Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết nêu lên ý kiến của phụ huynh, thí sinh trước việc kết quả bài thi IELTS bị IDP Việt Nam (Công ty TNHH giáo dục IDP Việt Nam) giữ lại.
Trao đổi một số quan điểm liên quan đến sự việc này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, những quy định hiện tại được phía đơn vị tổ chức bài thi IELTS tại Việt Nam có nhiều yếu tố bất lợi cho thí sinh và cần được điều chỉnh.
"Theo tôi tìm hiểu, đối với bài thi IELTS tại Việt Nam do IDP Việt Nam tổ chức, trước khi thí sinh muốn đăng ký thi sẽ có phần thông báo các điều khoản do phía đơn vị sở hữu bài thi đưa ra bằng tiếng Anh.
Các điều khoản này, nếu các thí sinh có đọc thì cảm quan ban đầu cũng thấy là "không có gì đáng quan tâm". Hơn nữa, với các đối tượng là học sinh trung học phổ thông tham gia thi, khi nhận thức và vốn sống của các em còn chưa thật sâu sắc thì những điều khoản đó đối với các em còn là một khái niệm mơ hồ.
Tuy nhiên, khi có "sự cố" xảy ra giống như trường hợp của thí sinh trong bài viết được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải thì nó lại là cả một vấn đề lớn. Qua đó có thể thấy rằng, những điều khoản mà phía đơn vị tổ chức đưa ra là khá bất lợi và chính các thí sinh là đối tượng chịu thiệt thòi", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận định.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn
Theo vị Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, việc giữ kết quả bài thi IELTS đơn phương trước hết nó có ảnh hưởng đến kế hoạch công việc, học tập của thí sinh.
Vị đại biểu này lý giải: "Chứng chỉ IELTS có thời hạn nhất định, vì thế sẽ không ai đăng ký thi khi không thực sự cần thiết. Bên cạnh đó cũng có thể thấy rằng, việc giữ lại bài thi của thí sinh nếu không đưa ra được các lý do rõ ràng sẽ không thuyết phục được thí sinh và gia đình. Cách làm mang tính đơn phương và thiếu tính minh bạch như vậy rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý".
Qua đó, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đưa ra một số kiến nghị với cơ quan quản lý trong việc rà soát và điều chỉnh các quy định mà phía đơn vị tổ chức bài thi IELTS tại Việt Nam đang đưa ra để đảm bảo quyền lợi của thí sinh Việt Nam được đặt lên trên hết.
"Qua sự việc này, cơ quan quản lý cần rà soát tổng thể với các điều kiện mà đơn vị tổ chức bài thi IELTS tại Việt Nam đang đưa ra. Trong trường hợp, nếu các điều khoản là do chính các đơn vị tổ chức ở Việt Nam đặt ra thì cơ quan quản lý cũng nên có yêu cầu sửa đổi cho phù hợp với các quy định của pháp luật khác. Làm sao đảm bảo tính minh bạch, công bằng và quyền lợi của thí sinh không bị ảnh hưởng.
Còn nếu đó là quy định cứng đang được áp dụng trên toàn cầu, trong trường hợp đơn vị tổ chức bài thi IELTS tại Việt Nam không thể sửa đổi thì cũng rất cần có cơ chế minh bạch áp dụng khi tổ chức thi tại Việt Nam. Nghĩa là, trong trường hợp buộc phải giữ kết quả thi của thí sinh thì đơn vị tổ chức cần nêu rõ cụ thể nguyên nhân của việc giữ đó là gì.
Điều này là để thí sinh biết mình đang sai sót ở đâu, để nếu có lần thi sau thì còn rút kinh nghiệm. Việc minh bạch các nguyên nhân phải giữ kết quả thi IELTS cũng là cơ sở để thí sinh có thể khiếu nại đơn vị tổ chức thi nếu thấy rằng lý do bị giữ đó là không chính đáng", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, giám đốc của một Trung tâm ngoại ngữ tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chuyên tổ chức ôn luyện cho thí sinh tham gia các kỳ thi IELTS cho rằng, việc giữ kết quả bài thi của IDP Việt Nam đang thực hiện là không hợp lý và đang gây ra rất nhiều trở ngại cho thí sinh.
Vị giám đốc này cho hay: "Hầu hết các thí sinh tham dự các bài thi để lấy chứng chỉ IELTS chỉ khi họ thực sự đang rất cần đến chứng chỉ đó để phục vụ cho công việc, học tập vì đây là một loại chứng chỉ có thời hạn.
Nếu IDP Việt Nam không đưa ra các lý do cụ thể mà chỉ đưa ra các nguyên nhân chung chung, sau đó đơn phương giữ kết quả bài thi của thí sinh, vô tình nó tạo ra các tâm lý bức xúc, khó chịu".
Qua đó, giám đốc trung tâm ngoại ngữ bày tỏ quan điểm rằng, các cơ quan quản lý lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở Việt Nam nên có sự vào cuộc sau khi có những thông tin báo chí nêu.
"Yếu tố quan trọng nhất trong các kỳ thi là sự minh bạch. Nếu cách làm việc theo kiểu đơn phương như hiện nay của IDP Việt Nam không được chấn chỉnh thì dễ dẫn đến tư tưởng xem nhẹ quyền lợi của người thi.
Vì thế, sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý trong việc rà soát các quy định mà phía đơn vị tổ chức bài thi IELTS đang đưa ra ở thời điểm này là rất cần thiết. Nếu thấy những quy định nào có tính cục bộ, thiếu minh bạch và gây ra thiệt thòi cho thí sinh thì cơ quan quản lý cũng nên có đề xuất để đơn vị tổ chức kỳ thi sửa đổi hoặc bãi bỏ", giám đốc trung tâm ngoại ngữ cho biết thêm.
Nêu lên một số quan điểm dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định rằng, hiện nay việc quản lý các đơn vị tổ chức thi IELTS vẫn chưa thực sự quan tâm sát sao. Hơn nữa, với việc chỉ có 2 đơn vị tại Việt Nam được phép tổ chức các kỳ thi IELTS, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến tình trạng cục bộ, độc quyền.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng
Ngoài ra, những quy định về trách nhiệm của trung tâm tổ chức thi, quyền lợi của người tham gia thi đối với các bài thi IELTS tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa được công bố một cách rộng rãi. Các đơn vị tổ chức bài thi này chủ yếu nêu ra các điều khoản một chiều, dẫn đến việc thí sinh mù mờ trong tìm kiếm thông tin để đăng ký tham gia thi. Vì thế, khi có sự cố xảy ra, các thí sinh luôn trong trạng thái bị động.
Trước thực tế trên, rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc để đảm bảo yếu tố minh bạch, công bằng và vai trò giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tổ chức cấp chứng chỉ IELTS tại Việt Nam.
Trung Dũng