Lộc rời đi?
40 phút trướcBài gốc
Tại sự kiện diễn ra ở sân khấu kịch Idecaf tổ chức vào chiều 31/10, ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc công ty TNHH Thái Dương lần đầu chia sẻ về sự thay đổi của sân khấu sau hơn một năm kể từ thời điểm Thành Lộc rời đi.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, lượng khán giả đến sân khấu Idecaf vẫn ổn định, trong đó đối tượng người xem trẻ tăng lên. Đó là động lực nhưng cũng là áp lực cho ban lãnh đạo của sân khấu trong "thời kỳ mới".
Trước bài toán về diễn viên cũng như khán giả, Idecaf quyết định “thay máu”.
“Tôi và Thành Lộc bình thường”
Tri Thức - Znews đặt câu hỏi cho ông Huỳnh Anh Tuấn về mối quan hệ của ông và Thành Lộc sau khi nam nghệ sĩ rời đi cách đây hơn một năm. Ông Tuấn khẳng định cả hai bình thường. Hiện Idecaf đã thành lập được ban điều hành mới.
“Chúng tôi bình thường. Còn sân khấu kịch vẫn vận hành tốt. Việc lứa nghệ sĩ lớn tuổi rời sân khấu, diễn viên trẻ thay thế là quy luật. Idecaf cũng chuẩn bị cho sự thay thế để đáp ứng sự ngóng đợi của khán giả. May mắn là các diễn viên trẻ đầy nỗ lực, cố gắng”, ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, sân khấu kịch đang "thay máu" dàn diễn viên và đầu tư lớn vào nhiều vở mới.
Theo người đứng đầu của Idecaf, ngoài các vở cũ, dàn diễn viên quen thuộc, sân khấu kịch quyết định đầu tư nhiều vở mới với kinh phí lớn, chiêu mộ các ngôi sao trẻ.
“Khẩu vị khán giả luôn là ẩn số. Song khán giả ở Idecaf ngày càng trẻ hóa. Họ luôn tò mò, bị hấp dẫn mới những cái mới, diễn viên mới. Vì vậy, chúng tôi quyết định thay máu, tạo ra một bộ mặt khác cho sân khấu. Thành bại của sự thay đổi này phụ thuộc vào khán giả. Chúng tôi hy vọng người xem cảm nhận được sự đầu tư, tâm huyết và cả tham vọng lần này”, ông Tuấn nói.
Sau 7 năm kể từ Tiên Nga, Idecaf mới đầu tư vở mới mang tên Dưới bóng giai nhân với mức đầu tư kinh phí lớn, quy tụ 50 diễn viên và hơn 200 bộ trang phục. Ngoài những gương mặt quen thuộc của Idecaf, vở chính kịch còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Hồng Ánh, Thanh Thủy, Hoàng Trinh cùng diễn viên trẻ như Phạm Hùng, Hữu Đạt, Thanh Anh, Phạm Hạnh… Đạo diễn và biên kịch của vở chính kịch lần này là Quang Thảo.
“Sau 27 năm của Idecaf, có những người đã ra đi và có người ở lại, cả diễn viên lẫn khán giả. Trong đó, khán giả là những người mà chúng tôi biết ơn nhiều nhất và là động lực để thay đổi. Vở này được xem là sản phẩm để cảm ơn khán giả sau hành trình dài. Ngoài Dưới bóng giai nhân, chúng tôi còn đầu tư thêm 4, 5 vở khác. Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử được coi là viên gạch đầu tiên đặt nền móng củng cố lại mảng chính kịch. Còn với Dưới bóng giai nhân, chúng tôi tin rằng vở tạo thêm một khung vững chắc cho Idecaf”, ông Tuấn nói.
Khi được hỏi về bài toán thu hồi vốn khi quyết định bỏ ra kinh phí lớn trong lần “thay máu”, ông bầu khẳng định đây không phải là vấn đề lớn đối với Idecaf.
“Áp lực lớn nhất trong lần này không phải là vấn đề kinh tế mà chú trọng yếu tố nghệ thuật cũng như sự hài lòng của người xem. Nhiều vở trước đây của chúng tôi như Ngàn năm tiền sử, Thiên Nga cũng chưa thu hồi vốn mà. Sự đón nhận của khán giả mới là điều tiên quyết. Chúng tôi sẽ vừa làm, vừa thăm dò khán giả để rút kinh nghiệm và thay đổi”, ông nhấn mạnh.
Về giá vé, ông Tuấn nói quyết định hạ mức giá với mong muốn tiệm cận số đông khán giả. Dưới bóng giai nhân sẽ trình làng khán giả từ tháng 12, tại nhà hát Bến Thành (TP.HCM).
Sân khấu kịch 'thay máu'
Với Dưới bóng giai nhân, Hồng Ánh là “át chủ bài”. Trong vở chính kịch, cô đảm nhận vai Thúy Kiều.
Theo Hồng Ánh, cô đã từ chối 4 dự án, gồm cả vai chính điện ảnh và truyền hình, để dành toàn bộ sự tập trung cho vở kịch ở Idecaf. Cô nói đã đến lúc lựa chọn sân khấu là bến đỗ sau hành trình dài với phim ảnh.
Hồng Ánh nói sân khấu là bến đỗ sau hành trình dài với điện ảnh và truyền hình.
“Với ngôi nhà Idecaf, tôi luôn thấy mình là một thành viên trong đó, dù nhiều năm lăn lộn ở các sân khấu kịch và đảm nhận đủ thể loại vai diễn. Khi nhận được kịch bản từ anh Quang Thảo, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi đã đọc đi đọc lại 3 lần và xúc động về câu chuyện của Thúy Kiều cùng những người phụ nữ trong vở. Tôi cảm nhận được nhân vật Thúy Kiều có sức mạnh, bản lĩnh, không buông trôi theo số phận hay ủy mị. Thúy Kiều có nỗi niềm, hiếu thảo nhưng bản lĩnh, rõ ràng trong tất cả quyết định", cô nói.
Theo đạo diễn Quang Thảo, vở Dưới bóng giai nhân được cảm tác từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Kịch bản được phổ thêm những diễn biến mới và một số nhân vật hư cấu.
"Truyện Kiều là một tác phẩm có quá nhiều chất liệu để khai thác, về văn học, cũng như cuộc sống, con người. Cái khó ở đây là Truyện Kiều đã quá quen thuộc với người Việt, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế, tôi đã chọn con đường riêng cho kịch bản của mình, với những sáng tạo mới nhưng vẫn không làm mất đi giá trị của Truyện Kiều", nam đạo diễn nói.
An Anh
Nguồn Znews : https://znews.vn/idecaf-ra-sao-sau-khi-thanh-loc-roi-di-post1507896.html